|
Ngập tràn lan
Trong cơn mưa, tại đường Lê Hồng Phong (quận 5), nhiều hộ dân phải tất tả sơ tán đồ đạc vì nước tràn ào ào vào nhà. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, một người dân sống lâu năm ở khu vực này, cho biết đây là vụ ngập dữ dội nhất ở đoạn đường này trong hàng chục năm qua. Cũng trên địa bàn quận 5, các tuyến đường Dương Tử Giang, Hùng Vương, Trần Nhân Tôn, Phạm Hữu Chí, Võ Trường Toản và Trần Hưng Đạo đều bị ngập sâu gần nửa mét. Đường Lý Thường Kiệt (quận 10) dù được xem là vùng cao nhưng vẫn bị ngập dữ dội, lại thêm kẹt xe khiến nhiều người phải bì bõm nhích dần từng đoạn. Trên đường 3 Tháng 2, Nguyễn Thị Nhỏ (quận 5 và 11), nước ngập sâu khiến nhiều người đi xe máy hết sức khổ sở vì bị té ngã. Tại khu vực ngã tư Bảy Hiền, tình trạng ngập nước cũng làm các phương tiện lưu thông dồn ứ lại, gây tắc nghẽn trên trục đường Trường Chinh-Cách Mạng Tháng Tám. Ngay vòng xoay Cây Gõ (quận 6), nhiều người đi xe máy ngán ngẩm dựng xe ngồi thở dốc vì không có cách nào thoát ra khỏi dòng xe cộ bủa vây cùng con nước. Tại quận 1, các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Đình Xu, Nguyễn Cư Trinh cũng bị ngập úng.
|
Do “lô cốt” giăng ngang
Dù tình trạng ngập úng xảy ra dữ dội tại TPHCM, nhưng theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cơn mưa sáng 13-4 có vũ lượng cao nhất (đo tại trạm Tân Sơn Nhất) cũng chỉ dừng ở con số 52 mm. Theo thạc sĩ Lan, vào thời điểm này, TP vẫn chưa chính thức bước vào mùa mưa. Còn theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm Chống ngập), vũ lượng mưa đo được tại trạm Lý Thường Kiệt sau cơn mưa sáng 13-4 là 120 mm. “Mưa lớn cộng triều cường 1,17 m (lúc 7 giờ 30 phút) cùng với tình trạng các công trình đang thi công gây tắc nghẽn dòng chảy đã làm 36 tuyến đường ngập sâu từ 0,10 m - 0,25 m, chủ yếu tập trung ở quận 5, 6, Tân Bình và Tân Phú”- ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước của Trung tâm Chống ngập TP, cho biết. Theo ông Long, do chủ quan nên các đơn vị thi công các dự án vệ sinh môi trường, dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước, dự án Tân Hóa - Lò Gốm đã chặn dòng chảy để phục vụ thi công nhưng chưa có các biện pháp dẫn dòng hợp lý đã làm tắc nghẽn dòng chảy khi xảy ra mưa lớn.
Đúng như Báo NLĐ trong bài viết “Nơm nớp... chạy ngập” ngày 3-4 đã cảnh báo việc nhiều “lô cốt” giăng ngang đường sẽ làm TPHCM ngập dữ dội trong mùa mưa. Bởi theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng ngập dữ dội xảy ra sáng 13-4 tập trung ở những tuyến đường đang có “lô cốt” án ngữ. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng giao thông những tuyến đường này bị tê liệt dù có các lực lượng điều tiết giao thông túc trực.
Dây điện rơi xuống vỉa hè, một người chết
Chiều 13-4, ông Lê Văn Đoàn, Phó Giám đốc kỹ thuật Điện lực Tân Phú, cho biết nguyên nhân khiến dây điện trung thế bị đứt là do sét đánh. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, Điện lực Tân Phú đã cử nhân viên xuống hiện trường để khắc phục sự cố, đến trưa thì dây điện trung thế đã được nối lại, đồng thời liên hệ với người nhà chị Truyền để hỗ trợ chi phí di chuyển, mai táng. |
Bình luận (0)