Ngày 11-12, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã họp với Viện Khoa học Công nghệ VN, tổng giám đốc Công ty Vedan VN (Vedan) và đại diện ba địa phương bị thiệt hại do sông Thị Vải ô nhiễm nhằm thống nhất các nội dung liên quan đến kết quả về mức độ gây ô nhiễm của Vedan đối với sông Thị Vải.
Sông Thị Vải có dấu hiệu hồi sinh sau khi thôi hứng chất thải chưa qua xử lý do Vedan xả lén. Ảnh: C.Đen
Bất đồng mức độ gây ô nhiễm
Trong báo cáo kỹ thuật về hiện trạng môi trường nước sông Thị Vải, Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường do hành vi gây ô nhiễm của Vedan đối với sông Thị Vải. Theo đó, Vedan “đóng góp” khoảng 89% ô nhiễm trong phạm vi ảnh hưởng từ sông Thị Vải. Kết quả này được ba địa phương liên quan gồm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và TPHCM đồng tình.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, ông Kun Hsiang Yang, Tổng Giám đốc Vedan VN, cho rằng sông Thị Vải đã ô nhiễm từ trước khi có nhà máy Vedan. Trong đó, nguồn nước thải từ các khu công nghiệp gần đấy cũng là một trong những nguyên nhân ô nhiễm.
Do vậy, toàn bộ ô nhiễm trên sông không thể do một mình Vedan gây ra. Vedan chỉ chiếm khoảng 60% - 70% nguồn gây ô nhiễm sông này. Vedan đề nghị tiếp tục làm việc với Viện Môi trường và Tài nguyên cùng các cơ quan liên quan để xác định cụ thể mức độ gây ô nhiễm.
Kết thúc buổi họp, đại diện Vedan vẫn chỉ thừa nhận đã từng gây ô nhiễm nặng dòng chính của sông Thị Vải trong phạm vi khoảng 10 - 11 km.
Phản bác ý kiến của đại diện Vedan, ông Lương Duy Hanh, Phó Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường, cho rằng ba khu công nghiệp quanh sông Thị Vải dù có gây ô nhiễm song mức độ không cao. Các khu công nghiệp thải nước không đạt chỉ tiêu về môi trường nhưng không ảnh hưởng lớn tới dòng chính của sông Thị Vải.
“Qua các đợt thanh tra, tôi khẳng định dù các công ty khác có xả nước thải gây ô nhiễm nhưng chỉ có Vedan là xả trộm ra sông Thị Vải, các công ty khác không làm như thế!” - ông Hanh bức xúc nói.
Sẽ làm cho Vedan tâm phục, khẩu phục!
Trước ý kiến của ông Kun Hsiang Yang cho rằng với diện tích ảnh hưởng ô nhiễm do công ty này gây ra thì không thể gọi sông Thị Vải là “sông chết”, ông Lê Quốc Hùng (Viện Hóa học thuộc Viện Khoa học Công nghệ VN) khẳng định vùng ô nhiễm do Vedan gây ra dài khoảng 11 - 12 km, còn vùng ảnh hưởng thì lớn hơn nhiều.
Trong vùng này, ô nhiễm tạp chất hữu cơ rất nặng nề, nồng độ ôxy dưới 1%. “Với ô nhiễm như vậy, sông Thị Vải không chết thì cũng ngắc ngoải” - ông Hùng nhận định.
Tuy vậy, ông Kun Hsiang Yang vẫn không chấp nhận kết quả nghiên cứu mà các cơ quan VN đưa ra, song khi Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến hỏi: “Vậy ông đánh giá trách nhiệm của Vedan là bao nhiêu phần trăm?”, ông Kun Hsiang Yang lúng túng không trả lời được.
Ông Lương Duy Hanh chốt lại: “Sắp tới, đoàn công tác của Tổng cục Môi trường sẽ tiếp tục làm việc để đưa ra kết luận cuối cùng. Chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết để các ông phải tâm phục, khẩu phục”.
Vedan hết xả lén, Thị Vải bắt đầu hồi sinh
|
Bình luận (0)