Dường như việc xử phạt theo Nghị định 34 (thay thế Nghị định 146/NĐ/CP/2007) vẫn chưa tạo một sự đột phá trong ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Ô tô vẫn vô tư đi vào đường cấm. Ảnh chụp trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận - TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Tha hồ... nhậu
So với Nghị định 146, Nghị định 34 đã tăng mức phạt đối với hành vi người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia nhằm ngăn chặn những “ma men” gây tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tuy nhiên, tại Hà Nội, vào những ngày nắng nóng vừa qua, các tuyến phố tập trung nhiều quán bia hơi như Tây Sơn, Trường Chinh, Xã Đàn, Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng,... lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Sau những chầu nhậu tới bến, các tài xế vẫn vô tư “ôm” vô lăng điều khiển ô tô mà không lo bị CSGT “sờ gáy”!
Theo Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt (C26 - Bộ Công an), lực lượng CSGT các địa phương sẽ được trang bị máy đo nồng độ cồn đã được kiểm định và có dán tem.
Mỗi đội CSGT khi thực hiện tuần tra, kiểm soát đều sẽ có một máy để sẵn sàng xử phạt những người điều khiển phương tiện ô tô, xe gắn máy sử dụng rượu bia trái với Nghị định 34. Người điều khiển có biểu hiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định sẽ phải thổi vào ống thổi được bảo quản vô trùng trong túi ni lông.
Thống kê của C26 cho thấy trong tháng 5-2010, cả nước đã kiểm tra, xử lý 4.442 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT), sau một tháng thực hiện Nghị định 34, việc xử phạt đối với hành vi này còn hạn chế.
“Nếu không được trang bị máy đo nồng độ cồn đầy đủ thì cũng khó xử phạt đối với hành vi có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông khá cao này”- một lãnh đạo C26 cho biết.
Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt - Công an TP Hà Nội, cho biết máy đo nồng độ cồn sẽ được trang bị dần dần và việc xử phạt được thực hiện theo kế hoạch, chứ không nhất thiết phải “canh me” tại các quán rượu, bia. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia tại Hà Nội là rất ít.
Ý thức người dân còn kém
Theo số liệu thống kê của C26, 5 tháng đầu năm 2010, cả nước xảy ra 19.771 vụ tai nạn giao thông khiến 4.554 người chết và hơn 20.000 người bị thương. Lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 2,3 triệu trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tước giấy phép lái xe của hơn 96.000 trường hợp.
Nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông vẫn là ý thức của người tham gia giao thông còn kém (chiếm 85%). Các lỗi chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định (17%), đi không đúng phần đường (24%), vượt trái quy định (12%), say rượu, bia (3,9%)...
Đánh giá của Vụ An toàn giao thông cho thấy từ khi Nghị định 34 có hiệu lực, các vụ tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương) so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo vụ này, việc xử phạt một số hành vi vi phạm trong Nghị định 34 là không hề dễ dàng và vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Mặc dù người đi bộ đã chú ý sử dụng hầm đường bộ, cầu bộ hành hay các nơi có vạch sơn nhưng tình trạng vi phạm vẫn xảy ra khắp nơi.
Môi trường giao thông còn bề bộn
Theo đánh giá của Vụ An toàn giao thông, tình trạng đào bới vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội và TPHCM đã gây khó khăn cho người tham gia giao thông và góp phần dẫn tới ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, việc thiếu nghiêm trọng các bãi đỗ xe, điểm dừng... cũng gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Triển khai Nghị định 34, Bộ GTVT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống biển báo hiệu, vạch kẻ đường... tuy nhiên, đã có nhiều phản ánh từ phía CSGT và người dân là môi trường giao thông còn rất bề bộn. |
Bình luận (0)