xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Loa phường: Bỏ thì thương, vương thì tội

Bài và ảnh: Nguyễn Hưởng

Hơn 90% người dân được lấy ý kiến cho rằng nên chấm dứt phát loa phường tại Hà Nội nhưng đây vẫn là chủ đề gây tranh cãi bởi tính lịch sử của hình thức thông tin tuyên truyền này

Hôm qua, 25-2, là thời hạn cuối cùng mà TP Hà Nội lấy ý kiến người dân về hệ thống thông tin cơ sở. Tính đến trưa 25-2, phiếu khảo sát trên cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội nhận được hơn 3.000 ý kiến. Trong đó, có tới 89,53% ý kiến cho rằng hệ thống loa phường không cần thiết. Ý kiến cho rằng loa phường cần thiết chỉ chiếm 3,81%; 6,66% cho là cần thiết nhưng phải đổi mới.

Mở rộng lấy ý kiến người dân

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Hà Nội, cho biết kết quả khảo sát nêu trên chưa thể hiện được quan điểm nên bỏ hay giữ loa phường. Việc khảo sát chỉ là một kênh tham khảo. “Chúng tôi còn tiếp nhận ý kiến của người dân bằng nhiều hình thức khác như qua mail, thư tay... Sau khi có kết quả cuối cùng, sở sẽ báo cáo TP xem xét nên giữ hay bỏ loa phường” - bà Tú nói.

Theo bà Tú, trong tháng 2 và đầu tháng 3-2017, Sở TT-TT TP Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến về loa phường tại khu dân cư qua hình thức họp tổ dân phố, lấy ý kiến trên một số địa bàn quận, huyện. Ngoài ra, sở cũng sẽ tổ chức hội thảo để thu thập ý kiến từ các chuyên gia, nhà quản lý, những người trực tiếp làm công tác phát thanh ở cơ sở.

Trước đó, tại buổi làm việc với Sở TT-TT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo: “Cần xem xét loa phường còn phù hợp hay không. Nếu loa phường không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi. Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở TT-TT đánh giá hiệu quả loại hình tuyên truyền này ngay trong quý I/2017.

Thế nhưng, khác với nhận định của lãnh đạo TP Hà Nội, mới đây, Phó Giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Bạch Thành Định, lại cho rằng cần giữ hệ thống loa phường vì đây là kênh thông tin trực tiếp đến người dân để họ nắm được chủ trương, chính sách. “Loa phường là sức mạnh của chính quyền, là sợi dây nối giữa chính quyền và dân” - ông nhận xét.

Thiếu tướng Định cho rằng cần nâng cao chất lượng hệ thống loa phường chứ không xóa. Bởi lẽ, loa phường có nhiều chức năng, trong đó “phương án phòng thủ của chúng ta trong trường hợp bất khả kháng thì loa phường sẽ huy động các lực lượng, loa phường sẽ báo động dân”.

Loa phường hiện là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Ảnh chụp tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội
Loa phường hiện là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Ảnh chụp tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội

Người già muốn giữ, người trẻ lắc đầu

Với ý kiến ủng hộ, ông Nguyễn Hoàng Dân (65 tuổi; ngụ phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) cho biết loa phường thường ngày phát khoảng 1 giờ, vào buổi sáng và buổi chiều. “Lâu rồi thành thói quen, loa phường giống như một chiếc đồng hồ báo thức cho những người lớn tuổi. Loa phường còn là phương tiện truyền tin hiệu quả. Ví dụ, thông tin về ngày chi trả lương, ngày tiêm phòng, kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, thông báo tình hình an ninh trật tự...” - ông Dân bày tỏ.

Theo ông Dân, hiện nay là thời của công nghệ hiện đại, mọi thông tin đều có trên internet. Thế nhưng, những người thuộc “thế hệ cũ” như ông lại không biết sử dụng máy vi tính hay điện thoại thông minh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hoa (63 tuổi; ngụ phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) nhấn mạnh bỏ loa phường sẽ khiến bà bị “mù” thông tin. “Trên các bản tin phát ở loa phường có những thông tin về hiếu hỷ, dịch bệnh, PCCC..., rất gần gũi với đời sống của cư dân địa phương. Nếu loa phường không còn, những người như tôi chẳng biết lấy thông tin ở đâu” - bà Hoa băn khoăn.

Trái ngược với những ý kiến trên, nhiều người trẻ thẳng thắn đề nghị bỏ loa phường vì nó quá phiền phức và không cung cấp được nhiều thông tin. Chị Nguyễn Thị Thúy (29 tuổi; ngụ phường Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm) lý giải những thông tin xã hội dễ dàng có thể tiếp cận trên báo, đài, tivi... Những thông tin ở loa phường quá cũ, lặp đi lặp lại nhiều ngày và chỉ có tác động trong phạm vi hẹp, xa rời cuộc sống của giới trẻ.

