Cuộc sống hàng ngàn ngư dân TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đang lâm vào cảnh kiệt quệ. Gần 2 năm kể từ khi Công ty Cổ phần Vedan VN bị bắt quả tang xả nước độc ra sông Thị Vải, người dân từng ngày chờ đợi Vedan thực hiện việc bồi thường những gì mà Vedan đã lấy đi từ nguồn sống của họ, thế nhưng ông chủ của doanh nghiệp Đài Loan này cứ lần lữa khước từ.
Cạn kiệt cá, tôm, hai ngư dân Cần Giờ thất nghiệp. Ảnh: THU HỒNG
Oằn lưng gánh nợ
1.117 hộ dân có đơn thống kê thiệt hại gửi UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ - TPHCM đang từng ngày chờ đợi câu trả lời chính thức từ phía Công ty Vedan. Họ- những người từng làm chủ những bãi nghêu, đìa tôm bạt ngàn - nay lại oằn lưng làm thuê để trả nợ vì thiệt hại mà Vedan đã gây ra.
Ngày 16-6, trên chuyến đò qua xã đảo Thạnh An, chúng tôi đã nghe những lời ca thán về việc bồi thường kiểu bố thí của Vedan cho người dân nơi đây. Hàng chục người dân đã trình bày nỗi bức xúc của mình.
Ông Nguyễn Xuân Tỵ, từng là chủ những ao tôm, bãi nghêu lớn nhất của xã đảo này, kể lại: Từ năm 1999, nguồn nước sông Thị Vải bắt đầu ô nhiễm nặng. Người dân phản ánh vụ việc ở rất nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri từ xã đến TP.
Đến năm 2003, bãi nghêu và sò của ông chết trắng, hơn 2,6 tỉ đồng vay mượn từ ngân hàng và bạn bè để đầu tư con giống trôi theo dòng nước độc. Cầm cự đến năm 2005, ông đành phải bán căn nhà 500 m² ở thị trấn Cần Thạnh để trả nợ.
Hai con của ông suýt nghỉ học vì không có tiền đóng học phí, may nhờ bạn bè giúp đỡ ông, mới gắng gượng tới ngày nay. Cày cục hơn 4 năm, từ làm thuê, cuốc mướn, đến nay, ông Tỵ vẫn oằn lưng với gánh nợ còn hơn 100 triệu đồng.
Cùng chung nỗi thống khổ này, ông Nguyễn Minh Phích, nguyên chủ tịch Hội Nông dân xã, cũng vay 500 triệu đồng đầu tư nuôi tôm sú và nghêu trên 4 ha mặt nước. Làm được vụ đầu năm 2002, đến năm 2003 gần đến kỳ thu hoạch thì tôm chết sạch. “Ở đây bốn bề sông nước, chúng tôi biết làm gì để trả nợ.
Làm ăn thua lỗ, ngân hàng không dám cho vay, còn làm thuê thì tuổi tôi không làm nổi, đành ngồi chờ Vedan bồi thường để trả nợ”- ông Phích uất nghẹn. Cùng hoàn cảnh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhiều phải vá lưới kiếm chút thu nhập đắp đổi qua ngày.
Ông Nhiều cho biết trước đây gia đình hơn 4 miệng ăn của ông sống nhờ nguồn cá tôm từ sông Thị Vải. Từ năm 1999 trở lại đây, cá tôm giảm sút, có hôm đánh bắt chỉ vài ký cá, không đủ trả tiền dầu.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Thạnh An, toàn xã có 1.039 hộ thì khoảng 900 hộ mắc nợ. Những hộ gắng gượng nổi là do người thân từ các nơi hỗ trợ. Những hộ còn lại chỉ còn biết “chờ Vedan bồi thường”.
Không cần Vedan ban phát!
Mấy ngày nay, bà Nguyễn Thị Lệ, ngụ tại huyện Nhơn Trạch-Đồng Nai cùng người con đắp vá lại mái tôn của căn nhà xiêu vẹo bên sông Thị Vải. Nhiều mảng tôn đã bung vỡ, mục nát nên phải cột dây thép để giữ mái tôn khỏi rơi xuống. Ba năm nay, căn nhà này đã bị hư hại nặng nề nhưng do nợ nần chồng chất, gia đình không còn tiền để sửa lại.
Tuần trước, chủ nợ đòi dữ quá, bà Lệ phải rứt ruột bán chiếc ghe – phương tiện kiếm sống duy nhất của gia đình bà - được 20 triệu đồng trả nợ, còn một ít tiền sửa lại căn nhà xập xệ.
Ba vụ tôm qua của bà Lệ đều bị chết hết do nguồn nước ô nhiễm. Giờ đây, bán hết ghe thuyền, bà phải đi làm thuê ở cảng Cái Mép. “Chúng tôi chỉ yêu cầu Vedan bồi thường những gì do họ gây ra đối với cuộc sống chúng tôi chứ không phải đi xin họ ban phát” - bà Lệ nói.
Ông Tư Giác, người dân thị trấn Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa cho đứa con gái út uống thuốc vừa thở dài ngao ngán: Ba năm nay, sông Thị Vải cạn cá, tôm vì nước thải của Vedan, hai người con gái bỏ thuyền, đi làm công nhân phụ gia đình trả nợ cho ngân hàng. Giờ phải kiện Vedan, được bồi thường thì mới có tiền trang trải nợ nần.
Ông Giác cho biết làng chài xóm ông có 18 hộ đòi Vedan bồi thường khoảng 3 tỉ đồng. Bên chiếc thuyền câu trên sông Thị Vải, chạy cả buổi sáng nhưng chỉ vớt được lèo tèo vài con cá bống, anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ huyện Tân Thành- Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết nếu đòi được tiền bồi thường khoảng 215 triệu đồng thì gia đình anh mới có cơ hội lo được cho 2 cháu nhỏ nên người. Còn không thì coi như số mình nghèo khó suốt đời.
UBND thị trấn Phú Mỹ cho biết sau khi nước thải Vedan ngập tràn sông Thị Vải, làng chài ở đây tiêu điều, hoang tàn. Chỉ 3 năm thôi, những vuông tôm và các loài thủy sản có nguồn lợi cao trên sông gần như đã bị xóa sổ.
Pháp luật phải ra tay
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh An, bức xúc: “Trước đây, UBND huyện và TP yêu cầu chúng tôi tiếp nhận đơn của 1.117 hộ dân làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã (trong đó có người dân các xã An Thới Đông, Tam Hiệp, thị trấn Cần Thạnh...).
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhiều cố đắp đổi qua ngày với nghề lưới trên dòng sông ô nhiễm
Tuy nhiên, phía Vedan chỉ chấp nhận thiệt hại của người dân riêng xã Thạnh An, còn lại không nhận. Chúng tôi đề nghị Viện Môi trường và Tài nguyên phải xác định lại vùng ô nhiễm để có căn cứ yêu cầu bồi thường”.
Theo ông Phúc, người dân tha thiết mong chờ Hội Nông dân TP và UBND TP có cách giải quyết triệt để, yêu cầu Vedan sớm giải quyết, nếu họ không sòng phẳng với người dân thì phải khởi kiện.
Ngày 16-6, UBND tỉnh BàRịa–Vũng Tàu cho biết phương án khởi kiệnVedan đã cơbảnđược tỉnh chấp thuận nhưng hiện tỉnh đang xin ý kiến của BộTài nguyên - Môi trường, Trung ương Hội Nông dân vàThủtướng Chính phủ.
Nếu được chấp thuận, UBND tỉnh sẽ kiến nghị Tỉnh ủy cho tạm ứng án phí để giúp nông dân khởi kiện. UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết hiện Sở NN-PTNT, Sở Tài nguyên-Môi trường đang phối hợp với UBND huyện Long Thành, Nhơn Trạch triển khai cắm mốc ngoài thực địa để làm cơ sở thống kê thiệt hại cho nông dân.
Hôm nay, 17-6, Hội Nông dân TPHCM sẽ làm việc với các sở ngành, Viện Môi trường và Tài nguyên- ĐH Quốc gia TPHCM (IER) và luật sư về giá bồi thường thiệt hại cho nông dân TPHCM.
Trước đó, đánh giá tác động môi trường của IER đã chỉ ra Công ty Vedan “góp” 89% trong việc đầu độc sông Thị Vải. Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào mỗi khu vực: Khu vực ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng (một phần Đồng Nai và một phần Bà Rịa - Vũng Tàu) là 89%, khu vực ô nhiễm nghiêm trọng (một phần Bà Rịa - Vũng Tàu và một phần TPHCM) là 30,3% và khu vực ô nhiễm (huyện Cần Giờ- TPHCM) là 10,1%.
Trên cơ sở đó, IER tính toán mức thiệt hại đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản mà Công ty Vedan phải bồi thường cho người dân tại Đồng Nai là 1.600 tỉ đồng, tại Bà Rịa- Vũng Tàu là 53 tỉ đồng và tại TPHCM là 45,7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Thứ trưởng Bô Tài nguyên – Môi trường:
Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý
Hội Nông dân là đầu mối đại diện cho người dân cần tiếp tục làm việc với Vedan. Nếu Vedan tiếp tục chây ì thì đưa ra trọng tài kinh tế phân xử, nếu không thống nhất thì phải khởi kiện ra tòa.
Quan điểm của Bộ Tài nguyên - Môi trường là phải xử lý thật nghiêm Vedan theo quy định của pháp luật. Xử lý Vedan liên quan đến rất nhiều chuyện.
Việc đóng cửa nhà máy của Vedan cần nhìn một cách tổng thể từ vùng nguyên liệu khoai mì, việc làm cho người lao động hay chính sách thu hút đầu tư... Tuy nhiên, ngay từ đầu, quan điểm của bộ là cương quyết đóng cửa nơi nào vi phạm.
Chúng tôi đang tiến hành rà soát lại hệ thống quy định pháp luật, nếu hổng chỗ nào thì điều chỉnh để có đủ chế tài xử lý sai phạm và tăng sức răn đe. Bộ Tài nguyên - Môi trường đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phối hợp xử lý nghiêm Vedan theo đúng quy định của pháp luật.
T.Dũng ghi |
Bình luận (0)