Vi phạm có hệ thống
Nói đến các doanh nghiệp vi phạm, không thể không nhắc đến Công ty Hào Dương (trong KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè). Đây là công ty ngành thuộc da quy mô lớn, công suất 60.000 tấn da/năm, lượng nước sử dụng lên đến 3.500 m3/ngày, có nhiều công đoạn sản xuất phát sinh ô nhiễm như ngâm vôi, rửa da, ngâm axít...
Vào ngày 14-3-2008, Thanh tra Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TPHCM bất ngờ kiểm tra đột xuất, phát hiện toàn bộ lượng nước thải của Công ty Hào Dương không qua xử lý đã xả thẳng ra sông Đông Điền. Kết quả xét nghiệm mẫu nước thải của Công ty Hào Dương cho thấy nhiều thành phần nguy hại vượt tiêu chuẩn cho phép trên 5 lần.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đó, chủ đầu tư KCN Hiệp Phước đã phát hiện Công ty Hào Dương thải nước không qua xử lý ra sông nên đã ngưng cấp nước sạch cho công ty này kể từ ngày 25-1-2008. Tiếp tục lật lại hồ sơ, chúng tôi còn phát hiện vào ngày 6-1-2005 và ngày 23-12-2005, Thanh tra Sở TN-MT đã ra 2 quyết định xử phạt hành chính Công ty Hào Dương về hành vi xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định và xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép.
Ngoài Công ty Hào Dương, gần đây trên địa bàn TP còn có hàng loạt doanh nghiệp vi phạm liên tục Luật Bảo vệ môi trường như Công ty TNHH TM-SX-DV Nghiệp Hưng, Công ty An Tiến Lợi (cùng sản xuất cồn, tại KCN Tân Phú Trung), cơ sở sản xuất muối Thông Tín, Công ty Dệt nhuộm Hoa Tiến...
Chỉ phạt hành vi, không truy tính chất
“Hễ kiểm tra đến đâu là phát hiện doanh nghiệp gây ô nhiễm đến đó” - một chuyên gia trong ngành môi trường ở TPHCM nhận định. Dựa vào những tài liệu về các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở TPHCM trong những năm gần đây do chúng tôi thu thập được, quả thật nhận định trên đúng đến 99%. Cụ thể, Báo NLĐ đã từng có loạt bài phản ánh vào tháng 7-2007, khi đoàn thanh tra của Bộ TN-MT tiến hành kiểm tra 5 KCN tại TPHCM đã phát hiện gần 100% doanh nghiệp vi phạm với các hành vi như xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép... Trong đó, tại KCN Tân Phú Trung đoàn đã phát hiện nhiều doanh nghiệp xả nước thải ra kênh Thầy Cai vượt tiêu chuẩn cho phép từ hàng chục đến hàng trăm lần, gồm: Công ty TNHH SX-TM-DV Nhất Trí (sản xuất chỉ may, sợi), doanh nghiệp Thăng Long (gia công nhuộm), Công ty TNHH SX-TM Vạn Thành (sản xuất nệm), Công ty TNHH Liên doanh Excel Kind (giặt tẩy)...
Điều đáng lưu ý là ngay từ đầu năm 2004, Công ty Quản lý Khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM đã có văn bản gửi Sở TN-MT TP báo động về tình trạng doanh nghiệp xả nước thải ra kênh Thầy Cai, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Vào thời điểm đó, tại KCN Tân Phú Trung có 29 doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành nghề gây ô nhiễm nặng như sản xuất cồn, gas, giấy, bao bì tái sinh, dệt nhuộm... Trong đó, nhiều đơn vị liên tục vi phạm về bảo vệ môi trường. Cụ thể vào ngày 8-1-2003, UBND huyện Củ Chi đã ra quyết định phạt 10 trường hợp vi phạm (có nhiều trường hợp đã vi phạm lần thứ 2-3) và vào ngày 17-12-2003, UBND huyện Củ Chi cũng ra quyết định phạt 5 trường hợp vi phạm. Thế nhưng, mức phạt doanh nghiệp cao nhất chỉ có 6 triệu đồng và thấp nhất là 400.000 đồng.
Điều khó hiểu là dù các doanh nghiệp vi phạm có tính hệ thống và bị bắt quả tang nhiều lần nhưng chính quyền địa phương lại không điều tra xem hệ thống xả chất thải lén của doanh nghiệp đó được vận hành thế nào, thời gian bao lâu... nhằm xác định khối lượng nước thải xả trực tiếp ra kênh để xử lý ở mức cao hơn!?
Người dân lãnh đủ vì sự... vô cảm?
Dù tình trạng ô nhiễm xung quanh các khu KCN ở TPHCM ngày càng nghiêm trọng và đã có nhiều cuộc họp để giải quyết, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không tìm được cách đóng cửa doanh nghiệp vi phạm và bắt phải bồi thường thiệt hại. Lần nào cũng “vịn” vào các lý do như “Luật Bảo vệ môi trường chưa chặt, khó bắt quả tang doanh nghiệp vi phạm...” và cuối cùng chẳng có cơ quan nào nhận trách nhiệm. Đơn cử là trường hợp vi phạm của Công ty Hào Dương và các doanh nghiệp nêu trên, Sở TN-MT cho biết đã có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo UBND huyện Củ Chi rút giấy phép đăng ký kinh doanh, Công ty Điện lực TP ngắt điện và Phòng Cảnh sát Môi trường tập hợp hồ sơ xử lý hình sự... Thế nhưng sau đó, khi UBND TP gửi văn bản sang Sở Tư pháp TP yêu cầu tư vấn thì lại nhận được văn bản phúc đáp “không thể xử lý theo các hướng nêu trên”. Vì thế cuối cùng các vụ việc trên chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính.
Trở lại KCN Lê Minh Xuân, trong khi người dân ngày càng héo mòn trong ô nhiễm, sau nhiều cuộc họp bàn, đến cuộc họp ngày 26-9-2008, những điệp khúc trên của cơ quan chức năng vẫn lặp lại và kết cục vẫn không... lối thoát. Cũng như những lần trước, khi cuộc họp kết thúc, nhiều người dân ở gần KCN Lê Minh Xuân lại thất thểu ra về vì chẳng biết khi nào mới thoát khỏi cảnh ô nhiễm.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TPHCM, ngao ngán: “Ô nhiễm đang tàn phá khu vực này và với cách giải quyết như chúng ta hiện nay thì môi trường sẽ tiếp tục bị tàn phá. Tại sao chúng ta không làm được, chúng ta sao nhãng trách nhiệm hay là vô cảm!?”.
Họp nhiều lần, đâu lại vào đó! Sau khi xảy ra tình trạng cây cỏ quanh KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh - TPHCM) bị bạc trắng, tính từ tháng 9-2007 đến nay đã có ít nhất 4 cuộc họp bàn để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cho khu vực này. Các cuộc họp đều có sự tham dự của lãnh đạo HĐND TP, UBND TP, các sở - ngành, quận - huyện... Thế nhưng, từ đó đến nay, tình trạng ô nhiễm ở KCN Lê Minh Xuân vẫn chưa được giải quyết, nước thải từ KCN vẫn chảy ra đen ngòm, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoa màu, cuộc sống người dân. Tr.Trung |
Bình luận (0)