Sau hơn 4 tháng nhận được tiền bồi thường thiệt hại từ Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan VN (Vedan), đến nay các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM vẫn còn loay hoay trong việc chia tiền cho dân.
Sau khi rút đơn kiện Vedan, người dân bị “treo” tiền bồi thường do phát sinh khiếu kiện
Đồng Nai: Ráng chờ!
Tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, hàng trăm hộ dân tỏ vẻ thất vọng vì chưa biết khi nào mới nhận được tiền bồi thường của Vedan. Ông Nguyễn Văn Lắm (ấp 1B) cho biết: “Chi phí sản xuất, thức ăn, giá vàng tăng liên tục. Gia đình tôi cứ nghĩ sẽ có tiền bồi thường sớm để đầu tư lại có thu nhập mà ăn Tết, nay Tết đã cận kề nhưng tiền chẳng thấy đâu. Hỏi xã, xã bảo ráng chờ!”. Bà Lê Thị Lụa (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) cũng buồn ra mặt: “Đến giờ, hơn 2 ha nuôi tôm của tôi bị thiệt hại do Vedan gây ra nhưng chưa biết được bồi thường bao nhiêu. Xã, huyện cứ hứa sẽ chi tiền sớm mà không biết sao cứ “treo” hoài”.
Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, dù UBND tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân và các huyện phải chi trả trên 60 tỉ đồng tiền bồi thường thiệt hại cho dân trước Tết Nguyên đán, thế nhưng đến nay gần 5.000 hộ dân vẫn chưa hoàn thành việc áp giá bồi thường, do đó chưa có hồ sơ công bố mức bồi thường cho dân.
Theo ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tiến độ chi trả tiền bồi thường thiệt hại của Vedan cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn đang được các ngành khẩn trương thực hiện. Trước mắt, hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch đang chiết tính, áp giá đền bù cho dân theo từng loại hình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Đến cuối tháng 12-2010, sẽ niêm yết hồ sơ tại các địa phương để công bố. Một tuần sau khi niêm yết danh sách, nếu không phát sinh khiếu nại sẽ tiến hành chi tiền cho người dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Bắt đầu chi trả
Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, theo Ban Chỉ huy Thống kê thiệt hại của tỉnh, từ khi nhận 50% số tiền bồi thường đợt I của Vedan đã phát sinh 29 đơn khiếu nại cá nhân và 13 đơn tập thể vì cho rằng tỉ lệ phân chia giữa các địa phương có sự chênh lệch. Cùng với đó, các tổ đại diện của người dân bị thiệt hại đã đề xuất nhiều phương án chia tiền nên chưa có sự thống nhất chung.
Vì vậy, Ban Chỉ huy đã xin ý kiến Bộ Tài nguyên-Môi trường và Viện Môi trường và Tài nguyên thống nhất phương án dựa trên số tiền kê khai bị thiệt hại của 1.255 hộ dân là 216 tỉ đồng trước đây, nhưng qua thẩm định thực tế chỉ yêu cầu Vedan bồi thường được 53,6 tỉ đồng. Như vậy, kết quả thiệt hại tương ứng với số tiền 53,6 tỉ đồng là 24,7%, chứ không chia theo tỉ lệ ô nhiễm, ngành nghề bị thiệt hại mà Viện Môi trường và Tài nguyên đã tính toán đưa ra trước đó.
Còn ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận: Đòi Vedan bồi thường đã khó, giờ chia tiền cho dân còn khó hơn do khiếu nại phát sinh rất nhiều. “Chúng tôi chỉ biết giải quyết bằng cách tính toán bồi thường theo tỉ lệ ô nhiễm do Viện Môi trường và Tài nguyên cung cấp. Hộ nào không chịu nhận tiền, chúng tôi sẽ gửi vào ngân hàng, nếu người dân tiếp tục khiếu nại, chúng tôi sẽ trả lại tiền cho Vedan và đề nghị họ đến Vedan đòi bồi thường”- ông Thới nói.
Theo ông Thới, bắt đầu từ ngày 16 đến 19-12, UBND các xã, thị trấn của huyện Tân Thành sẽ niêm yết danh sách và lập các tổ công tác chi trả tiền bồi thường thiệt hại đợt I của Vedan cho 1.255 hộ dân. Sau khi niêm yết danh sách, UBND các xã, thị trấn sẽ gửi thư mời từng hộ dân đến lĩnh tiền. Việc chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán.
Trước 14-1, Vedan chuyển tiền đợt II
Theo thỏa thuận, tổng số tiền Vedan bồi thường thiệt hại cho nông dân Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM do ảnh hưởng bởi nước thải của Vedan là gần 220 tỉ đồng, trong đó Đồng Nai gần 120 tỉ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu là 53,6 tỉ đồng và TPHCM là 45,7 tỉ đồng.
Trong tháng 8-2010, Công ty Vedan đã chuyển trước 50% tổng số tiền bồi thường cho các địa phương để chi trả cho người dân, 50% còn lại Vedan cam kết sẽ chuyển chậm nhất vào ngày 14-1-2011.
L.T |
TPHCM: Cố gắng chi trả trước tháng 1-2011
Ngày 14-12, ban chi trả tiền bồi thường thiệt hại từ Vedan của huyện Cần Giờ - TPHCM đã cho niêm yết danh sách các hộ bị thiệt hại lần thứ ba tại xã Tam Thôn Hiệp, sau đó sẽ tới xã Thạnh An. Đây là đợt niêm yết phát sinh thêm so với kế hoạch ban đầu do phát sinh khiếu nại của người dân. Sau 5 ngày niêm yết, ban chi trả và các hộ dân bị thiệt hại có tên trong danh sách sẽ bàn bạc và thống nhất phương án chi trả, cố gắng việc chi trả được thực hiện trước Tết Dương lịch 2011 để người dân có kế hoạch và chuẩn bị chi phí sản xuất cho năm tới.
Hiện danh sách các hộ bị thiệt hại được niêm yết của huyện Cần Giờ khoảng 840 hộ, chủ yếu là người dân tại hai xã Thạnh An và Tam Thôn Hiệp- cũng là hai xã có số người khiếu nại nhiều nhất. Theo ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nhiều hộ dân không còn lưu giữ các loại giấy tờ chứng minh nên kê khai không chính xác, vì vậy huyện đã chủ trương niêm yết công khai danh sách (trong đó có vị trí, diện tích, loại hình sản xuất) để người dân giám sát lẫn nhau trong việc kê khai, chi trả nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch.
T.Sương |
Bình luận (0)