“Quy hoạch chi tiết (QHCT) là cần thiết nhưng liệu có cần thiết phải phủ kín toàn TP hay không, bởi vì chờ phủ kín quy hoạch sẽ dẫn đến quy hoạch “treo” ảnh hưởng đến sự phát triển của TP cũng như đời sống của người dân”.
Đại biểu HĐND TPHCM Trương Trọng Nghĩa nêu thắc mắc này tại hội nghị điều trần “Về tình hình phân cấp phê duyệt QHCT 1/2000” do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM tổ chức ngày 30-10.
Quận 2 là địa phương chưa phủ kín chi tiết 1/2000. Ảnh: T.THẠNH
Cán bộ thiếu và yếu
Sau 5 năm thực hiện chủ trương phân cấp phê duyệt nhiệm vụ, đồ án QHCT 1/2000 cho chủ tịch UBND quận-huyện, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tại các quận-huyện vẫn còn rất chậm: 24 quận- huyện chỉ có 240 đồ án được lập và chỉ mới có 80 đồ án được phê duyệt (chiếm 28%).
Trong tổng số 506 đồ án quy hoạch tỉ lệ 1/2000 được lập toàn TP đã có 331 đồ án được phê duyệt, chiếm 60,42%. Hiện TPHCM đã có 21 quận-huyện lập xong quy hoạch chung 1/5000. |
Cụ thể, trong tổng số 376 doanh nghiệp đăng ký hành nghề tư vấn quy hoạch, chỉ có 33 đơn vị tham gia lập quy hoạch xây dựng nhưng thực tế chỉ có 3-4 đơn vị thực hiện nhiều đồ án xây dựng. Bên cạnh đó, việc tổ chức kiểm tra, rà soát về kết nối hạ tầng giữa các địa bàn quận-huyện chưa đồng bộ, thống nhất nên chất lượng đồ án chưa cao, phải điều chỉnh nhiều lần...
Trước tình hình đó, một vấn đề được các đại biểu cũng như cử tri đưa ra là liệu có nên phân cấp phê duyệt quy hoạch chi tiết về cho các quận-huyện? Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, cho rằng việc phân cấp phê duyệt quy hoạch cho quận-huyện không chỉ cần thiết mà phù hợp với chủ trương, chính sách Nhà nước. “Nếu 5 năm trước, chúng ta không thực hiện phân cấp quy hoạch có lẽ con số không được như ngày hôm nay.
Có sự chồng chéo trên là do trước kia chúng ta lập chung quy hoạch cho toàn TP mà không tách khu dân cư hiện hữu và khu đất nông nghiệp chuyển sang khu dân cư ra riêng. Bởi khu dân cư hiện hữu chỉ cần chỉnh trang chứ không cần áp quy hoạch vào”-ông Hòa nói.
Tập trung cho 73.000 ha
Để gỡ rối cho tình hình chậm trễ lập quy hoạch cũng như phủ kín quy hoạch như hiện nay, ông Dũng đưa ra một số giải pháp cho các quận - huyện: Thứ nhất, tập trung lập quy hoạch tại khu vực đô thị hóa theo phê duyệt quy hoạch chung toàn TP tầm nhìn đến năm 2015.
Thứ hai, hạn chế điều chỉnh quy hoạch 1/2000 vì quy hoạch trước đây đã có nghiên cứu, thẩm định rồi (trừ những trường hợp có sự thay đổi quá lớn). Thứ ba, tập trung kiểm soát, lựa chọn đơn vị tư vấn có nhân lực và đúng năng lực. “Về phía Sở QH-KT, chúng tôi sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm định dự án”- ông Dũng cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài thừa nhận: Việc chậm thực hiện QHCT không chỉ do lỗi quận-huyện mà còn từ phía TP. Trong đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch của TP vừa thiếu vừa yếu và không đồng bộ.
Ngoài ra, dân số tăng nhanh như thời gian qua cũng là lý do khiến công tác quy hoạch của TP chưa hiệu quả vì không theo kịp tốc độ tăng dân số. Theo ông Tài, trong kế hoạch sắp tới, TP sẽ tập trung phủ kín QHCT 1/2000 ở những khu vực đô thị hóa nhanh với diện tích trên 73.000 ha chứ không làm dàn trải như thời gian qua. TP cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, thu hút cán bộ có chuyên môn về kỹ sư hạ tầng nhằm phục vụ cho công tác quy hoạch của TP.
Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng nhận định kết quả thực hiện QHCT và quy hoạch chung của TP vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu. “Dù đã được phân cấp nhưng TP cần phải phối hợp chặt chẽ với quận-huyện trong công tác quy hoạch, ưu tiên QHCT cho khu vực đô thị hóa. UBND TP phải báo cáo cụ thể cho HĐND TP trong kỳ họp HĐND TP cuối năm về kết quả phân cấp, phê duyệt QHCT, tiến độ hoàn thành và giải pháp đề ra...”- bà Thảo đề nghị.
Bình luận (0)