xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vedan lại “cù cưa”

Bài và ảnh: Kim Cương

Chuyện bồi thường, hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải được đưa ra nhiều lần nhưng Công ty Vedan đều... cãi phăng

Đã hơn một năm kể từ ngày cơ quan chức năng bắt quả tang Công ty Vedan Việt Nam xả lén nước thải đầu độc sông Thị Vải; đã hơn một năm, 11.000 lá đơn của nông dân khiếu nại, đòi Công ty Vedan phải bồi thường, hỗ trợ với những gì mà công ty này gây ra cho hàng ngàn hộ nông dân, đến nay mọi chuyện vẫn đang trong vòng luẩn quẩn.

img
Hết tiền để đầu tư nuôi tôm sau khi bị ảnh hưởng ô nhiễm sông Thị Vải, người
dân huyện Long Thành, Đồng Nai phải kiếm sống qua ngày bằng nghề cào lưới

Bốn lần thương thảo vẫn không xong


Giữa tháng 4-2009, Vedan đề xuất số tiền 25 tỉ đồng gọi là hỗ trợ cho nông dân 2 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM, tuy nhiên đi kèm theo đó là điều kiện “phải đáp ứng được các tiêu chí”. Tất nhiên các hội nông dân (HND) đã phản ứng vì số tiền này do Vedan tự đưa ra, làm ngược với quy trình của bản ghi nhớ được ký kết giữa Vedan và các HND.

Đến ngày 8-5, Vedan và các HND lại gặp nhau để thương thảo lần thứ hai. Tại đây, các HND đã nhất trí đề nghị Vedan hỗ trợ 48% trên mức độ thiệt hại của các hộ nuôi trồng và 45% đối với những hộ khai thác, đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, Công ty Vedan tiếp tục không đồng ý và viện lý do là “không có cơ sở đòi bồi thường”.


Đến tháng 6-2009, các HND  có vẻ “xuống nước”, đề nghị Vedan cho biết quan điểm về số tiền bồi thường và mức bồi thường. Thế nhưng Công ty Vedan vẫn đề nghị các HND phải có chứng cứ khoa học, chứng minh thiệt hại ô nhiễm do Vedan gây ra. Do Vedan cứ mãi “cù cưa”, mới đây, ngày 25-9, lãnh đạo các HND đã làm việc trực tiếp với Tổng Giám đốc Công ty Vedan Việt Nam, ông Kun Hsing Yan.

Tổng hợp từ 11.000 đơn khiếu nại của nông dân các địa phương, số tiền đòi Vedan bồi thường thiệt hại lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, 3 HND đã thống nhất chỉ yêu cầu Vedan hỗ trợ 569 tỉ đồng (Đồng Nai hơn 120 tỉ đồng, TPHCM trên 135,5 tỉ đồng và Bà Rịa-Vũng Tàu 296 tỉ đồng) nhưng ông Yan vẫn không chấp nhận và yêu cầu phải xác định tiêu chí và phạm vi ảnh hưởng của việc gây ô nhiễm môi trường mới có căn cứ để xác định mức độ thiệt hại.


Tiếp tục chờ!


Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch HND TPHCM, cho biết 3 HND đề nghị bồi thường số tiền 569 tỉ đồng chỉ bằng 45%-48% so với thiệt hại thực tế. Vì vậy, HND TP đã đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo các ngành chức năng thống kê, báo cáo Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT).
 
Sau khi các ngành đánh giá cụ thể và khi có đánh giá của hội đồng khoa học (do Bộ TN-MT thành lập) xác định mức thiệt hại, nếu Vedan không bồi thường thì hội sẽ đứng ra đại diện nông dân khởi kiện.

Về vấn đề này, tại cuộc họp ngày 25-9, Công ty Vedan đã đồng ý cử đại diện của công ty phối hợp cùng HND ba địa phương đi khảo sát vùng bị ảnh hưởng trong tháng 10-2009. Tuy nhiên, đến nay, các HND vẫn chưa nhận được sự hợp tác từ phía Công ty Vedan.


Liên quan đến việc này, HND tỉnh Đồng Nai cho biết ngày 23-10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) sẽ làm việc trực tiếp với các HND để cùng thống nhất việc kê khai, đánh giá thiệt hại, bắt đầu cho việc lập chứng cứ khoa học cụ thể để đòi Công ty Vedan bồi thường. Tổng cục Môi trường cho biết cuối năm 2009, cơ quan này sẽ hoàn tất báo cáo đánh giá thiệt hại ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Thị Vải.


Báo cáo này hoàn thành sẽ đủ điều kiện để khẳng định chủ các nguồn thải gây ô nhiễm bao nhiêu để đòi bồi thường thiệt hại cho người dân.


“Tôm ăn sổ đỏ”


Việc bồi thường, hỗ trợ cứ mãi “cù cưa” trong khi nông dân, những người bị thiệt hại, ngày càng khánh kiệt.

Cầm xấp giấy nợ từ năm 2006 trên tay, ông Bảy Thiện (ngư dân xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) ngấn nước mắt: “Ba năm nay, để giải quyết khoản nợ 400 triệu đồng mà gia đình vay mượn đầu tư đìa tôm trên 1 ha, gia đình tôi đã phải thế chấp 2 cuốn sổ đỏ cho ngân hàng nông nghiệp rồi cả nhà đi làm mướn trả dần. Đứa con gái thứ hai phải lên TPHCM phụ bán quán để trang trải cuộc sống cho gia đình”.

Còn gia đình bà Vũ Thị Ngọc (xã Phước Thái) cũng đã thế chấp sổ đỏ của nhà mình từ năm 2004 cho Ngân hàng Công Thương Long Thành để vay 150 triệu đồng đầu tư đìa tôm. Chỉ sau hai vụ, tôm chết trắng đìa, bà mượn sổ đỏ của con trai út vay tiếp 50 triệu đồng hy vọng vớt vát vụ tôm cuối nhưng cũng trắng tay vì nguồn nước ô nhiễm.

Giờ, cả gia đình bà Ngọc lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bán hết tài sản trả bớt cho ngân hàng được 100 triệu đồng còn lại mua chiếc ghe nhỏ đi câu kiếm sống qua ngày.


Đến nhiều xã ven sông Thị Vải thuộc tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, cụm từ “tôm ăn sổ đỏ” đã trở thành câu cửa miệng của người dân nơi đây khi nghe nhắc đến những thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước sông Thị Vải, làm tôm, cá chết đồng loạt. HND huyện Long Thành và Nhơn Trạch cho biết tình trạng  nông dân các xã ven sông Thị Vải đang cầm cố sổ đỏ trong ngân hàng do việc ô nhiễm, thất bát trong việc nuôi trồng thủy sản khá phổ biến.

Mới đây, HND phải phối hợp với UBND các xã bảo lãnh, xét duyệt để giúp vốn cho khoảng 200 hộ chuyển đổi nghề nghiệp, làm kinh tế gia đình để trả nợ ngân hàng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo