Ngày 23-7, kỳ họp lần thứ 21 khóa VII HĐND tỉnh Tiền Giang đã diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề “nóng” gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây đã được các đại biểu (ĐB) tập trung chất vấn giám đốc các sở, ngành và lãnh đạo UBND tỉnh, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) của gia đình ông Hoàng Kiều.
Tiền cho thuê 20.000 m² đất ở đâu?
Là người đăng đàn đầu tiên, ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) tỉnh Tiền Giang, xác nhận việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang nhưng chưa chuyển đổi hợp đồng thuê đất mới với Tigi Tour. Theo ông Hiền, đến thời điểm này có 15 hợp đồng cho Tigi Tour thuê đất với diện tích 216.000 m² có thu tiền và có miễn một hợp đồng thuê đất ở mặt nước biển Tân Thành là được UBND tỉnh đồng ý.
Giá thuê đất được Cục Thuế tỉnh điều chỉnh giá cho thuê không đổi từ năm 2006-2011. Không đồng tình, ĐB Phạm Văn Hoàng cho rằng giá đất cho Tigi Tour thuê là quá “bèo”, hơn nữa 5 năm mới điều chỉnh một lần trong khi giá đất mỗi năm mỗi tăng giá nên phần trả lời của Sở TN-MT là chưa thuyết phục. Ông Hoàng đúc kết: “Như vậy, việc cho Tigi Tour thuê đất dài hạn mà không điều chỉnh giá cho thuê là không phù hợp và gây thất thoát cho Nhà nước”.
Việc Tigi Tour cho xây dựng nhiều công trình trái phép tại khu du lịch Thới Sơn - TP Mỹ Tho cũng khiến nhiều đại biểu bức xúc
Chưa dừng lại, ông Hoàng tiếp tục chất vấn: “Tigi Tour sử dụng 15 hợp đồng thuê đất với diện tích 216.000 m2, trong khi UBND tỉnh trả lời chỉ cho thuê 79.000 m², còn Tigi Tour chỉ đóng tiền thuê có 59.000 m², vậy còn 20.000 m² đất ở đâu? Ai thu khoản này? Còn nếu tính với diện tích 216.000 m² thì số còn lại đang ở đâu?”.
Trả lời vấn đề này, ông Hiền cho rằng trước đây, UBND tỉnh có thu hồi một số thửa đất nên có sự chênh lệch. Nhiều ĐB vẫn chưa đồng tình vì cho rằng nếu thu hồi một số thửa đất tại sao không điều chỉnh lại hợp đồng cho phù hợp? ĐB Võ Tuấn Vĩnh Thụy hỏi tiếp: “Việc UBND tỉnh cho Tigi Tour thuê đất áp dụng hệ số 0,7% và được miễn cả một vùng nước mặt biển Tân Thành có hợp lý hay không? Còn những nơi cho thuê mà không sử dụng thì có thu hồi không?”. Ông Hiền trả lời: “Giá cho thuê đã được ngành thuế điều chỉnh năm 2006 vì vậy sau năm 2011 mới điều chỉnh lại. Còn việc miễn tiền thuê mặt nước là do UBND tỉnh chấp thuận, có hợp lý hay không thì tôi không trả lời được” (!?).
UBND tỉnh xin nhận khuyết điểm!
Kết thúc kỳ họp vào chiều 23-7, HĐND tỉnh Tiền Giang đã bầu bổ sung chức danh chủ tịch HĐND khóa VII nhiệm kỳ 2004-2011. Kết quả ông Nguyễn Văn Danh được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND thay ông Đỗ Tấn Minh nghỉ hưu. Ông Danh sinh năm 1962, hiện đang giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. |
Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Tuấn Vĩnh Thụy về việc tỉnh bán Tigi Tour cho gia đình ông Hoàng Kiều với giá rẻ, ông
Nguyễn Văn Khang, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết do có nhiều quan điểm khác nhau nên tỉnh đã đề nghị và đã được Thanh tra Chính phủ chính thức lập đoàn để thanh tra toàn diện Tigi Tour. Khi Thanh tra Chính phủ có kết luận,
UBND tỉnh sẽ trình HĐND.
Liên quan đến câu hỏi các ĐB chất vấn UBND tỉnh “biếu” cho Công ty Nhựt Thành Tân 77,5 tỉ đồng với lý do ưu đãi đầu tư, ông Khang thừa nhận đến thời điểm này, Chính phủ vẫn chưa công nhận KCN Tân Hương thuộc diện ưu đãi đầu tư nhưng tỉnh đã hỗ trợ cho nhà đầu tư này 77,5 tỉ đồng và cho vay 77,5 tỉ đồng mà không thông qua HĐND là thiếu sót. “Việc chưa thông qua HĐND mà hỗ trợ tiền cho Công ty Nhựt Thành Tân, UBND tỉnh xin nhận khuyết điểm. Còn giải pháp khắc phục thế nào thì UBND tỉnh sẽ trình HĐND sau!”- ông Khang nói.
Vấn đề UBND tỉnh Tiền Giang ký hợp đồng với Công ty BOO nước Đồng Tâm bao tiêu nước sạch mà mỗi ngày phải bù lỗ gần 1 tỉ đồng cũng được các ĐB mổ xẻ. ĐB Vĩnh Thụy nêu: “Theo hợp đồng bao tiêu nước cho thấy giá nước quá cao, thiệt hại quá lớn, tỉnh đã biết trước thiệt hại mà sao vẫn ký? Trong vụ ký kết này có vấn đề gì hay không?” - ông Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thẳng thắn nhìn nhận: “Giá bán nước của Công ty BOO nước Đồng Tâm là tương đối cao. Tỉnh đã cử đoàn trực tiếp làm việc để thương thảo với công ty này nhằm giảm chi phí giá thành nước bằng cách đề nghị mua lại tuyến ống, đồng thời tiếp tục đàm phán mua lại nhà máy. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phía Công ty BOO nước Đồng Tâm chỉ mới đồng ý chuyển nhượng tuyến ống”.
Ông Ngọc cũng cho biết sẽ đề nghị kiểm toán toàn bộ chi phí đầu tư từ xây dựng nhà máy đến tuyến ống. Chắc chắn khi kiểm toán sẽ giảm chi phí xuống. Ông Ngọc kết luận: “UBND tỉnh sẽ tiếp tục đàm phán với nhà đầu tư tìm mọi cách để giảm thiệt hại cho ngân sách!”.
Cần khống chế lao động nước ngoài
Liên quan đến việc UBND tỉnh Tiền Giang cho thành lập KCN Long Giang đã có nhiều lao động nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vào làm việc không khai báo, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Tiền Giang, xác nhận sự việc này có xảy ra.
Ông Cường đề nghị UBND tỉnh khi đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài thì nên ưu tiên tuyển lao động trong nước và kiến nghị Chính phủ quy định khống chế lao động nước ngoài để tránh xảy ra tình trạng tương tự như ở KCN Long Giang. |
Bình luận (0)