Ông Hoàng Tuấn Dũng, nguyên Trưởng Ban Dự án thẻ ATM Ngân hàng (NH) Đại Á, cho biết hầu hết các nhà sản xuất máy ATM đều đưa ra các quy trình, tiêu chuẩn an toàn về điện, trong đó có giải pháp đóng cọc tiếp đất nối với máy ATM để chống hiện tượng nhiễm điện, đồng thời khuyến cáo các đơn vị cung cấp dịch vụ ATM phải tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn an toàn về điện khi lắp đặt máy ATM.
Mất bò mới lo làm chuồng
Thế nhưng, tại VN, không mấy ai quan tâm đến giải pháp chống nhiễm điện đối với các thiết bị có sử dụng điện. Điều này thể hiện khá rõ khi lắp đặt máy ATM, các NH chưa thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn an toàn về điện, không có cọc tiếp đất nối trực tiếp với máy ATM, dẫn đến hàng trăm máy ATM nhiễm điện trong một thời gian khá dài. Trong khi đó, các cơ quan chức năng gần như bỏ ngỏ, không có đợt kiểm tra về điện nào tại máy ATM trước khi sự cố chết người xảy ra.
Theo các chuyên gia về ATM, hiện các NH đang gặp khó khăn vì bên cho thuê địa điểm đặt máy ATM không cho đóng cọc tiếp đất làm đầu nối với ATM, với lý do sợ ảnh hưởng đến phong thủy. Tuy nhiên, các NH vẫn có giải pháp khác là nhập khẩu thiết bị chống nhiễm điện để trang bị cho máy ATM.
Lắp đặt máy ATM phải tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn an toàn về điện. Ảnh: Tấn Thạnh
Ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng Phòng Quản lý dịch vụ ATM NH Ngoại thương (Vietcombank) chi nhánh TPHCM, cho biết nếu trong 1 - 2 tuần tới, Vietcombank không thuyết phục được đối tác cho phép đóng cọc tiếp đất thì xóa sổ những điểm đặt máy ATM chưa có cọc tiếp đất.
Còn theo ông Trương Quan Thoại, Giám đốc Trung tâm Thẻ NH Quốc tế (VIB), hệ thống ATM của VIB không gặp khó khăn trong việc chống nhiễm điện vì trước khi lắp đặt máy, VIB đều chọn địa điểm được phép đóng cọc tiếp đất. NH Kỹ thương VN cũng đang gia cố và lắp đặt mới hệ thống cọc tiếp đất nối với máy ATM.
Bắt buộc phải có dây tiếp đất
Vấn đề đặt ra là vì sao hàng trăm máy ATM không bảo đảm an toàn về điện vẫn tồn tại, gây nguy hiểm cho người dân nhưng không thấy cơ quan chức năng nào nhắc nhở, xử phạt? Đơn vị nào có trách nhiệm quản lý, giải quyết nếu xảy ra sự cố chết người?
Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP, TCVN 4756-89 quy định rất rõ quy phạm kỹ thuật an toàn về nối đất và nối không các thiết bị sử dụng điện. Các thiết bị có sử dụng điện bắt buộc phải có dây tiếp đất, đặc biệt là được đấu nối đúng kỹ thuật.
Công nhân lắp ráp đấu nối phải là thợ điện có bằng cấp. Sau khi lắp ráp máy ATM, bên yêu cầu (NH) và bên lắp đặt máy (đơn vị thi công) phải có biên bản nghiệm thu. Ngoài ra, hằng năm, đơn vị quản lý máy ATM phải kiểm tra thiết bị để bảo đảm an toàn cho người sử dụng dịch vụ ATM (kể cả những người không sử dụng). Do vậy, để xảy ra tai nạn, trước tiên trách nhiệm chính thuộc về NH sở hữu máy ATM.
Cũng theo ông Việt, trong quá trình điều tra, nếu phát hiện đơn vị sở hữu máy ATM không bảo đảm an toàn cho người sử dụng thẻ, dẫn đến tai nạn chết người, cơ quan công an có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổng kiểm tra an toàn điện tại TPHCM Bình Dương: Nhiều máy ATM câu móc điện cẩu thả Sở Công thương TPHCM vừa có văn bản gửi NH Nhà nước chi nhánh TPHCM, UBND các quận – huyện, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM về việc tổng rà soát, kiểm tra các điểm có nguy cơ mất an toàn về điện trên địa bàn.
T.Nhân - V.Hùng |
Bình luận (0)