Sau sự việc rác thiên nhiên và rác nhân tạo ken dày trên một số tuyến kênh rạch ở quận Bình Thạnh làm phát sinh muỗi, người dân TPHCM đã phải giật mình đặt câu hỏi: Các kênh, rạch trên địa bàn TP đã bao lâu không được vớt rác?
Rác đầy mặt kênh Lò Gốm, phường 8, quận 6 (ảnh chụp ngày 31-3). Ảnh: Tấn Thạnh
Không có kinh phí
Chúng tôi đã làm một chuyến thực tế đến các tuyến sông Sài Gòn, Bến Nghé..., các tuyến kênh rạch chính như Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Đôi- kênh Tẽ..., thậm chí cả các tuyến kênh nhỏ len lỏi trong các khu dân cư và không khỏi giật mình vì tuyến kênh rạch nào cũng... ngập rác.
Trên sông hoặc kênh, rạch lớn, diện tích mặt nước rộng và dòng chảy mạnh thì lượng rác trôi đi, nhưng đối với các tuyến kênh, rạch nhỏ, cụt, lượng rác ùn ứ và đang phân hủy gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng, đồng thời khiến cho lưu thông thủy cũng như thoát nước của TP bị hạn chế.
Đơn cử là kênh Tân Hóa-Lò Gốm, trên mặt nước đen ngòm, từng cụm rác trôi dập dềnh, có thể nhận thấy số rác này đã từ lâu không được thu vớt đang phân hủy cho ra những chất không thể đọc tên trong nước.
Thiết nghĩ, dù TP đã chi một khoản ngân sách lớn để cải tạo môi trường tuyến kênh này nhưng với kiểu xả rác vô tư và không thu gom rác hiện nay, chất lượng nước mặt kênh ngày càng ô nhiễm và việc xử lý sẽ càng tốn kém, chưa kể sức khỏe người dân sống dọc tuyến kênh đang bị đe dọa vì ô nhiễm.
Tương tự, trên tuyến rạch Nhảy (chảy qua quận 6 và 8), lục bình mọc dày đặc chiếm đến 2/3 diện tích mặt nước, riêng đoạn chảy qua cầu Mỹ Thuận hoàn toàn bị lấp kín bởi lục bình và cỏ. Trung tuần tháng 3 vừa qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) đã tiến hành khảo sát tình hình môi trường khu vực này, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo bà Võ Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND quận 8, trước đây TP có cấp kinh phí cho Công ty Dịch vụ Công ích quận để vớt rác trên 4 tuyến kênh chính: kênh Đôi, kênh Tàu Hũ, kênh Tẽ và kênh Bến Nghé nhưng đầu năm 2009, ngân sách này bị cắt nên việc vớt rác cũng ngưng trệ.
Còn ông Trần Đại Đồng, Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị TP, cho biết năm 2004, UBND TP giao công ty vớt rác trên một số tuyến kênh chính của TP như Nhiêu Lộc, Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẽ..., công ty đã đầu tư khá lớn vào trang thiết bị cũng như huy động nhân lực nhưng đến cuối 2008, TP đột ngột ngưng cấp ngân sách, vậy là phương tiện nằm bờ, nhân lực phân tán.
Nhiệm vụ của ai?
Việc Trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập) lên kế hoạch vớt rác một số tuyến kênh chính của quận Bình Thạnh, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập, lý giải do lượng rác lục bình trên các tuyến kênh này quá nhiều làm ảnh hưởng đến dòng chảy nên phải vớt lục bình và nạo vét khơi thông chứ Trung tâm Chống ngập không có chức năng vớt rác trên kênh, rạch.
Còn đại diện Sở TN-MT bày tỏ: Nếu UBND TP giao cho sở nhiệm vụ vớt rác trên kênh, rạch, sở sẵn sàng chấp nhận, tuy nhiên cũng chỉ một số tuyến kênh chính chứ không thể “bao” hết toàn bộ các tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP vì không đủ nhân lực và phương tiện.
Còn phía Sở GTVT, trao đổi với chúng tôi về vấn đề vớt rác trên các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy và tiêu thoát nước, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, khẳng định dù các tuyến này do Sở GTVT quản lý nhưng chỉ chịu trách nhiệm quản lý luồng tuyến, lấn chiếm kênh rạch hoặc nạo vét phục vụ tiêu thoát nước, còn thực tế TP chưa bao giờ giao nhiệm vụ vớt rác cho sở GTVT.
Sau sự việc không có đơn vị nào đứng ra vớt rác trên kênh, rạch gây bùng phát muỗi tại quận Bình Thạnh, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát lại các tuyến kênh, rạch do sở quản lý, qua đó sở cũng giao cho Khu Đường sông lên kế hoạch vớt rác trên các tuyến giao thông thủy và đề nghị Trung tâm Chống ngập rà soát, lập kế hoạch vớt rác các tuyến tiêu thoát nước.
“Nếu UBND TP chấp nhận cho sở chủ trì việc vớt rác, chúng tôi mới triển khai nhưng vẫn phải phối hợp với Sở TN-MT, Công ty Môi trường đô thị TP vì sở không có đủ phương tiện và con người làm việc này. Tất nhiên chấp nhận chủ trương phải đi liền kinh phí!”- ông Kỷ nhấn mạnh.
Bảo đảm không thất thoát tiền
|
Bình luận (0)