Ngày 17-5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký Quyết định 2177/QĐ-UBND phê duyệt phạm vi khu vực nội thành của TP để thực hiện áp dụng thí điểm mức xử phạt theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 34).
Đó là các tuyến đường thuộc địa giới hành chính của 10 quận nội thành: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Hà Đông và những tuyến đường giáp ranh giữa 10 quận trên với các huyện...
Người điều khiển xe máy ở một quận nội thành Hà Nội
vi phạm luật giao thông đường bộ bị CSGT TP Hà Nội xử phạt ngày 17-5
Chia không rõ, dễ phạt sai
Theo cách phân chia của TP Hà Nội, các quận là nội thành, các huyện là ngoại thành; 10 tuyến đường giáp ranh sẽ có một làn đường thuộc khu vực nội thành, một làn đường thuộc khu vực ngoại thành nhưng đều được quy định xử phạt như nội thành. Thí điểm xử phạt tăng nặng trong 3 năm Việc thí điểm xử phạt tăng nặng tại khu vực nội thành đô thị đặc biệt được Chính phủ cho TP Hà Nội và TPHCM thí điểm trong thời gian 3 năm.
Theo Sở GTVT Hà Nội, liên ngành giao thông - công an đang tuyên truyền, phố biển các nội dung trong Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho người dân.
Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên Báo NLĐ ngày 17-5 cho thấy hầu hết người dân sống tại khu vực này đều chưa biết về những hành vi bị xử phạt tăng nặng từ 40% - 200% áp dụng đối với khu vực nội thành.
Từ ngày 20- 5, lực lượng CSGT ở TP Hà Nội và TPHCM sẽ bắt đầu tiến hành xử phạt 7 nhóm hành vi áp dụng với khu vực nội thành đô thị, đặc biệt với mức tăng nặng hơn khu vực ngoại thành từ 40% - 200%.
Đó là các lỗi không chấp hành biển báo, vạch kẻ đường, người hướng dẫn giao thông; dừng đỗ không đúng nơi quy định; đón trả khách trái phép; đổ chất thải không hợp pháp; sử dụng phương tiện không đúng chủng loại, tự chế, hết niên hạn sử dụng; chạy quá tốc độ; điều khiển phương tiện uống rượu bia.
T.Kha
Theo một lãnh đạo Vụ An toàn giao thông - Bộ GTVT, không thể quy định quá rạch ròi về nội thành, ngoại thành để xử phạt, bởi như vậy dễ nảy sinh nhiều vấn đề.
Việc quy định các tuyến đường trên thuộc khu vực nội thành nhằm giúp lực lượng chức năng (thanh tra giao thông và CSGT) dễ dàng thực hiện các biện pháp xử phạt.
Trong khi đó, thượng tá Trần Ngọc Ánh, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, dẫn ra điều 57, Nghị định 34 đã được Thủ tướng phê duyệt để khẳng định việc phân chia ranh giới của UBND TP Hà Nội là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM, cho rằng cơ quan chức năng cần phải xử phạt người vi phạm đúng tội và đúng địa điểm.
“Nếu đã chia rõ ràng nội thành là quận và ngoại thành là huyện thì không thể xử người dân vi phạm giao thông trên làn đường thuộc ngoại thành với mức như nội thành. Làm như thế là không bảo đảm tính chuẩn xác của pháp luật” - luật sư Hậu nói.
“Canh me” người uống rượu bia để phạt?
Theo điều 9, Nghị định 34, người điều khiển, người ngồi trên mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam - 0,4 miligam/lít khí thở; phạt tiền từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
Ngoài ra, người điều khiển ô tô sẽ bị cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia. Những người điều khiển ô tô hoặc các loại xe tương tự ô tô sẽ phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam - 80 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam - 0,4 miligam/lít khí thở.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo NLĐ, việc trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng CSGT ở nhiều địa phương vẫn chưa theo kịp thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Nghị định 34.
Theo một lãnh đạo Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C26) - Bộ Công an, nếu không được trang bị thiết bị này sẽ rất khó xử phạt đối với các hành vi tài xế điều khiển phương tiện trên đường sử dụng rượu bia.
Trước câu hỏi liệu lực lượng CSGT có túc trực tại các quán nhậu để xử phạt những người uống rượu bia điều khiển phương tiện, lãnh đạo C26 cho rằng lực lượng CSGT sẽ tùy thuộc vào kế hoạch cụ thể của CSGT địa phương...
Không dễ phạt người đi bộ
Theo điều 46, Nghị định 34, người đi bộ ở khu vực đô thị đặc biệt có hành vi vi phạm một số nội dung như không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển, kiểm soát giao thông sẽ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng (ngoại thành là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 - 60.000 đồng).
Ngoài ra, phạt tiền từ 80.000 - 120.000 đồng (ở khu vực ngoại thành là 60.000 - 80.000 đồng) đối với người đi bộ mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt dải phân cách, đi đường không đúng quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Theo một thành viên ban soạn thảo Nghị định 34, người đi bộ cũng gây ra rất nhiều tình huống nguy hiểm, gây tai nạn giao thông trên đường bộ nên cũng cần phải tăng nặng hình phạt, đặc biệt trong khu vực nội thành đô thị đặc biệt.
Thế nhưng, vị này cũng cho rằng việc có xử phạt hay không, nặng hay nhẹ tùy thuộc vào... lực lượng CSGT. Tham khảo ý kiến nhiều CSGT tại Hà Nội, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Rất khó hoặc chưa từng xử phạt người đi bộ suốt từ khi thực hiện Nghị định 146/2007/NĐ-CP đến nay.
Cổ vũ đua xe bị phạt 750.000 đồng Theo thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Công an TPHCM, có ba nhóm hành vi vi phạm bị tập trung xử phạt từ ngày 20-5 theo Nghị định 34. Một là, nhóm hành vi thường gây tai nạn, bao gồm:
- Không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông: Đối với ô tô, ngoại thành phạt 700.000 đồng, nội thành phạt 1,2 triệu đồng; với xe máy, ngoại thành phạt 150.000 đồng, nội thành phạt 400.000 đồng; ngoài ra còn tước giấy phép lái xe (GPLX) 30 ngày. - Điều khiển xe vượt tốc độ quy định 10 – 20 km/giờ: Đối với ô tô, ngoại thành phạt 1 triệu đồng, nội thành phạt 1,7 triệu đồng; đối với xe máy, ngoại thành phạt 300.000 đồng, nội thành phạt 400.000 đồng.
Hai là, nhóm hành vi vi phạm thường dẫn đến ùn tắc giao thông, bao gồm: - Dừng xe, đỗ xe tại các vị trí bên trái đường một chiều. Đối với ô tô, ngoại thành phạt 400.000 đồng, nội thành phạt đến 800.000 đồng và tước GPLX 30 ngày; đối với xe máy, nếu phạm lỗi dừng đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, ngoại thành phạt 50.000 đồng, nội thành phạt 150.000 đồng. - Ô tô dừng, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông, ngoại thành phạt 1 triệu đồng, nội thành phạt 1,7 triệu đồng, đồng thời tước GPLX 30 ngày và buộc phải đưa phương tiện ra khỏi nơi vi phạm.
|
Bình luận (0)