Ngày 5-4, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã ký công văn yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và NHNN chi nhánh tỉnh, TP thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về điện tại các máy ATM, xử lý triệt để các máy không bảo đảm an toàn về điện.
Phóng viên Báo NLĐ trực tiếp kiểm tra việc rò rỉ điện tại máy ATM của Vietcombank Chi nhánh Thành Công (Hà Nội). Ảnh: Kha Phùng
Nguy cơ rình rập
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động tại Hà Nội, vào chiều cùng ngày, ít nhất 4 máy ATM thuộc Vietcombank Chi nhánh Thành Công (số 30 - 32 phố Láng Hạ, quận Đống Đa) có hiện tượng nhiễm điện. Dùng bút thử điện kiểm tra, bút báo đèn đỏ ngay khi chạm vào các nút bấm.
Một số người dân đến rút tiền ở đây đã phải lấy vỏ bao thuốc lá để bọc tay hoặc lấy bút nhựa để nhấn nút thay vì bấm trực tiếp. Anh Nghiêm Xuân Vượng, nhân viên Công ty CP Công nghệ mới – Hà Nội, cho biết: “Bị giật tê tay ở một máy ATM, tôi sợ quá chuyển sang máy khác nhưng cả 4 máy đều bị nhiễm điện.
Cách đây hơn 1 tháng, tôi cũng gặp trường hợp tương tự đối với máy ATM của Ngân hàng NN-PTNT VN (Agribank) khu vực chợ Cầu Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội)”.
Trước vấn đề trên, ông Vũ Viết Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Vietcombank Thành Công, lý giải: “Với thời tiết ẩm ướt thế này, chuyện nhiễm điện là khó tránh khỏi. Nhiều khi chỉ cần gí bút thử điện vào... tường cũng thấy nhiễm điện”.
Và ông Hưng “đổ lỗi” Điện lực Hà Nội không tham gia xây dựng hoặc phối hợp với ngân hàng trong việc đưa ra quy chuẩn, bảo đảm an toàn tại các máy ATM.
Tại TPHCM, Công ty Điện lực đã kiểm tra 1.329 phòng đặt máy ATM, bước đầu phát hiện 121 điểm bị rò điện, không bảo đảm an toàn về điện. Nguyên nhân được xác định do các phòng đặt máy ATM không có dây tiếp đất hoặc tiếp đất không đúng kỹ thuật; các mối nối sơ sài không bảo đảm an toàn...
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Trưởng Phòng Thi đua Tuyên truyền Công ty Điện lực TPHCM, công ty đã tạm cắt điện những máy ATM này.
Tại Bình Dương, các cơ quan chức năng đã phát hiện 8 máy ATM bị rò rỉ điện trong tổng số 90 máy được kiểm tra. Trong đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN - BIDV (2 máy), các ngân hàng: Agribank, VietinBank, Vietcombank, Eximbank, Á Châu (ACB), Techcombank mỗi nơi một máy.
Nguy hiểm nhất là có một máy ATM ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, cường độ điện rò rỉ đo được là 110V. Cách đây khoảng 2 tuần, tại thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương, một bé đã bị điện giật do chạm vào máy ATM. May mắn là người dân kịp dùng vật cách điện kéo cháu bé ra.
Công ty Điện lực TP Cần Thơ đã mở cuộc tổng kiểm tra an toàn sử dụng điện tại các máy ATM trên địa bàn. Ngay ngày đầu tiên đã phát hiện 2 máy ATM đặt ở trụ sở Eximbank có điện áp lên tới 10V.
Phong tỏa máy ATM không an toàn
Trước thực trạng trên, công văn của NHNN VN chỉ đạo: NHNN chi nhánh các tỉnh, TP chỉ đạo các tổ chức phát hành, thanh toán thẻ phối hợp các cơ quan liên quan (công ty điện lực...) kiểm tra ngay tình trạng của tất cả các máy ATM trên địa bàn; phát hiện, xử lý triệt để các máy có hiện tượng rò điện, không bảo đảm an toàn về điện và báo cáo về NHNN trước ngày 8-4.
Theo ông Bùi Quang Tiên, cả nước có khoảng 10.000 máy ATM do gần 40 ngân hàng thương mại lắp đặt. Trước đây, một vài máy ATM cũng đã có hiện tượng rò rỉ điện, gây tê tê cho người giao dịch trực tiếp nhưng đều đã được khắc phục ngay.
Giám đốc Công ty Điện lực Hà Nội Trần Đức Hùng cho biết đã ký văn bản yêu cầu các điện lực và chi nhánh điện trên địa bàn khẩn trương làm việc với các ngân hàng để kiểm tra hệ thống điện tại các buồng đặt máy ATM.
Đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát và xử lý dứt điểm các tồn tại của hệ thống tiếp đất trên lưới. Các buồng đặt máy ATM không bảo đảm kỹ thuật và không bảo đảm an toàn phải được cắt điện và có biện pháp khắc phục triệt để.
Theo ông Ngô Lành, Giám đốc Agribank Chi nhánh Đà Nẵng, tuy chưa xảy ra sự cố nhiễm điện tại máy ATM của đơn vị nhưng ông đã chỉ đạo cho tất cả chi nhánh Agribank trực thuộc tiến hành triển khai kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện tại các máy ATM.
Tương tự, Ngân hàng Đông Á Chi nhánh Đà Nẵng, dù máy ATM của ngân hàng không bị nhiễm điện, cũng cho thay toàn bộ dây điện cũ tại các máy ATM để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khách hàng.
Sau đợt kiểm tra 323 máy ATM trong hai ngày 2 và 3-4, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, cho biết trong những ngày tới, ACB tiếp tục tìm kiếm giải pháp kỹ thuật từ các đối tác nước ngoài để giải quyết hiện tượng rò rỉ điện có thể xảy ra tại các máy ATM không được bên cho thuê mặt bằng lắp cọc tiếp đất. Hàng loạt ngân hàng khác như: Vietcombank, Techcombank... cũng đã có kế hoạch kiểm tra, khắc phục sự cố rò rỉ điện nếu có.
Chờ kết quả điều tra
|
Bình luận (0)