Ngày 7-12, đại diện Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), Tổng cục Môi trường, Viện TN-MT thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã chủ trì cuộc họp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM cùng lãnh đạo Công ty Vedan Việt Nam để thông qua kết quả xác định vùng ảnh hưởng ô nhiễm của sông Thị Vải, trách nhiệm gây ra ô nhiễm của Công ty Vedan và các đơn vị khác.
Nhiều đìa tôm của nông dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị nước thải Vedan gây ô nhiễm, phải bỏ hoang
Mỗi tháng xả 105.600 m³ nước thải độc ra sông
Theo Viện TN-MT, sau khi khảo sát việc xả nước thải của Công ty Vedan ra sông Thị Vải (kết quả này thực hiện có sự chứng kiến của chuyên gia người Đài Loan, các nhà khoa học của Việt Nam và Đài Loan) và sau khi đo kiểm lượng nước thải 24/24 giờ tại các cống xả cho thấy bình quân mỗi tháng, Vedan xả ra sông Thị Vải 105.600 m³ nước thải.
Đặc điểm nước thải của Công ty Vedan có màu nâu đen, bốc mùi hôi thối, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, nồng độ pH cao, các chỉ số ô nhiễm vượt mức cho phép hàng trăm đến hàng ngàn lần.
Kết quả khảo sát liên tục trong một tháng gần đây cho thấy bán kính vùng ô nhiễm từ Công ty Vedan kéo dài khoảng 4,4 km về phía thượng lưu và 5,6 km về phía hạ lưu sông Thị Vải.
Trong phạm vi này, Viện TN-MT xác định từ 80% đến 90% ô nhiễm là do nước thải của Công ty Vedan gây ra, số còn lại là các tác nhân khác và các KCN có doanh nghiệp xả nước thải ra sông Thị Vải.
Đặc biệt khảo sát tại nhiều nơi, các nhà khoa học đã phát hiện nước thải len lỏi vào các kênh, rạch, làm tôm, cá chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người dân.
2.599 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng
Sau khi có kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm sông Thị Vải và xác định được nguồn thải chính gây ô nhiễm môi trường là do Công ty Vedan, Viện TN-MT đã tiến hành khoanh vùng ô nhiễm, xác định đường biên ranh giới ô nhiễm.
Cụ thể, có khoảng 2.599 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM bị ảnh hưởng. Trong đó, tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) có 3 xã: Long Thọ, Vĩnh Thanh, Phước An bị thiệt hại khoảng 1.824 ha; tại huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) có 2 xã: Long Phước và Phước Thái có gần 199,85 ha ảnh hưởng nặng.
Vùng ô nhiễm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là huyện Tân Thành, gồm 2 xã: Mỹ Xuân, Phước Hòa và thị trấn Phú Mỹ có 576 ha diện tích nuôi trồng bị ảnh hưởng nặng.
Còn tại TPHCM, trước đây, Hội Nông dân TP thống kê có xã Long Hòa, xã Thạnh An, thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ bị thiệt hại do ảnh hưởng nước thải của Công ty Vedan.
Nhưng qua nghiên cứu khảo sát, Viện TN-MT xác định chỉ có xã Thạnh An bị thiệt hại. Tuy nhiên, vùng thiệt hại tại xã Thạnh An có một phần ranh giới đất và mặt nước đang chồng lấn với ranh giới của tỉnh Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết TP và tỉnh Đồng Nai đã nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phần ranh giới chồng lấn thuộc về địa phương nào để công bố phạm vi ảnh hưởng của TPHCM.
Dự kiến ngày 11-12, Tổng cục Môi trường sẽ mời UBND các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và Công ty Vedan Việt Nam dự họp để công bố chính thức phạm vi vùng thiệt hại, đối tượng gây ô nhiễm.
Sau đó, các địa phương sẽ tiến hành xác định mức độ thiệt hại của nông dân, tổ chức thẩm định mức thiệt hại cụ thể về kinh tế và môi trường để đòi Vedan bồi thường.
Kết quả đánh giá rất thận trọng
|
Bình luận (0)