icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ngăn chặn, xử lý cách nào?

Trung Thanh - Mỹ Nhung ghi

Sẽ thí điểm rút giấy phép đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM:

Rút giấy phép doanh nghiệp vi phạm

imgĐể hạn chế tình trạng doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực môi trường, chúng tôi đã công khai danh sách các đơn vị gây ô nhiễm trên trang web của Ban Quản lý KCX-KCN TPHCM. Chúng tôi cũng đã mời và sẽ tiếp tục mời các chủ doanh nghiệp trong “danh sách đen” lên làm việc, xác định rõ các hành vi vi phạm và xác định thời gian cụ thể để doanh nghiệp khắc phục. Khi nào doanh nghiệp khắc phục xong chúng tôi mới rút tên khỏi danh sách.

Quyết liệt hơn, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thực hiện việc rút giấy phép đăng ký kinh doanh các doanh nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường, Phòng Cảnh sát Môi trường để tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở các KCX-KCN trên địa bàn TP.

TS Nguyễn Đinh Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP:

imgDùng hệ thống quan trắc để ngăn chặn

Tình trạng doanh nghiệp xả nước thải gây ô nhiễm phần lớn xuất phát từ vấn đề họ không muốn đầu tư nhiều tiền để xây dựng và vận hành hệ thống xử lý. Chúng tôi đã nghiên cứu phương án lắp đặt các trạm quan trắc tự động ở các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, ở mỗi KCN hoặc mỗi nhà máy sản xuất, chúng tôi sẽ lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để đo chất lượng, lưu lượng nước xả thải. Những dữ liệu này sẽ được truyền về trạm trung tâm (có thể đặt ở Chi cục Bảo vệ môi trường hoặc ở Ban Quản lý KCX-KCN) bằng điện thoại hoặc Internet. Trạm trung tâm sẽ xử lý dữ liệu, tính toán cho ra các thông số cụ thể về chất lượng nước xả thải của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào xử lý nước thải không đạt yêu cầu sẽ bị phát hiện ngay. Ngoài ra, trạm trung tâm cũng tính toán được lưu lượng nước xả thải. Do đó, doanh nghiệp nào có hệ thống xả lén không qua xử lý cũng sẽ bị phát hiện. Đề tài nghiên cứu trên của chúng tôi đã được nghiệm thu, hiện đã thực hiện thí nghiệm tại KCN Tân Bình.

imgÔng Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM:

UBND TP phải trả lời!

Tôi thấy trong những bài viết trên Báo NLĐ đã nêu cụ thể, rõ ràng ở từng tuyến kênh rạch ô nhiễm và địa chỉ doanh nghiệp gây ô nhiễm. Vấn đề còn lại là xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm ra sao. Từ nhiều năm trước, khi đi giám sát các khu vực bị ô nhiễm nặng, chúng tôi đã có văn bản gửi UBND TP đề nghị xử lý, nhưng chỉ nhận được những văn bản trả lời sẽ chỉ đạo các sở, ngành thực hiện, còn thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, chúng tôi không nhận được.

Đáng lý ra, khi gặp những vướng mắc, UBND TP phải chủ trì họp các sở, ngành lại để tìm cách giải quyết, phải đưa ra thời hạn giải quyết cụ thể. Chúng ta phải đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, không thể vì lợi nhuận của doanh nghiệp mà hy sinh sức khỏe người dân. Tại sao có những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, lặp đi lặp lại, Sở Tài nguyên-Môi trường đã kiến nghị UBND TP áp dụng biện pháp đóng cửa, xử lý hình sự nhưng cuối cùng lại chỉ xử phạt hành chính.

Chúng tôi sẽ có văn bản gửi UBND TP đề nghị trả lời những vấn đề này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM:

imgTăng mức xử phạt!

