Sau khi đánh cắp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) của người dân ngay tại cơ quan công quyền, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đi lừa đảo.
Phần đất của ông Nguyễn Văn Ne (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) đã bị kẻ gian đánh cắp sổ đỏ, sau đó “phù phép” bán cho người khác. Ảnh: THU HỒNG
Giả con dấu, chữ ký để... lừa
Bà Lương Thị Mốt (ngụ ấp Nam Thới, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn-TPHCM) tường thuật với Cơ quan Điều tra Công an huyện Hóc Môn: Đầu tháng 11-2009, bà mang sổ đỏ (số 95/1998/Q1 do UBND huyện cấp ngày 20-6-1998) đến UBND xã Thới Tam Thôn để sao y, chứng thực thì phát hiện bị mất sau đó. Ngày 10-11-2009, bà đến công an xã trình báo.
Sau khi tiến hành đăng báo để hoàn tất thủ tục xin cấp phó bản sổ đỏ, bỗng dưng đầu tháng 12-2009, bà Trần Thúy Hương (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh) tìm đến nhà bà Mốt hỏi việc bán đất của bà. Tại đây, bà Hương phát hiện mình bị một đối tượng giả danh bà Mốt lừa vì thực chất bà Mốt không cầm cố hay rao bán đất.
Lần theo vụ việc, chúng tôi được biết ngày 25-11-2009, một đối tượng tự xưng tên Danh đến nhà bà Hương hỏi vay 1 tỉ đồng bằng hình thức ủy quyền sổ đỏ của bà Mốt cho bà Hương.
Các đối tượng này dùng giấy tờ giả gồm sổ đỏ, giấy xác nhận độc thân và đơn xin xác nhận tình trạng nhà, đất (bản chính), CMND giả mang tên bà Mốt nhưng dán hình người giả danh bà Mốt để giao dịch.
Sau đó, bà Hương cùng đối tượng tên Danh ra Phòng Công chứng số 6 để chứng thực và giao tiền. Sau khi bà Hương giao tiền cho Danh và người giả danh bà Mốt thì nhận được thông báo của phòng công chứng cho biết tất cả giấy tờ trên là giả. Các đối tượng đã giả con dấu, chữ ký của cán bộ chuyên trách và mộc của UBND xã để thực hiện hành vi lừa đảo.
Tinh vi, ma mãnh
Tương tự, đầu tháng 3-2010, bà Đào Thị Hoàng Tiên (ngụ ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi) được một người đàn ông tên Tùng, hành nghề chạy xe ôm ở ngã tư An Sương rủ giả mạo chủ đất để lừa đảo. Bà Tiên đồng ý và đưa CMND của mình cho ông Tùng.
Ngày 22-3-2010, ông Tùng gọi điện cho bà Tiên ra ngã tư Giếng Nước (huyện Hóc Môn) lấy một bộ hồ sơ gồm 1 sổ đỏ mang tên Nguyễn Thị Phân, đơn xin xác nhận tình trạng đất, đơn xác nhận tình trạng hôn nhân, bản photocopy hộ khẩu và 1 CMND mang tên bà Phân nhưng dán hình của bà Tiên. Sau đó, một thanh niên dẫn bà Tiên đến một ngôi nhà tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và nói đó là nhà do bà Tiên làm chủ.
Đúng như kịch bản các đối tượng này mong đợi, ngày 22-3-2010, ông D.C.C (ngụ phường 3, quận 11) điện thoại cho bà Tiên nhờ dẫn đi xem căn nhà trên. Sau đó, ông C. đồng ý mua căn nhà với giá 700 triệu đồng, thỏa thuận khi ra công chứng sẽ đặt cọc trước 300 triệu đồng.
Ngày 23-3-2010, bà Tiên và ông C. đến Phòng Công chứng số 4 để làm hợp đồng mua bán thì ông C. được công chứng viên yêu cầu về UBND xã Tân Hiệp xác nhận lại tình trạng đất. Đến UBND xã thì được biết toàn bộ hồ sơ trên là giả. Lập tức, Công an huyện Hóc Môn đã tạm giữ bà Tiên để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, các đối tượng lừa đảo ma mãnh đến mức không những đã scan chữ ký của phó chủ tịch UBND xã bằng mực xanh, giả chữ ký sống mà còn làm giả cả giấy xác nhận tình trạng thuế của Chi cục Thuế huyện Hóc Môn, một giấy xác nhận tình trạng nhà đất giả chữ ký của phó chủ tịch UBND huyện.
Trước đó, UBND xã cũng đã tịch thu 1 sổ hồng và 2 sổ đỏ giả mang tên ông Võ Thành Thi, do đối tượng mang đến chứng thực tại xã. Tuy nhiên, khi đối chiếu với hồ sơ gốc thì giấy tờ nhà đất của ông Thi đã mang thế chấp ngân hàng từ lâu.
“Lọt” qua cửa công chứng
Không chỉ lọt qua “cửa” UBND phường, xã, nhiều hồ sơ giả mạo hòng hợp thức hóa giấy chủ quyền đã đánh cắp còn lọt qua được cửa các phòng công chứng trong quá trình giao dịch.
Cụ thể, với trường hợp tự xưng đã mua đất “lầm” của bà Huỳnh Thị Lộc (trong bài “Sổ đỏ tự dưng biến mất”, đăng trên Báo NLĐ ngày 26-4, chúng tôi đã đề cập), việc chuyển nhượng giữa người mua “lầm” và người giả mạo chủ đất đã được Phòng Công chứng số 5 xác nhận.
Đây không phải là trường hợp hy hữu, trên thực tế không ít văn phòng công chứng đã công chứng nhiều hợp đồng mua bán mà hồ sơ có yếu tố giả mạo hay một trong hai bên tham gia hợp đồng có dấu hiệu lừa đảo.
Ông Lê Văn Tươi, Trưởng Văn phòng Công chứng Tân Bình, cho biết theo thẩm quyền, hồ sơ nào hợp lệ đều thực hiện công chứng nên trường hợp đối tượng cố ý dùng giấy tờ giả mạo mà mắt thường không thể phát hiện thì cũng khó tránh khỏi sai sót.
Theo quy định, một số loại giấy tờ buộc phải có khi thực hiện công chứng là bản chính chủ quyền nhà, đất; hộ khẩu, CMND và giấy chứng nhận kết hôn (hay xác nhận độc thân).
Tuy nhiên, theo ông Tươi, khi công chứng, công chứng viên cần lưu ý các trường hợp báo mất CMND hay hình ảnh, dấu lăn tay trên CMND bị mờ. “Các trường hợp này, chúng tôi đều yêu cầu phải làm lại CMND chứ không chấp nhận giấy báo mất”- ông Tươi nói.
Kẻ lừa đảo có 9 sổ đỏ Cơ quan Điều tra Công an huyện Hóc Môn vừa tạm giữ bà Nguyễn Thị Ngọc Giàu (ngụ xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) để làm rõ hành vi lừa đảo. Đầu năm 2010, bà Giàu được một phụ nữ tên Hòa (không rõ lai lịch) yêu cầu đứng ra giả mạo chủ đất để lừa đảo. Bà Giàu đồng ý và đưa hình của mình để làm CMND giả mang tên Nguyễn Thị Anh. |
Bình luận (0)