“Mỗi tổ dân phố đều có bảng thông tin. Việc gì cần tuyên truyền, chính quyền nên đưa lên đó để mọi người cùng đọc. Không nên chỉ vài người muốn nghe mà buộc cả trăm người khác phải chịu đựng” - chị Thúy phân tích.

Chị Đỗ Thị Hiền (27 tuổi; ngụ phường Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ có những hôm bị bệnh, muốn nằm nghỉ ngơi nhưng chưa đến 5 giờ, loa phường đã oang oang khiến chị càng thêm mệt mỏi hơn. “Lớp trẻ đi làm, học tập về khuya cần giấc ngủ đầy đủ, không thể “dậy sớm” cùng loa phường được.

“Có con nhỏ, buổi sáng muốn cho con ngủ thêm cũng không được bởi loa phường luôn mở sớm và mở lớn. Với những thông tin đem lại không nhiều mà mỗi năm phải chi hàng chục triệu đồng duy trì hoạt động loa phường thì không hợp lý” - chị Hiền nhìn nhận.

Loa xã: Nhiều tác dụng

Ông Nguyễn Viết Thắng - Chủ tịch UBND xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội - cho biết trên địa bàn xã có hơn 20 loa phát thanh được lắp từ năm 2013 và do 2 phát thanh viên phụ trách. Loa phát thanh tại xã Khai Thái phát mỗi ngày 2 lần, từ 5 giờ 30 phút - 6 giờ và từ 17 giờ 30 phút - 18 giờ.

Theo ông Thắng, do địa bàn xã rộng, nếu có việc cần phổ biến, chính quyền không thể đi từng nhà người dân để tuyên truyền nên loa xã phát huy rất nhiều tác dụng khi đưa những bản tin này. Ở xã Khai Thái, phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp nên các bản tin cũng liên quan, như lịch gieo mạ, lịch phun thuốc trừ sâu, thời gian thu hoạch... Ngoài ra, người dân còn cần các bản tin như: lệnh gọi nghĩa vụ quân sự, an ninh trật tự địa phương, phổ biến về chính sách của chính quyền các cấp.

“Sau 4 năm sử dụng, chúng tôi chưa thấy người dân phàn nàn gì về việc loa thông tin gây ồn hay sử dụng sai mục đích. Người dân cũng có đánh giá rất tích cực về loa thông tin” - ông Thắng khẳng định.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội - Viện Xã hội học:

Muốn duy trì, phải cải thiện bản tin

Loa thông tin đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong lịch sử, đặc biệt là giai đoạn vận động, tuyên truyền, cổ vũ toàn dân kháng chiến chống Mỹ. Vào thời kỳ đổi mới, loa thông tin tiếp tục giúp vận động toàn xã hội xây dựng sự nghiệp đổi mới đất nước.

Ngày nay, khi cách mạng thông tin bùng nổ, các phương tiện truyền thông mới hơn ra đời, người dân sẽ thấy loa phường gây phiền nhiễu đến cộng đồng, thông tin không đổi mới, vai trò tương tác với người dân không có.

Sẽ đến lúc phương thức truyền thông này phải chấm dứt nhưng loa phường hiện nay ít nhiều vẫn còn giữ được vai trò của nó. Ví dụ, khi cấp quản lý cần tổ chức vận động quần chúng nhân dân ở khu phố, phường thì những hệ thống thông tin khác không thể làm thay, bởi không phải toàn dân đều có thể sử dụng được internet, Facebook... Muốn loa phường tồn tại, cần phải cải thiện phương thức truyền tải thông tin, cách thức biên tập tin bài, khoảng cách của các vị trí đặt loa. Trong đó, phải ưu tiên việc đưa các thông tin cá biệt chỉ trong cộng đồng mà các phương tiện thông tin khác không có.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):

Không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, những cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, hộ kinh doanh gây tiếng ồn có thể bị xử phạt. Mức phạt cao nhất là 140-160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật - trên 40 dBA. Bên cạnh đó, còn có thể đình chỉ hoạt động với các hộ kinh doanh gây tiếng ồn ra khu dân cư.

Luật Bảo vệ Môi trường cũng đề cập ô nhiễm tiếng ồn nhưng các quy định dường như tập trung vào doanh nghiệp và cá nhân, hộ gia đình chứ không đề cập cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, UBND cũng chính là cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý ô nhiễm môi trường (gồm cả tiếng ồn). Cơ quan này “vừa đá bóng vừa thổi còi” thì khó bảo đảm sự hợp lý.

Thực tế, tiếng ồn của loa phường cũng không đến quá mức cho phép, chỉ to với người bệnh hoặc người già, trẻ nhỏ. Loa phường cũng đủ làm phiền chứ không gây thiệt hại, do vậy căn cứ vào pháp luật để xử lý thì không có. Tuy nhiên, khi bị làm phiền, ảnh hưởng đến sức khỏe thì người dân có thể phản ánh đến cơ quan chức năng yêu cầu chấn chỉnh.

L.Cơ ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo