Xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch của TPHCM, có mật độ giao thông cao và người dân sinh sống hai bên đường đông nên tai nạn thường xuyên rình rập.
Tuy nhiên hiện nay, trên tuyến đường này (đoạn từ chân cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) chỉ duy nhất có điểm gần siêu thị Co.opMart (quận 9) có kẻ vạch qua đường dành cho người đi bộ, còn lại khi người dân muốn qua bên kia đường phải “liều mạng” trèo con lươn. Cảnh tượng nguy hiểm này diễn ra hằng ngày.
Người thanh niên này vừa nghe điện thoại vừa quan sát xe khi leo qua con lươn (ảnh lớn), phụ nữ mang thai cũng leo con lươn qua đường (ảnh nhỏ). Ảnh chụp dưới chân cầu Sài Gòn (phường Thảo Điền, quận 2 - TPHCM). Ảnh: PHẠM DŨNG
Qua đường như... làm xiếc
Xa lộ Hà Nội, đoạn dưới chân cầu Sài Gòn, có 2 trạm xe buýt để người dân đón xe đi ra quận Thủ Đức và đi vào trung tâm TP.
Khu vực này không có chỗ cho người đi bộ qua đường nên mỗi khi khách xuống trạm xe buýt Cầu Đen (phía phường Bình An, quận 2) phải trèo qua con lươn để sang phía phường Thảo Điền. Ngược lại, khách xuống ở trạm xe buýt phường Thảo Điền cũng phải trèo con lươn để qua phường Bình An.
“Mỗi ngày, có cả trăm học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức đều trèo qua con lươn để sang bên kia đường, không ít trường hợp do không quan sát kỹ đã bị xe đụng. Tôi còn nhớ mới đây, một người bán bánh cuốn trong lúc băng qua đường đã bị xe tông, bị thương rất nặng” - chị Nhung, bán thuốc lá gần đó, cho biết.
Ngồi tại trạm xe buýt phía phường Thảo Điền từ 16 giờ đến 17 giờ ngày 11-7, chúng tôi ghi nhận có 97 trường hợp người đi bộ trèo qua con lươn để đón xe buýt hoặc về nhà.
Xe buýt số 10 chạy tuyến ĐH Quốc gia - Bến xe Miền Tây vừa ngừng tại trạm gần chân cầu Sài Gòn phía phường Thảo Điền, 5 nữ sinh mắt dáo dác nhìn dòng xe nườm nượp rồi chạy ào đến con lươn.
Sau khi trèo qua con lươn, nhóm nữ sinh này lại tiếp tục chờ “thời cơ” - khi các phương tiện giao thông thưa dần - mới từ từ băng qua đường đi về phía phường Bình An.
Nguy hiểm hơn, nhiều thanh niên còn “làm xiếc” khi qua đường: Trèo lên con lươn rồi đi bộ trên đó một đoạn, chờ khi có “khoảng trống” giữa dòng xe rồi bất ngờ nhảy xuống chạy ào qua bên kia đường.
Bạn T.T.Hưng, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, nói: “Nếu đi xe buýt đến trạm Văn Thánh rồi đón thêm một chuyến nữa để xuống đường Trần Não thì vừa mất công vừa tốn tiền. Qua đường kiểu này nguy hiểm thật nhưng được cái đi nhanh về nhanh, không mất nhiều công sức!”.
Già trẻ, lớn bé, nam nữ... đều leo lên con lươn để qua đường. Ảnh chụp tại xa lộ Hà Nội, đoạn dưới chân cầu Sài Gòn. Ảnh: PHẠM DŨNG
Vài bước chân mất... 50 phút
Chúng tôi đã làm một thử nghiệm nhỏ: Đi bộ qua đường đúng luật. Kết quả là rất mất thời gian và mệt mỏi. Cụ thể, chúng tôi chọn điểm xuất phát tại trạm xe buýt dưới chân cầu Sài Gòn phía phường Thảo Điền. Để qua phía bên kia đường (phường Bình An) mà không phải leo con lươn, chúng tôi phải đi bộ lên cầu Sài Gòn, qua cầu vượt Văn Thánh rồi đi ngược lại. Hành trình này mất 50 phút.
Ngược lại, từ phía phường Bình An muốn sang phường Thảo Điền, chúng tôi lại phải đi bộ theo đường vòng dưới chân cầu Sài Gòn, hành trình này mất khoảng 20 phút.
Theo khảo sát của chúng tôi, những người có nhu cầu di chuyển không ai chọn cách này, họ chọn cách đi nguy hiểm hơn nhưng chỉ cần mất vài phút là tới.
Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không bố trí vạch qua đường dành cho người đi bộ hoặc xây cầu vượt, nhất là khi nhu cầu đi lại của người dân ở khu vực này khá cao? Trong khi đó cầu vượt Văn Thánh (quận Bình Thạnh) lại bị “chê” và trở thành địa điểm lý tưởng cho các con nghiện chích ma túy...?
Về vấn đề này, Sở GTVT cũng nhìn nhận nhu cầu băng qua đường của người dân ở hai bên xa lộ Hà Nội, nhất là khu vực gần cầu Sài Gòn là có thật. Tuy nhiên, sở này cho biết không thể bố trí vạch qua đường hoặc chốt đèn tín hiệu giao thông tại khu vực này vì sẽ gây ùn tắc giao thông.
Còn về chuyện xây cầu vượt phục vụ nhu cầu đi bộ của người dân, điều này là hoàn toàn hợp lý và sở cũng đã tính đến. Tuy nhiên, kinh phí hằng năm dành cho giao thông quá ít ỏi, đồng thời có những công trình khác cấp bách hơn nên chuyện xây cầu vượt vẫn còn là chuyện của... tương lai!
Chui rào chứ đi bộ sao nổi !
Quốc lộ 1A đoạn đường từ cầu vượt Thủ Đức đến ngã ba Trường ĐH Nông Lâm (quận Thủ Đức-TPHCM) mỗi ngày có hàng trăm sinh viên và người dân khu vực này... chui rào để sang đường. Nếu đi đúng luật thì từ ngã ba Đại học Đại cương, người đi bộ phải vòng lên ngã ba Trường ĐH Nông Lâm TPHCM để sang bên kia đường. Còn muốn sang phía ngược lại thì người đi bộ phải đi hết cầu vượt Thủ Đức rồi vòng xuống.
“Khu vực này tập trung rất nhiều trường ĐH, mỗi ngày có hàng trăm sinh viên qua đường kiểu này. Đã có nhiều người trong lúc băng qua đường đã bị những xe máy đi ngược chiều đụng, phải đi cấp cứu. Bản thân tôi muốn qua nhà em gái phía bên kia đường cũng chui rào chứ đi bộ sao nổi!” - chị Hồng, người sống ở khu vực này, cho biết.
Quốc lộ 1A đoạn đường từ cầu vượt Thủ Đức đến ngã ba Trường ĐH Nông Lâm mỗi ngày có hàng trăm người qua đường bằng cách này
Tương tự, xa lộ Đại Hàn đoạn từ ngã ba Trường ĐH Nông Lâm đến ngã ba Sam Sung (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) với chiều dài gần 1,5 km cũng không có cầu vượt dành cho người đi bộ. Công nhân, sinh viên và dân cư khu vực này không còn cách nào khác đành vượt rào để đỡ mất thời gian.
Ph.Dũng |
Bình luận (0)