Cần xây dựng mức xử phạt mới dựa trên tỉ lệ phần trăm doanh thu của doanh nghiệp vi phạm (vì mức xử phạt hiện nay quá nhẹ so với doanh thu cũng như chi phí bỏ ra để xây dựng hệ thống xử lý nước thải). Tỉ lệ này sẽ tỉ lệ thuận với mức độ ô nhiễm cùng với thời gian vi phạm. Điều này sẽ thúc đẩy họ phải trích một phần lợi nhuận để đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải xứng tầm. Các cơ quan chức năng cũng có thể chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra theo điều 183 Bộ Luật Hình sự về tội gây ô nhiễm nguồn nước: Nếu đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục thì bị phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu đồng và cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù 2-7 năm; đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù 5-10 năm.

Đối với những người dân phải hứng chịu tác hại ô nhiễm, trước hết, họ cần phản ánh với các cơ quan chức năng để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp. Sau đó chuẩn bị các giấy tờ xét nghiệm, điều trị tại bệnh viện, bản sao quyết định xử phạt để tiến hành khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Bộ Luật Dân sự.

Người dân đang gánh hậu quả

img
Miệng cống của kênh 8 trước khu xử lý chất thải tập trung KCN vẫn đen ngòm, hôi thối và đầy váng dầu

Ngày 29-9, trở lại khu vực ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh - TPHCM, nơi người dân hứng chịu nhiều ô nhiễm do nằm gần rốn KCN Lê Minh Xuân, chúng tôi nghe nhiều người than phiền về hậu quả do tình trạng ô nhiễm nước và không khí ở đây. Ông Nguyễn Thành Đông, tổ trưởng tổ 5A, ấp 1, dẫn chúng tôi ra ao cá trước nhà, nói: “Cách đây hơn một tháng, có cơn mưa to cộng nước các con kênh dâng cao, không hiểu sao đàn cá rô phi gần 200 kg của tôi đều ngoi lên chết hết, tình trạng này kéo dài gần nửa tháng nay”. Đến nhà bà Phan Thị Phú Hào, tổ 5, ấp 1, trong đợt cây bạc màu, toàn bộ diện tích lúa mới sạ của bà đều bị bạc trắng, chết hết, thất thu hơn nửa số lúa thu hoạch của cả năm. Bà Hào chua chát: “Tôi gởi kiến nghị xin UBND xã hỗ trợ mà có thấy gì đâu, trong khi thiệt hại của tôi là rất lớn, diện tích gần 6.500 m2, sợ quá, năm nay, tôi thuê người đắp bờ cao hơn 3 tấc tránh cho nước kênh tràn vào gây chết lúa”. Ngoài hộ bà Hào, theo thống kê của UBND xã Tân Nhựt, còn có hộ ông Phan Phước Thiện, diện tích lúa thiệt hại hơn 4.000 m2 cũng do nước kênh ô nhiễm.

Điều đau lòng nhất là sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng. Ông Trần Công Bền bức xúc: “Vợ chồng tôi sống được là nhờ... uống thuốc chữa bệnh ho hen, sổ mũi, viêm xoang... thường xuyên. “Ở đây không bệnh mới lạ, sáng ngửi mùi nấu kim loại, chiều mùi thuốc trừ sâu, thỉnh thoảng mùi đốt nhựa... chịu không nổi. Ở trên thì khói, còn dưới nước thì kênh B, kênh 8 đủ thứ màu, khi đỏ, khi đen, khi nâu... của thuốc nhuộm, hôi thối nồng nặc”- một lão nông bức xúc.

Ông Hà Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt, lật sổ thống kê: “Toàn xã có hơn 65% diện tích đất trồng lúa, người dân chủ yếu sống nhờ nghề nông, những thiệt hại vừa rồi mà các doanh nghiệp gây ra cho dân là quá lớn. Không chỉ lúa mà người dân ở ấp 1 có tỉ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp cũng cao hơn các ấp khác. Tôi đề nghị các đơn vị gây thiệt hại cho dân phải bồi thường, hỗ trợ cho họ”.

Bài và ảnh: Thu Hồng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo