Nông dân Trần Văn Đốc ở xã Long Phước gay gắt: “Không thể dùng từ hỗ trợ. Vedan làm sông Thị Vải trở thành sông chết. Đến nhà tôi làm thiệt hại cho tôi mà bây giờ nói hỗ trợ là sao?”.
Ông Nguyễn Văn Ngẫu, chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, giải thích: “Khởi kiện là quyền của bà con nông dân, bà con phải chứng minh các giấy tờ liên quan nộp cho tòa, đóng án phí 5%. Nếu bà con thua kiện thì mất tiền đóng án phí. Chúng tôi nói rõ để bà con hiểu thêm”.
Có vẻ không hài lòng, nông dân Huỳnh Văn Hậu nói: “Vedan gây hậu quả cho dân như vậy mà hỗ trợ cái gì. Nói kiện phải có giấy tờ chứng minh thì những nông dân làm nghề đóng đáy, ghe cào... lấy đâu ra mà kiện. Lãnh đạo các cấp chính quyền phải đứng ra làm đại diện, giúp dân thu thập chứng cứ đòi bồi thường, chứ nói hỗ trợ 15 tỉ là một hình thức ban ơn”.
Sau khi có sự tranh luận giữa việc chọn bồi thường hay hỗ trợ giữa các nông dân xã Long Phước, ông Ngẫu đứng ra thông báo nhiều nông dân các xã Phước Thái (huyện Long Thành), Long Thọ, Phước An (huyện Nhơn Trạch) trước đó đều đồng ý thương lượng bằng cách hỗ trợ mà không khởi kiện.
Tuy nhiên, nông dân Hoàng Văn Tứ (xã Long Phước) vẫn bức xúc: “14 năm qua Vedan xả thải trực tiếp ra sông Thị Vải, cơ quan chuyên môn đã xác định quá rõ ràng, vậy mà gần hai năm qua rồi cách giải quyết với Vedan vẫn chưa xong. Tôi đề nghị phải đeo đuổi, kiện Vedan như kiện Mỹ trong vụ chất độc da cam!”.
Ông Vũ Đình Sơn (ấp Phước Hòa, xã Long Phước) nói: “Hội đưa ra mức hỗ trợ 15 tỉ đồng rồi nông dân các xã đòi hỗ trợ lên 30-40 tỉ, trong khi chúng tôi được biết UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Vedan bồi thường gần 120 tỉ. Tôi nghĩ nếu thương lượng, đòi hỗ trợ thì hội phải đòi Vedan hỗ trợ cho nông dân gần 120 tỉ”. Tương tự, ông Huỳnh Văn Hậu đề nghị Hội Nông dân tỉnh lấy số tiền gần 120 tỉ mà UBND tỉnh Đồng Nai đòi bồi thường để bắt Vedan hỗ trợ.
Tại cuộc họp, trao đổi riêng với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Đào Văn Minh, phó bí thư Huyện ủy Long Thành, cho biết: “Kết luận của thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai với các ngành và các địa phương có nông dân bị thiệt hại là yêu cầu phải lấy ý kiến, nguyện vọng của dân về phương pháp, cách thức và mức độ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại.
Vì vậy tôi khẳng định lúc này chưa thể nói chọn khởi kiện hay hỗ trợ vì phải tổng hợp ý kiến của nông dân để trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Nếu người dân quyết tâm kiện Vedan thì huyện vẫn có những người đứng ra cùng với Hội Nông dân và các cơ quan chức năng giúp họ về mặt pháp lý”.
Bình luận (0)