Tại buổi làm việc, đại diện của 3 hội nông dân của các tỉnh, thành có nông dân bị thiệt hại đã thống nhất yêu cầu phía Công ty Vedan bồi thường 45 – 48% tổng số thiệt hại mà những đơn vị này đã điều tra thống kê được. Theo đó, TPHCM yêu cầu bồi thường trên 135 tỷ đồng; Đồng Nai 120 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 296 tỷ đồng. Số thiệt hại mà 3 hội nông dân yêu cầu Vedan hỗ trợ nông dân là 569 tỷ đồng.
Ông Kun Hsiang Yang đã chính thức từ chối con số đề nghị trên và cho rằng, việc xác định thiệt hại do công ty gây ra trên dòng sông Thị Vải cần phải dựa trên chứng cứ khoa học rõ ràng. Ông Yang cho rằng, phải chờ đến khi Hội đồng khoa học (do Tổng cục Môi trường- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, đang tiến hành điều tra) có kết luận điều tra về mức thiệt hại cụ thể, khi đó Vedan mới đưa ra con số hỗ trợ các hộ nông dân bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết, hiện nay qua thống kê điều tra tại 3 xã bị ảnh hưởng nặng của huyện Cần Giờ, đã xác nhận 1.599 hộ, với số tiền thiệt hại là 325 tỷ đồng. Theo ông Phụng, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cũng đang tổ chức triển khai đánh giá tác động tình trạng ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do Vedan gây ra đối với việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của người dân huyện Cần Giờ. Công tác đánh giá này sẽ kết thúc trong tháng 11-2009 để bổ sung căn cứ khởi kiện tại tòa yêu cầu Vedan bồi thường.
Đại diện Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho biết qua thống kê thiệt hại mà Ban chỉ huy thống kê thiệt hại của tỉnh này đưa ra, có 4.897 hộ dân bị ảnh hưởng bởi nước thải của Công ty Vedan, với số tiền thiệt hại là trên 2.000 tỷ đồng.
Theo TTXVN, quan điểm của các hội nông dân đưa ra tại cuộc họp là mong muốn giải quyết vấn đề trên bằng việc thương lượng bồi thường, chứ không nên ra tòa. Tuy nhiên nếu các bên không đi đến thống nhất chung, hội sẽ đại diện cho nông dân, dựa trên các chứng cứ khoa học để khởi kiện Công ty Vedan ra tòa án.
Tại cuộc họp, các bên thống nhất đầu tháng 10-2009, hội nông dân 3 địa phương trên sẽ cùng đại diện Công ty Vedan đến từng địa phương để trực tiếp xác minh, điều tra thiệt hại của các hộ nông dân. Sau đó, cùng với việc dựa trên kết luận điều tra của Hội đồng khoa học do Tổng Cục Môi trường chủ trì, sẽ thống nhất việc bồi thường hay hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Bình luận (0)