Sau khi phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) và việc bán rẻ toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty này cho gia đình ông Hoàng Kiều (Việt kiều Mỹ), lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành xác minh, nắm tình hình liên quan đến Tigi Tour và cá nhân ông Trần Thanh Tiến, nguyên tổng giám đốc Tigi Tour.
Trên cơ sở đó, Báo NLĐ có đăng thông tin: “Tài sản kếch sù của tổng giám đốc Tigi Tour” (số báo ngày 27-5) và “Ông Trần Thanh Tiến có dấu hiệu bất minh về tài sản” (số báo ngày 24-8).
Tuy nhiên sau đó, ông Tiến có đơn khiếu nại cho rằng gia đình ông không có tài sản lớn như vậy. Để rộng đường dư luận và tôn trọng ý kiến của ông Trần Thanh Tiến, Báo NLĐ trích đăng những nội dung giải trình chính của ông Tiến và kết quả xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang.
Khu nhà trọ với hàng chục phòng tại phường 9-TP Mỹ Tho do vợ ông Trần Thanh Tiến đứng tên giấy phép
kinh doanh. Ảnh: Hằng Ny
Giải trình của ông Trần Thanh Tiến
Theo ông Tiến, tổng diện tích đất mà con trai ông Tiến là Trần Thanh Phong đứng tên trên giấy chủ quyền tại các thửa đất ở phường 5, TP Mỹ Tho chỉ có 6.231 m2.
Tổng giá trị phần đất của gia đình ông do con trai là Trần Thanh Phong đứng tên chỉ có hơn 5,1 tỉ đồng (làm tròn số), không phải khoảng 20-30 tỉ đồng như báo viết vì đất này gia đình ông Tiến nhận chuyển nhượng là đất quy hoạch làm công viên cây xanh nên giá không cao, chỉ 820.000 đồng/m2.
Về nguồn tiền để đầu tư mua đất, ông Tiến cho biết để có được diện tích đất chuyển nhượng này, gia đình ông đã phải vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển tỉnh Tiền Giang 3 tỉ đồng, cộng với tiền đền bù, thu hồi thửa đất tại phường 6, TP Mỹ Tho của gia đình ông với số tiền hơn 1,8 tỉ đồng (làm tròn số).
Riêng thông tin vợ chồng ông Tiến đã “gửi ngân hàng gần 40 tỉ đồng, hơn 5.300 chỉ vàng” và “có dấu hiệu trốn thuế trong việc mua bán bất động sản...”, ông Tiến cho rằng thông tin trên là không đúng, đồng thời ông Tiến khẳng định ông không trốn thuế vì ông không kinh doanh bất động sản, cũng không phải là người bán đất thì làm sao có chuyện trốn thuế.
Riêng việc ông Tiến có chấp nhận đề nghị của các chủ đất ghi giá chuyển nhượng đất thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế một mức, chỉ là điều bất lợi cho ông, tuy nhiên vẫn cao hơn khung giá đất do Nhà nước quy định, như vậy là không vi phạm pháp luật.
Xác minh của cơ quan chức năng
Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang, tài sản của gia đình ông Tiến lớn hơn nhiều so với những gì mà ông Tiến giải trình với Sở Nội vụ và Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tỉnh Tiền Giang.
Cụ thể, về nhà đất, theo xác minh của cơ quan chức năng, ông Tiến cùng các con ông (là Trần Thanh Phong, Trần Thanh Cường) đứng tên đăng ký quyền sử dụng nhà, đất, tất cả 10 loại tài sản trên địa bàn TP Mỹ Tho, trong đó có một căn nhà kiên cố và gần 11.000 m2 đất.
Trong tổng số 10 hồ sơ nhà đất thu thập được, cơ quan chức năng xác minh có 7 hồ sơ sang nhượng đất từ năm 2007 đến nay thể hiện giá sang nhượng được ghi trên hợp đồng so với giá mua thực tế chênh lệch nhau khá lớn: Giá sang nhượng ghi trên hợp đồng là 1.661.000.000 đồng, còn giá thực tế thanh toán là 6.058.384.800 đồng, do đó số tiền chênh lệch là 4.397.384.800 đồng.
Tất cả trường hợp sang nhượng đều thông qua một người tên Cao Tấn Đạt và việc thanh toán tiền là do ông Tiến trực tiếp thanh toán cho người bán qua ngân hàng.
Về tài sản ngoài nhà đất, cơ quan chức năng cũng xác định trong thời gian từ tháng 1-2008 đến tháng 5-2010, gia đình ông Tiến đã mở hơn chục sổ tiết kiệm và giao dịch qua ngân hàng tổng số tiền gần 40 tỉ đồng và 5.300 chỉ vàng.
Nhà của ông Trần Thanh Tiến trên đường Đinh Bộ Lĩnh, TP Mỹ Tho Ảnh: HẰNG NY
Kiến nghị xử lý
Theo cơ quan chức năng, chỉ riêng 10 loại tài sản nhà đất của gia đình ông Tiến hiện có giá trị trên 20 tỉ đồng. Cơ quan chức năng nhận định: Xét về hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Trần Thanh Tiến thì không có khả năng để mua khối tài sản nêu trên bằng nguồn thu nhập chính của gia đình (vì vợ con ông Tiến không có hoạt động kinh doanh gì để có thu nhập cao, bản thân ông Tiến là cán bộ công chức).
Hơn nữa, trong việc hợp đồng sang nhượng đất không kê khai đầy đủ số tiền sang nhượng, có dấu hiệu trốn thuế.
Ngoài ra theo cơ quan chức năng, căn cứ kết quả xác minh, xét thấy đối với ông Trần Thanh Tiến có dấu hiệu bất minh về tài sản.
Do ông Tiến là đảng viên thuộc diện quản lý của Tỉnh ủy Tiền Giang nên cơ quan chức năng đề xuất Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang tiến hành kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Trần Thanh Tiến để có cơ sở xử lý việc vi phạm.
“Quá trình cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang bước đầu xác định là có tiêu cực... Cơ quan chức năng cũng đang làm rõ khối bất động sản của ông Tiến từ đâu ra trong khi gia đình ông không có hoạt động sản xuất kinh doanh…”- trích ý kiến của ông Trần Văn Bảnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh Tiền Giang, khi trao đổi với báo chí tại hội nghị giao ban công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm 2010 khu vực phía Nam do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức tại tỉnh Bình Phước ngày 17-6. |
Bình luận (0)