Các bãi biển tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) được xếp trong tốp các bãi biển có vị trí, cảnh quan đẹp nhất VN, mỗi năm thu hút hơn 40.000 lượt khách du lịch nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm, xuống cấp nghiêm trọng.
Nhếch nhác, hôi hám
Đi dọc bãi trước và bãi sau biển Vũng Tàu - hai bãi tắm quá quen thuộc với khách du lịch, chúng tôi ghi nhận hầu như vắng bóng nhà vệ sinh công cộng vì thế du khách cứ vô tư xả xuống biển hoặc vào... công viên. Vào những ngày nghỉ, đông khách, dọc bờ biển, những hộ buôn bán hải sản, mực nướng... làm khói bay mù mịt, mùi tanh hôi cộng với rác, thức ăn thừa quăng bừa bãi.
Còn tại bãi tắm Long Hải, dọc bãi biển đã bị người dân “xẻ thịt”, dùng lều, bạt che chắn tạm bợ, nhếch nhác, nhiều dãy quán ăn được dựng bằng những tấm tôn sắt cũ rách và nước thải từ các khu nhà hàng gần đó không qua xử lý mà chảy thẳng xuống biển gây ô nhiễm nặng.
Nhiều bãi tắm ở TP Vũng Tàu hiện rất nhếch nhác
Sau những cơn mưa, trên bãi cát đọng đầy rác, vỏ lon nước ngọt, bao nilon, vỏ tôm, cua, ghẹ. Nhiều nơi trên bãi tắm trở thành sân phơi mực, phơi cá đuối, phơi lưới... Mặt biển xuất hiện những váng dầu, xác súc vật trôi lềnh bềnh...
Một du khách người Nga nhận định: “Tôi đã làm việc tại Vũng Tàu hơn 10 năm và cảm giác rằng các bãi biển ở đây ngày càng xuống cấp. Một số mảng xanh đã bị xả rác và phóng uế, đổ thức ăn thừa và nước bẩn, bốc mùi tanh hôi và là nơi trú ngụ của chuột bọ, gây khó chịu!”.
Ô nhiễm
Theo kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc kỹ thuật môi trường tỉnh BR-VT, hầu hết các bãi tắm trên địa bàn tỉnh đều có dấu hiệu ô nhiễm. Nguyên nhân do chất thải từ nhiều nguồn nước chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn tống thẳng ra biển.
Trong 70 khu du lịch, khách sạn, nhà hàng quy mô lớn đang hoạt động ven biển của tỉnh, chỉ mới có 13 cơ sở đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải, các cơ sở còn lại nước thải được đấu nối trực tiếp với hệ thống thoát nước mưa hoặc để nước thải tự thấm ra môi trường.
Một cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh BR-VT thừa nhận vùng biển này tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn nhưng phần lớn vẫn mới xử lý nước thải bằng bể tự hoại 3 ngăn, hằng ngày thải trực tiếp hàng ngàn mét khối nước thải chưa qua xử lý xuống biển. Đó là chưa kể hàng ngàn cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ khác cũng vô tư xả nước thải ra biển làm cho chất lượng nước biển ven tỉnh này ngày càng xấu đi.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Vũng Tàu, thừa nhận: “Kết quả phân tích các mẫu nước thải sinh hoạt của hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ven biển TP Vũng Tàu các chỉ tiêu đều vượt nhiều lần so với quy định”.
Trước thực trạng báo động trên, UBND tỉnh BR-VT đã chỉ đạo đến cuối năm 2010, buộc các cơ sở kinh doanh du lịch phải đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng cho mục đích tưới cây.
Các cơ sở kinh doanh có khối lượng nước thải phát sinh dưới 5 m3/ngày - đêm phải xây dựng bể tự hoại có đáy chống thấm và định kỳ thuê đơn vị thu gom chất thải đô thị xử lý theo đúng quy định. Đó là trong tương lai, còn hiện tại, biển BR-VT vẫn đang là bể chứa nước thải khổng lồ mà chưa có giải pháp chấn chỉnh.
Vụ xếp hạng bãi biển Nha Trang
Lời cảnh báo cần thiết!
Sáng 23-11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức họp báo nhân sự kiện Tạp chí National Geographic Traveler (Hội Địa lý Hoa Kỳ) xếp hạng (năm 2010) bãi biển Nha Trang thuộc nhóm bãi biển thấp điểm nhất trong số 99 bãi biển nổi tiếng thế giới.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, thông tin trên là lời cảnh báo cần thiết đối với địa phương để chấn chỉnh nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
Nhiều ý kiến cho rằng việc Tạp chí National Geographic Traveler dựa trên tiêu chí hoang sơ, nguyên vẹn để đánh giá bãi biển Nha Trang là chưa công bằng, chưa chính xác.
Về cơ bản, bãi biển Nha Trang vẫn đang hấp dẫn du khách trong và ngoài nước cùng nhiều hãng du lịch hàng đầu thế giới. Địa phương có nhiều cố gắng đáng ghi nhận trong việc tôn tạo công viên biển, giữ vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng công tác quy hoạch xây dựng nhà hàng, khách sạn còn nhiều bất cập, che khuất tầm nhìn ra biển, làm giảm độ thông thoáng của gió biển.
Tình trạng nhiều cống nước thải xả thẳng ra biển chưa được xử lý, cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ du lịch chưa xứng tầm.
V.Tạo |
Bình luận (0)