Các điều cấm của pháp luật bảo vệ môi trường đã có đủ, biện pháp xử lý cũng mạnh, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự, thế nhưng môi trường vẫn bị “bức tử”. Hội thảo về thực thi các điều cấm của luật pháp bảo vệ môi trường ở TPHCM do Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 10-5 góp phần tìm câu trả lời.
Đường ống dẫn nước thải chưa qua xử lý ra suối Nhum của Công ty Giấy Linh Xuân. Ảnh: PC36
Vừa thừa lại... vừa thiếu
Ông Đặng Văn Lợi, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Khoa học công nghệ - Tổng cục Môi trường, đưa ra 5 nguyên nhân khiến cho việc thực thi pháp luật môi trường còn hạn chế. Thứ nhất, các quy định chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, từng địa phương.
Thứ hai, chưa phù hợp với trình độ quản lý: cứ quản lý không được thì cấm. Thứ ba, điều cấm thiếu tiêu chí, thiếu các hình thức, công cụ cưỡng chế, các công cụ chưa tương ứng. Thứ tư, thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương. Cuối cùng là công tác phổ biến pháp luật chưa sâu rộng.
Theo thạc sĩ Trần Mai Phương, Viện Khoa học Quản lý Môi trường - Tổng cục Môi trường, pháp luật về bảo vệ môi trường có 1.001 điều cấm nhưng lại không có hình thức xử phạt tương ứng.
Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Hưng, đại diện Chi cục Kiểm lâm TPHCM, nêu lên một thực tế: Từ đầu năm 2010 đến nay, chi cục đã đề nghị UBND TP xử phạt 6 trường hợp mua bán động vật hoang dã nhưng... không có trường hợp nào bị xử phạt. Bên cạnh đó, các văn bản luật chỉ quy định hành vi vi phạm mà chưa phân loại mức độ vi phạm, nuôi nhốt hai con voi cũng bị xử phạt bằng hành vi nuôi nhốt hai con rái cá!
Ông Phạm Thanh Trực, Trưởng Phòng Môi trường Hepza, cho biết nhiều quy định không phù hợp với thực tế cũng khiến cho việc chấp hành trở nên... không tưởng.
Ông Trực ví dụ: Điều 17, khoản 3 phạt tiền từ 100- 150 triệu đồng đối với hành vi không phân loại chất thải nguy hại, để lẫn lộn chất thải nguy hại. Nếu lỡ tay bỏ hai viên pin vào thùng rác sinh hoạt thì sẽ thuộc hành vi trên thử hỏi làm sao mà xử phạt.
Đẩy trách nhiệm cho... truyền thông
Ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường - Tổng cục Môi trường, nhận định: Việc các phương tiện truyền thông đăng tải các sai phạm của doanh nghiệp khiến đối tác mất niềm tin vào doanh nghiệp, người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa cũng làm các doanh nghiệp lo ngại.
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM, cũng cho biết nhiều doanh nghiệp hiện nay sẵn sàng chịu nộp phạt để tiếp tục tái phạm do biện pháp “hậu xử lý” chưa khả thi. Tuy vậy, doanh nghiệp rất sợ ảnh hưởng đến uy tín trên thương trường, do đó dùng ảnh hưởng dư luận xã hội để làm biện pháp chế tài sẽ hiệu quả hơn trong công tác xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, bà Dụ cũng băn khoăn: Nghị định 117 có quy định về việc đăng tải thông tin về các doanh nghiệp vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng kèm điều kiện là mức độ vi phạm phải trên 70 triệu đồng.
“Vậy dưới 70 triệu đồng có được cung cấp thông tin cho báo chí và báo chí có được đăng tải không. Đây không phải là thông tin mật nên không thể không cung cấp cho báo chí. Nhưng nếu cung cấp, doanh nghiệp khiếu nại thì phải làm sao?”- bà Dụ đặt câu hỏi.
Hai doanh nghiệp đầu độc suối Nhum Sau một thời gian trinh sát, ngày 8-5, đội 2- Cảnh sát Môi trường TPHCM (PC36) đã bắt quả tang Công ty Cổ phần Giấy Linh Xuân (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) đang xả nước thải chưa qua xử lý ra suối Nhum với lưu lượng khoảng 350 m³/ngày. Đáng lưu ý là công ty này đã có hệ thống xử lý nước thải với công suất 500 m³/ngày. Cùng ngày, PC36 cũng kiểm tra Công ty Vina Toyo (phường Linh Xuân, quận Thủ Đức) và phát hiện công ty này không xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên xả thải trực tiếp ra suối Nhum với lưu lượng khoảng 8 m³/ngày. |
Bình luận (0)