Như Báo NLĐ đã thông tin, Viện Môi trường và Tài nguyên (MT-TN) thuộc ĐH Quốc gia TPHCM và Công ty Cổ phần Hữu hạn Vedan (Vedan VN) vừa ký biên bản xác định lại mức đóng góp của Vedan VN trong việc “giết” sông Thị Vải là 77%. Kết quả này được đưa ra sau khi Vedan VN liên tục phản đối số liệu của Viện MT-TN quy kết Vedan VN góp 89% gây ô nhiễm sông Thị Vải.
Chưa biết bao giờ người dân bị thiệt hại mới nhận được tiền bồi thường của Vedan VN
Thiệt hại 1.359 tỉ đồng
Luật sư Hoàng Như Vĩnh (Đoàn Luật sư Đồng Nai), người được tổng giám đốc Vedan VN ủy quyền, cho biết sau khi tiếp nhận các phần mềm khoa học từ phía Viện MT-TN, Vedan VN đã thuê các chuyên gia của Đài Loan và một số nhà khoa học xem xét lại toàn bộ số liệu, chạy lại chương trình phần mềm thì xác định Vedan VN chỉ góp 65% gây ô nhiễm sông Thị Vải.
Do Viện MT-TN không chấp nhận số liệu này nên giữa Vedan VN và Viện MT-TN đề xuất giải pháp lấy 89% + 65% sau đó chia đôi để ra 77%. Còn vùng ảnh hưởng của Vedan VN đối với sông Thị Vải vẫn giữ nguyên như trước gồm 9 xã của 3 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM.
Viện MT-TN đã báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về kết quả thương thảo trên. Theo đó, các cơ quan chức năng và 3 tỉnh, thành là Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TPHCM sẽ tiếp tục tính toán cụ thể hơn theo 3 mức độ thiệt hại là vùng ô nhiễm nặng, vùng thiệt hại trung bình và vùng ảnh hưởng nhẹ với từng phạm vi các xã ven sông Thị Vải đã xác định ô nhiễm để Vedan VN và các bên có cơ sở đưa ra mức giá đền bù.
Thống kê của các hội nông dân về thiệt hại cụ thể của các địa phương cho thấy huyện Cần Giờ (TPHCM) có 839 hộ với 2.123 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính là 107 tỉ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 1.134 hộ dân tại 3 xã Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Xuân và thị trấn Phú Mỹ (huyện Tân Thành) bị thiệt hại ước tính hơn 191 tỉ đồng. Riêng tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có con số thống kê chính thức.
Còn theo báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai gửi Bộ TN-MT kết quả thống kê vào thời điểm cuối năm 2009, tổng số hộ dân bị thiệt hại trong vùng ô nhiễm của Vedan VN là 5.064 hộ, với tổng số tiền đòi bồi thường là 1.061 tỉ đồng. Như vậy, thiệt hại của 3 địa phương trên là 1.359 tỉ đồng.
Bộ chậm trễ, Vedan cù cưa
Hiện các tỉnh, thành đã báo cáo với Bộ TN-MT để chờ kết quả thẩm định, sau khi bộ cho ý kiến chính thức mới tiến hành đòi bồi thường. Tuy nhiên, sở TN-MT các tỉnh, thành này cho biết hiện nay các địa phương vẫn chưa nhận được ý kiến của Bộ TN-MT về việc thẩm định tổng số thiệt hại và Vedan VN cũng chưa phối hợp với các địa phương để cùng đi xác minh nên chưa thể đưa ra con số chính thức.
Theo một cán bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), xem xét sơ bộ các chứng cứ đòi bồi thường của 3 tỉnh, thành cho thấy số lượng hộ dân bị thiệt hại cũng như số tiền thiệt hại đã giảm đi đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cần phải xem xét lại chứng cứ đòi bồi thường còn thiếu tính thuyết phục. Vì vậy, trong quý I/2010 chưa thể thương thảo việc bồi thường với Vedan VN.
Hiện toàn bộ vụ việc đang được Tổng cục Môi trường báo cáo lên Bộ TN-MT để chỉ đạo.
Ngày 19-3 sẽ họp bàn Theo Tổng cục Môi trường, ngày 19-3, các bên liên quan sẽ họp bàn để đi đến thống nhất tỉ lệ ô nhiễm và phân loại mức ô nhiễm từng khu vực để thương thảo việc bồi thường. Dự kiến, sự thay đổi về mức độ góp phần gây ô nhiễm sông Thị Vải của Vedan VN sẽ làm cho quá trình bồi thường thiệt hại kéo dài. |
Bình luận (0)