xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quy hoạch cứng nhắc, dân khổ!

Bài và ảnh: Thu Sương

Những tiêu chuẩn quá cứng nhắc, thiếu tính khả thi trong quy hoạch đang làm quyền lợi của người dân bị “treo”. Đây là vấn đề nổi cộm sẽ được bàn thảo tại kỳ họp HĐND TPHCM sắp tới

Chưa đến 30% diện tích đất tự nhiên của TPHCM được phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000. trong số diện tích ít ỏi ấy lại có quá nhiều dự án chưa được thực hiện, làm cho cuộc sống, quyền lợi người dân cũng bị “treo” theo dự án.

Nhiều địa phương và chuyên gia cho rằng chính những tiêu chuẩn quá cứng nhắc trong quy hoạch chi tiết đã “góp phần” làm cho quy hoạch thiếu khả thi.


Dài cổ chờ thẩm định


Để đáp ứng đầy đủ, toàn vẹn các tiêu chuẩn quy định, các đồ án quy hoạch chi tiết phải liên tục bị chỉnh sửa. Chính vì vậy, đồ án lập chỉ vài ba tháng nhưng chờ được thẩm định để địa phương phê duyệt phải vài ba năm.

Điều này dẫn đến tình trạng, dù đã phân cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 về cho quận, huyện từ năm 2005 nhưng đến nay số đồ án đã được phê duyệt vẫn khá khiêm tốn: 80/285 đồ án.


Huyện Bình Chánh có 31 đồ án quy hoạch chi tiết, trong đó đã phê duyệt được 27 nhiệm vụ nhưng chỉ mới 4 đồ án. Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết do thực hiện đồng thời quy hoạch của huyện và quy hoạch chung toàn TP nên không tránh khỏi đồ án phải liên tục sửa đổi.

Nguyên nhân theo ông Nhật, bên cạnh năng lực của đơn vị tư vấn, chủ yếu là do quy hoạch chung của TP đang chỉnh sửa, quy hoạch chung của huyện cũng đang chờ thẩm định và có thay đổi nên không tránh khỏi các đồ án chi tiết phải chỉnh sửa theo.

“Lập đồ án không lâu nhưng chỉnh sửa và chờ dấu thẩm định của sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) thì... dài cổ. Đồ án được thẩm định nhanh nhất là một năm”- ông Nhật ngán ngẩm.

Là cửa ngõ, bộ mặt phía Tây của TP nhưng hạ tầng huyện Bình Chánh còn rất ngổn ngang; kiến trúc, cảnh quan thì nhếch nhác, chất lượng sống của nhân dân còn rất thấp mà lẽ ra với điều kiện đô thị hóa, huyện Bình Chánh phải phát triển tốt hơn nếu có một quy hoạch hoàn chỉnh.


Không chỉ sửa, chờ đợi nhiều như các địa phương khác, quận Tân Phú đã ký duyệt quy hoạch sau một năm nộp hồ sơ thẩm định, nhưng trong 11 đồ án quy hoạch chi tiết của quận chỉ có 1 đồ án có dấu thẩm định của Sở QH-KT TP, quận phải “vượt rào” phê duyệt 10 đồ án còn lại. Theo cơ quan thẩm định thì điều này không hợp lệ.

Tuy nhiên, phía quận Tân Phú cũng đưa ra những căn cứ bảo vệ việc làm của mình: không có quy định cơ quan thẩm định phải ký tên đóng dấu vào đồ án, trong vòng 20 ngày nếu cơ quan thẩm định không có ý kiến tức là đồng ý.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, giải thích: Khi Sở QH-KT TP yêu cầu, quận Tân Phú cũng đã chỉnh sửa, tuy nhiên nhiều đồ án không thể chỉnh sửa theo ý sở vì không phù hợp với thực tế của quận, sẽ phải giải tỏa rất nhiều nhà dân, dẫn đến quy hoạch không khả thi.

img
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa bị "treo" từ năm 1992


“Lấy thí dụ về tiêu chuẩn cây xanh, với quy định 3 m2/người, theo quy hoạch đến năm 2020 hơn 400.000 dân thì  phải có hơn 120 ha cây xanh. Nếu vẽ đúng diện tích cây xanh theo yêu cầu thì không nhà đầu tư nào dám bỏ tiền đầu tư vào khu vực này, quận cũng không đủ ngân sách bồi thường, vậy là người dân sẽ vướng quy hoạch “treo”. Chúng tôi cũng chỉ đặt mình vào vị trí của người dân để thực hiện quy hoạch thôi”- ông Hạnh dẫn chứng.

