Trước thực trạng ô nhiễm môi trường biển đang diễn ra và việc “băm nát” các bãi biển du lịch mà Báo NLĐ (ngày 24, 25 và 26-11) phản ánh, chiều 28-11, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng Ban Phản biện Xã hội - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, nhận định: “Đây là thực trạng đáng báo động, không sớm chấn chỉnh sẽ không còn cơ hội gìn giữ ngành công nghiệp không khói!”
Đã từng... “đóng cửa nói nhỏ!”
Theo ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi biển tại Nha Trang không phải mới được cảnh báo.
“Đã nhiều lần chúng tôi “đóng cửa nói nhỏ” với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về tình trạng ô nhiễm bãi biển Nha Trang, thế nhưng nay tình trạng đã trở nên nghiêm trọng. Theo tôi, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và TP Nha Trang nên lấy bài học Pattaya của Thái Lan bị giảm khách du lịch do nước xả thải đô thị để rút kinh nghiệm, nếu không sẽ quá muộn!”- ông Tuyến nói.
Nước thải từ các khu resort, nhà dân chảy thẳng ra bãi tắm Hòn Rơm, Phan Thiết. Ảnh: QUANG PHÁT
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL), ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng câu chuyện của Nha Trang và Mũi Né không phải chờ đến khi có “sự kiện” Tạp chí National Geographic đưa ra đánh giá mà đã bắt đầu rộ lên từ việc hàng loạt bãi biển của VN bị “băm nát” bởi những resort, khách sạn.
Đây là hậu quả của việc không làm theo quy hoạch, phá hỏng quy hoạch hay thiếu quy hoạch và quá “ưu ái” cho các resort, khách sạn, nhà hàng... đã làm cảnh quan, môi trường nhiều bãi biển không còn giữ được sự hấp dẫn, trong lành như cũ.
Đã quá muộn!
PGS-TS Nguyễn Đình Hòe khẳng định: “Bãi biển Nha Trang đã đến ngưỡng thu hút khách du lịch và về lâu dài sẽ rất khó khăn do việc quản lý quy hoạch xây dựng quá bất cập của TP này”. Ông Hòe dẫn chứng: Dọc đường Trần Phú (còn gọi là đường biển), những tòa nhà cao tới hàng chục tầng đã trở thành bức tường bê tông án ngữ cả TP Nha Trang đang làm nản lòng du khách, trong khi nhiều nước chỉ cho xây công trình ở khu vực gần biển không quá ngọn cây. Các resort, khách sạn, nhà hàng... đã biến bãi biển công thành tư và tước đoạt quyền của người dân, khách du lịch ra biển để thưởng ngoạn... “Nha Trang giờ muốn sửa chữa thì đã quá muộn!” - ông Hòe nhận xét. |
Ông Tuấn nhấn mạnh: “Quá nhiều diện tích công cộng trên bãi biển đã bị “doanh nghiệp hóa” và khách du lịch, người dân không thể tự do, thoải mái tận hưởng, trong khi đây là quyền của họ. Các địa phương nên xem đánh giá của Tạp chí National Geographic là rất cần thiết để ngay từ bây giờ xốc lại việc quản lý, bảo vệ môi trường và cảnh quan biển, nếu không có thể còn tụt hạng nữa!”.
Quản lý “chia năm xẻ bảy”
Tuy nhiên, theo ông Bùi Cách Tuyến, hiện nay việc quản lý bãi biển du lịch ở trong các đô thị cả nước đang bị “chia năm xẻ bảy”. Cụ thể, quản lý chung là do chính quyền địa phương nhưng quản lý ngành dọc về nước thải, rác thải đô thị lại do ngành xây dựng chịu trách nhiệm, ngành TN-MT chỉ quản lý chất thải rắn, KCN, làng nghề...
Còn quản lý về quy hoạch du lịch lại do ngành du lịch đảm trách. “Chúng ta thiếu một nhạc trưởng để tổng chỉ huy quản lý một cách hệ thống. Qua sự kiện Tạp chí National Geographic xếp hạng bãi biển Mũi Né và Nha Trang, Bộ TN-MT sẽ gửi văn bản đến các địa phương có bãi biển du lịch trên cả nước yêu cầu tổ chức đợt rà soát tổng thể môi trường để có giải pháp bảo vệ và gìn giữ”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết Bộ VH-TT-DL đang soạn thảo văn bản gửi UBND các tỉnh, TP tổng rà soát lại các bãi biển. Đồng thời, bộ sẽ khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch để cụ thể hóa việc phân trách nhiệm cho từng ngành cũng như quy định rõ nhạc trưởng quản lý các bãi biển du lịch. “Không thể giao phó hoàn toàn việc tồn vong của các bãi biển cho doanh nghiệp, địa phương mà thiếu sự giám sát, kiểm tra của các bộ, ngành”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Vang, nhìn nhận: “Cần có ngay chương trình giám sát về bảo vệ môi trường biển của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, TP”. Theo ông Vang, vấn đề ô nhiễm môi trường và xâm hại các bãi biển du lịch đã được đại biểu Quốc hội phản ánh từ nhiều năm qua và “nay cần có sự giám sát của Quốc hội, sự phản ánh của công luận, người dân để đốc thúc chính quyền các địa phương mới hy vọng tình hình được biến chuyển”.
Bình luận (0)