Tình trạng người dân điêu đứng vì bị mất cắp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các huyện ngoại thành TPHCM. Bao nhiêu hệ lụy nạn nhân phải gánh chịu, còn cơ quan chức năng dường như không “mặn mà” trong xử lý.
Việc mua bán mảnh đất trồng cây ăn trái hơn 1.000 m² của bà Huỳnh Thị Lộc hiện ngưng trệ sau khi
UBND xã Nhị Bình thông báo sổ đỏ của bà đã bị mất. Ảnh: QUÝ HIỀN
Bị kẻ gian đánh cắp ?
Cuối năm 2009, bà Huỳnh Thị Lộc (ngụ 20/5, ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn-TPHCM) hết sức bất ngờ khi được UBND xã Nhị Bình thông báo hồ sơ xin đăng bộ của bà nộp tại xã bỗng dưng... bị mất.
Trước đó hai tuần, bà Lộc nộp hồ sơ tại bộ phận nhà đất của xã để làm thủ tục đăng bộ bán đất. Bộ hồ sơ gồm bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở có diện tích hơn 1.000 m² và hộ khẩu, CMND do bà Lộc đứng tên.
“Nghe mất hồ sơ, tôi rụng rời tay chân vì mảnh đất này đã được người mua trả 90% số tiền”- bà Lộc nghẹn ngào. Chưa hoàn hồn thì 10 ngày sau, một người đàn ông đến nhà bà Lộc xưng là người đang sở hữu lô đất của bà và trưng ra tờ giấy photocopy chủ quyền do chính bà đứng tên (đã bị mất).
Người đàn ông tên P. này (ngụ quận Gò Vấp) cho biết ông ta mua đất từ một người đàn bà xưng tên là Lộc và khu đất bà ta dẫn tới xem ở xã Bà Điểm nhưng... toàn cỏ trong khi đất của bà Lộc lại là đất trồng toàn cây ăn trái.
Tuy nhiên, cảm thấy không yên tâm nên ông P. đích thân tìm đến địa chỉ ghi trên giấy chủ quyền và mọi việc đã được làm rõ khi gặp bà Lộc. Như để khẳng định đất đã mua thuộc về mình, ông P. cũng “khoe” với bà Lộc bản hợp đồng công chứng chuyển nhượng giữa người xưng tên Lộc và ông được làm tại Phòng Công chứng số 5.
Sự việc khó tin này sau đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng với bà Lộc bởi đến nay mọi giao dịch mua bán trên mảnh đất của bà bị ngưng trệ. Hiện vụ việc đã được Công an quận Gò Vấp chuyển lên Cơ quan Điều tra Công an TPHCM làm rõ.
Song điều mà bà Lộc đến nay vẫn thắc mắc là hồ sơ của bà nộp có đúng bị mất một cách tình cờ như UBND xã thông báo và kẽ hở nào khiến một nơi lưu giữ rất nhiều giấy tờ hành chính như UBND xã lại trở thành chỗ hoạt động của kẻ gian!?
Nhiều sổ đỏ khác cũng... biến mất
Sau vụ sổ đỏ của bà Lộc bị đánh cắp, tại UBND xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, có 3 sổ đỏ khác tiếp tục... không cánh mà bay. Cụ thể, sáng 7-12-2009, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của người dân, cán bộ xã này phát hiện mất 3 sổ đỏ trong 3 hồ sơ chuyển nhượng đã hoàn chỉnh và chuẩn bị chuyển về huyện trong buổi chiều cùng ngày.
Trong đó, một giấy do UBND huyện Hóc Môn cấp ngày 16-9-2008 diện tích 99,3 m2 do ông Phạm Văn Khang đứng tên sử dụng, một giấy được cấp ngày 28-7-1998 diện tích 3.436 m² do bà Thái Thị Thu đứng tên và giấy còn lại được cấp ngày 23-6-2003 diện tích 640 m² do ông Hồ Văn Tâm đứng tên.
Vụ việc lập tức được báo cáo lên Thường trực UBND huyện, đồng thời để tránh phiền phức về sau, UBND xã Nhị Bình đã xin cấp phó bản cho các sổ đỏ đã bị mất.
Khi được hỏi về nguyên nhân, một lãnh đạo xã Nhị Bình cho biết do kẻ gian trà trộn vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, lợi dụng lúc người dân và cán bộ sơ hở đã ra tay đánh cắp.
Không chỉ xã Nhị Bình mà một số xã khác như Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng..., huyện Hóc Môn đã xảy ra một vài vụ mất sổ đỏ của người dân. Đơn cử, ngày 11-3-2010, ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngụ quận Tân Bình) đã đến Công an xã Xuân Thới Thượng trình báo mất bộ hồ sơ gồm: một sổ đỏ, một hộ khẩu, một CMND do bà Đào Thị Nguyệt Trinh (vợ ông Hùng) đứng tên cùng bản vẽ hiện trạng đất.
Trước đó, trong khi chờ giải quyết hồ sơ của mình tại UBND xã, ông Hùng phát hiện toàn bộ hồ sơ của mình đã... không cánh mà bay. Tương tự, chị N.T.N.G cũng đến đây để sang tên chủ quyền cho mẹ mình. Trong lúc chờ đến lượt, chị phát hiện sổ đỏ do chủ đất bán đã... biến mất.
Tình trạng đánh cắp sổ đỏ phổ biến ngay tại trụ sở cơ quan công quyền đến nỗi Công an huyện Hóc Môn đã phải chuyển một số vụ việc điển hình đến đài phát thanh huyện và UBND các xã, thị trấn để phát đi phát lại nhằm tuyên truyền, cảnh báo cho người dân.
Tại nhiều xã, cũng đã thay đổi quy trình tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Thay vì người dân đến nộp hồ sơ vào rổ, chờ đến lượt gọi tên thì nay người dân sẽ bốc số thứ tự, đến lượt sẽ trao hồ sơ trực tiếp cho cán bộ, khi hoàn tất sẽ được trả trực tiếp...
Nạn nhân ngồi trên lửa !
“Đã gần 8 tháng nhưng vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ nên gia đình tôi cứ như ngồi trên... lửa bởi quyền lợi giao dịch bị mất, có nhà đất nhưng không có giấy chủ quyền cầm tay”- ông Ne bức xúc. |
Kỳ tới: Phù phép trên sổ đỏ đánh cắp
Bình luận (0)