Khảo sát một vòng quanh các quận 1, 3, 5, Phú Nhuận và Bình Thạnh-TPHCM, phóng viên Báo Người Lao Động nhận thấy những công nhân vệ sinh khi thu gom rác đều bỏ tất cả rác vào chung một thùng, không phân biệt rác nguy hại với rác thực phẩm hoặc các loại rác khác.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM), hiện nay lực lượng thu gom rác đều không được tập huấn kiến thức về rác nguy hại nên họ không nhìn thấy tác hại lâu dài của việc đổ chung rác với nhau. Hơn nữa, hiện nay không có văn bản nào cấm họ bỏ chung rác nguy hại vào cùng một thùng với rác thường nên họ cứ bỏ chung. |
Còn chị Nguyễn Thị Lan, một người thu gom rác dân lập ở phường 3, quận Bình Thạnh, nhận xét: “Yêu cầu những người đi gom rác như chúng tôi phân loại thì mất công lắm. Chúng tôi chỉ phân ra rác bán ve chai và rác thường thôi”.
Chị Lan còn phân tích thêm: “Chúng tôi không hiểu biết thì đã đành, nhưng cứ để ý xem, ngay cả các thùng rác công cộng cũng đâu có chia ngăn phân loại rác thải nguy hại gì đâu. Thế nên người dân vẫn “vô tư” bỏ chung tất cả vào một thùng, đó là chuyện buộc lòng người dân phải làm. Việc bố trí thùng rác công cộng như thế chứng tỏ cơ quan Nhà nước cũng chưa có ý thức tạo điều kiện cho người dân hiểu và thực hiện vấn đề này”.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế TPHCM, cũng thừa nhận điều này: “Ý kiến trên là chính xác, ai cũng thấy là hiện nay các thùng rác công cộng chỉ có một ngăn duy nhất nên người dân phải bỏ tất cả vào chung với nhau. Để nâng cao ý thức, tạo thói quen cho người dân, tôi nghĩ nên tổ chức đặt các thùng rác đặc biệt để thu gom chất thải nguy hại ở một số nơi đông người qua lại như siêu thị, cây xăng...”. Ngoài ra, ông Khoa còn đề xuất một biện pháp khác là nên tổ chức cho lực lượng thu gom rác tổ chức định kỳ mỗi tuần một hoặc vài lần (ví dụ như thứ ba, thứ năm, thứ bảy) sẽ đi thu gom rác thải nguy hại. Điều này sẽ khiến người dân và người thu gom rác đều hiểu và chú ý tới việc phân loại rác thải nguy hại.
Bình luận (0)