Dân số TPHCM tăng thêm 250.000 người. Đó là số liệu do Phòng Quản lý hành chính và Trật tự xã hội - Công an TPHCM (PC13) thống kê sau gần 10 tháng Luật Cư trú có hiệu lực (ngày 1-7-2007). Thượng tá Võ Văn Nhuận, Trưởng Phòng PC13, cho biết trong 250.000 trường hợp thì đã có 182.000 người được giải quyết nhập hộ khẩu, số còn lại đủ điều kiện đăng ký thường trú và đang tiến hành giải quyết. Như vậy, tốc độ tăng dân số của TP trong 10 tháng đã gấp 2,5 lần so với tốc độ tăng trung bình một năm (100.000 người/năm) trước khi có Luật Cư trú.
Bảo lãnh 9 hộ nhập hộ khẩu vào một nhà
Điều phải thừa nhận, Luật Cư trú ra đời đã tạo một cơ chế rất thoáng cho người dân có nhu cầu nhập hộ khẩu vào TPHCM. Tuy nhiên trên thực tế, sự thông thoáng của Luật Cư trú đã gây không ít khó khăn trong công tác quản lý nhân hộ khẩu, đặc biệt là nguy cơ gia tăng dân số cơ học.
Nằm cuối con hẻm ngoằn ngoèo rộng chừng 1 m, căn nhà số 656/26 có diện tích khoảng 20 m2 trên đường Bình Long, phường Tân Quý, quận Tân Phú được lợp mái tôn và rào lưới B40 nhìn chẳng khác một cái nhà kho. Vậy mà nơi đây lại là địa chỉ cư trú của gần 30 con người. Khi chúng tôi đến, căn nhà này khóa cửa. Một chị sống cạnh cho biết trước đây gia đình này chỉ có 5 người ở nhưng chủ nhà đã bán cho người khác cách đây 3 tháng! Đại úy Văn Hữu Chánh, Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính và Trật tự xã hội - Công an quận Tân Phú, cho biết chủ cũ căn nhà trên đã bảo lãnh cho 5 hộ khác với hơn 20 nhân khẩu nhập hộ khẩu sau khi áp dụng Luật Cư trú.
Một trường hợp khác cũng ở phường Tân Quý, quận Tân Phú là chủ hộ Trần Thị T., số nhà 178 đường Tân Quý đã bảo lãnh cho 4 người khác nhập hộ khẩu vào địa chỉ trên nhưng cả 4 người này không có “dây mơ rễ má” với nhau! Mới đây, Công an quận Tân Bình đã kiểm tra và phát hiện trường hợp ông Trần Công Kiêu, ngụ tại 71 Trần Văn Dư, phường 13, bảo lãnh cho 9 hộ với 21 người nhập hộ khẩu vào nhà mình.
Diện tích nhà rộng hẹp không cần biết
Những trường hợp trên không phải là hiếm trên địa bàn TP sau ngày Luật Cư trú có hiệu lực. Tuy nhiên, điều đáng nói là do luật “thoáng” nên xảy ra tình trạng chủ nhà muốn bảo lãnh cho bao nhiêu người cũng được mà không cần để ý diện tích căn nhà mình và không cần biết người đó có họ hàng hay không. Theo thống kê của Phòng PC13, trong số 182.000 người đã được giải quyết nhập hộ khẩu thì có đến 80% là người mới đến từ các tỉnh và TP khác.
Trung tá Tăng Châu Long, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính và trật tự xã hội - Công an quận Tân Phú, cho biết từ tháng 7-2007 đến nay quận đã giải quyết nhập hộ khẩu cho trên 47.000 người. Trong đó, số được nhập theo diện bảo lãnh chiếm từ 55%-60%. Đại úy Văn Hữu Chánh thừa nhận: “Chúng tôi biết có nhiều trường hợp chủ nhà bảo lãnh cho người lạ chứ không phải bà con, họ hàng, nhưng luật không cấm nên cán bộ vẫn phải giải quyết. Đây là vấn đề khó đặt ra cho lực lượng công an trong công tác quản lý nhân khẩu sau đăng ký thường trú”. Điều này được trung tá Mai Văn Hòa, Trưởng Công an phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, chia sẻ: “Từ 4-5 nhân khẩu/hộ, từ khi có Luật Cư trú có hộ tăng lên 10 người, nhưng khi cảnh sát khu vực kiểm tra thì hầu như số nhân khẩu mới không hiện diện ở đây. Vậy làm sao quản lý!?”.
Cần quy định diện tích nhà ở/đầu người Một cán bộ tổ đăng ký hộ khẩu Công an quận Tân Bình nói: “Luật Cư trú tạo điều kiện cho mọi công dân có quyền bình đẳng về cư trú. Tuy nhiên, đã gọi là thường trú thì chỗ ở phải gắn với con người chứ không thể đăng ký thường trú chỗ này nhưng lại ở chỗ khác. Rõ ràng nhiều trường hợp người dân chỉ muốn nhập hộ khẩu để có tấm “giấy thông hành” đáp ứng mọi giao dịch trong xã hội, còn chỗ ở thực sự thì không màng tới!”. Theo kiến nghị của công an các quận-huyện với đoàn kiểm tra liên ngành PC13 mới đây, TPHCM cần có quy định để giới hạn về số hộ, nhân khẩu cho bảo lãnh; diện tích chỗ ở tối thiểu cho một nhân khẩu... |
Bình luận (0)