Theo ông Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín cũng đã chấp thuận với cách giải quyết của quận Tân Phú trong một cuộc họp với quận và các sở, ngành.


Chưa có sự thống nhất


Qua giám sát tình hình lập và thực hiện quy hoạch của một số địa phương, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP, nhận định: Việc lập quy hoạch hiện nay còn chậm và không nhất quán do nhiều địa phương còn chạy theo chủ đầu tư, dẫn đến tình trạng nhà đầu tư thứ cấp có trước nhà đầu tư cấp 1, hạ tầng không được kết nối đồng bộ và câu chuyện quy hoạch “treo” vẫn còn tiếp tục.

Dự án khu đô thị Bình Quới- Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) bị “treo” từ năm 1992, dự án công viên cây xanh 40 ha tại cù lao ấp Doi (phường 15, quận Gò Vấp) bị “treo” từ năm 1995.

Nhiều dự án nhỏ nằm trong dự án khu đô thị mới phía Nam TP cũng bị “treo” hàng chục năm nay...

Tuy nhiên, đại diện một địa phương cho rằng địa phương không phải chạy theo chủ đầu tư mà chỉ là tạo điều kiện để thu hút chủ đầu tư. “Nếu cứng nhắc quá, dự án lập ra sẽ không có chủ đầu tư thì quy hoạch cũng “treo”, người dân cũng khổ”- vị này lý luận.


Lấy thực tế từ địa phương mình, đại diện UBND quận Tân Phú cho rằng việc lập quy hoạch và thẩm định quy hoạch hiện nay chưa thống nhất với nhau, bởi lẽ cơ quan thẩm định (Sở QH-KT TP) chiếu theo các tiêu chuẩn cứng nhắc, trong khi đơn vị lập đồ án căn cứ theo thực tế và năng lực địa phương.

“Từ thực tế đến các tiêu chuẩn cách xa nhau lắm. Nếu cứ chạy theo tiêu chuẩn thì tôi “vẽ” cho đủ không khó nhưng vấn đề là “vẽ” xong có thực hiện được không hay tiêu chuẩn chỉ mãi mãi đủ trên giấy?”- vị này đặt vấn đề.

Vị đại diện quận Tân Phú cũng thừa nhận tiêu chuẩn là đúng, tuy nhiên để đạt được tiêu chuẩn cần có lộ trình, không cứ ngay bước đầu đã bắt buộc phải đủ các chỉ tiêu đó.


KTS Nguyễn Thanh Toàn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch khu vực 2 Sở QH-KT TP, cho rằng làm quy hoạch không có nghĩa là “vẽ hết” mà phải có những quỹ đất dự trữ để thu hút đầu tư, đồng thời cũng không nhất thiết phải cứ cố định công trình nào “chết gí” ngay chỗ ấy mà cần phải linh hoạt để khi thay đổi nó không làm thay đổi toàn bộ đồ án. “Đó mới là cái tài của người làm quy hoạch”- ông Toàn nhấn mạnh.


Dùng tĩnh tại để ứng xử sự biến động

Theo TS-KTS Võ Kim Cương, việc cố sức làm sẵn quy hoạch, phủ kín quy hoạch chi tiết như hiện nay đang tạo ra nhu cầu quá lớn nhưng không cần thiết dẫn đến sự quá tải trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, đồng thời làm giảm chất lượng và tăng tính xơ cứng của quy hoạch. Cách lập quy hoạch hiện nay là dùng sự tĩnh tại để ứng xử với một đô thị đang biến động.

Ông Võ Kim Cương cho rằng trên cơ sở quy hoạch chung của TP, hãy chia TP ra làm nhiều khu vực có yêu cầu quản lý phát triển khác nhau. ví dụ, các quận nội thành đã có quy hoạch ổn định như quận 1, quận 3 thực tế và cơ bản không cần quy hoạch; các quận nội thành nhưng đã qua quá trình phát triển tự phát cần cải tạo đô thị như quận 6, 8...  cần tổ chức thành các dự án lớn.

Còn các quận mới và huyện ngoại thành cần tổ chức thành dự án lớn để phát triển đồng bộ, chống nguy cơ các thôn, ấp bị đô thị hóa tự phát thành các khu dân cư lụp xụp. “Khi TP đã phân chia như vậy thì việc lập quy hoạch trở thành quy hoạch của dự án, mới đáp ứng được  nhu cầu quản lý phát triển”-ông Cương nhận định.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo