Nhà máy Xử lý rác Vietstar thuộc Công ty Lemna International, Inc đi vào hoạt động cuối năm 2009 với thông tin từ phía lãnh đạo nhà máy là sử dụng công nghệ tiên tiến nhất từ Mỹ, thân thiện với môi trường (Báo NLĐ ngày 16-6). Thế nhưng thực tế trái ngược hẳn.
Khu vực nhà ủ chất hữu cơ để làm phân không có tường bao bọc có thể phát tán khí độc ra môi trường. Ảnh: PHẠM DŨNG
Dòng nước lạ chảy ra kênh...
Nhiều ngày đi thực tế, từ cách xa nhà máy, chúng tôi đã bị mùi hôi khó chịu xộc vào mũi. Lại gần quan sát thì thấy rác đổ bừa trên mặt đất, không thấy có lớp lót phía bên dưới, bên trên không phủ bạt khiến mùi chua ngấy lan tỏa khắp vùng.
Trên vùng đất trống cạnh hông nhà máy chúng tôi nhìn thấy những đường nước đen, đặc sánh, có mùi thối, thoạt nhìn giống những bãi sình lầy trên đồng ruộng sau cơn mưa, tuy nhiên màu của những dòng nước này khá kỳ quặc: chỗ đen đặc, chỗ đỏ au, trên mặt nước có váng nâu vàng keo đặc.
Lần theo đường đi của dòng nước này đến điểm xuất phát là một bãi rác tươi lộ thiên cao hơn đầu người, mùi tanh nồng nặc nhưng chỉ một phần nhỏ diện tích được phủ bạt, còn lại “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Chính giữa các bãi rác là một rãnh bùn với một số rác đang phân hủy ken dày bồ hóng.
Lời hứa không đi đôi... việc làm
Trong ngày khánh thành nhà máy vào cuối tháng 12-2009, bà Poldi Gerard khẳng định: “Bản quyền công nghệ của Lemna đặc biệt thích hợp với khí hậu nóng ẩm của VN, toàn bộ nhà máy được thiết kế và xây dựng nhằm mang lại những giải pháp toàn diện cho nhu cầu cấp bách tại TPHCM về vấn đề xử lý chất thải rắn.
Chúng tôi xin cam kết bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời gian nhà máy hoạt động về không khí, đất, nguồn nước”. Thế nhưng chỉ hơn nửa năm hoạt động, “cam kết bảo vệ môi trường” của nhà máy Vietstar đang làm cuộc sống của người dân xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi khốn đốn |
Nước từ rãnh bùn được dẫn ra một đường mương đất đào tạm bợ, khi mưa xuống nước tràn khỏi đường mương chảy lênh láng khắp khuôn viên nhà máy và chảy thẳng ra ngoài, tạo thành những bãi sình mà chúng tôi thấy trước đó.
Không chỉ vậy, nước từ các bãi sình này lại tiếp tục đổ thẳng ra kênh 18 là tuyến kênh tiêu thoát nước chính cho cả vùng.
Chưa kể, cả nhà ủ chất hữu cơ để làm phân cũng chỉ là một khung sắt có mái che chứ không hề có tường bao bọc, trong khi số phân này đều phải được xới lên hằng ngày, có thể phát tán các chất khí độc phát sinh trong quá trình ủ (ví dụ khí metan...).
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi ngày nhà máy Vietstar tiếp nhận khoảng 600 tấn rác sinh hoạt trên địa bàn TP, phần lớn sẽ được tái chế thành phân compost và hạt nhựa theo quy trình: rác tươi đưa lên băng chuyền để công nhân lựa các chất vô cơ như chai, mủ, bịch nilông... để xay thành hạt nhựa, các chất hữu cơ sẽ được sàng lọc lấy các hạt nhỏ, mịn để trộn với một số chất hữu cơ khác và nghiền thành phân compost.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường TPHCM, nhà máy mới chỉ hoàn thành giai đoạn 1, riêng hệ thống xử lý nước thải vẫn đang trong giai đoạn vận hành thí điểm nên toàn bộ nước rỉ rác được thu gom và chuyển về trạm xử lý nước rỉ rác của Công ty TNHH Khoa học Công nghệ Quốc Việt.
Mương nước chảy từ bãi rác trong nhà máy Vietstar ra thẳng kênh 18
Đòi tăng giá xử lý rác lên 360%
Điều khó hiểu là việc xử lý rác của Vietstar đang gây ô nhiễm môi trường thế nhưng lãnh đạo Vietstar vẫn yêu cầu TP tăng giá xử lý lên đến 360%. Cụ thể, ngày 29-4, bà Poldi Gerard, Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vietstar, đã ký văn bản đề xuất UBND TPHCM tăng mức xử lý rác từ 5 USD/tấn hiện tại lên hơn 18,21 USD/tấn với lý do chi phí cho đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý rác và vận hành của nhà máy xử lý chất thải rắn đã làm tăng tổng giá trị đầu tư của dự án, đồng thời do giá cả nhân công và vật liệu tăng nên giá xử lý rác cần được điều chỉnh.
Thậm chí Vietstar cho rằng chi phí xử lý thực tế của nhà máy là 36,43 USD/tấn nên đề xuất hướng “chia đôi giá xử lý rác” để hỗ trợ cho TP cũng như phù hợp với chi phí thị trường thì mức giá xử lý rác mới là 18,21 USD/tấn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết nhà máy mới chỉ vận hành giai đoạn 1, tiếp nhận xử lý rác theo đúng hợp đồng đã ký chỉ hơn một tháng, chưa thể đánh giá hoạt động của nhà máy nên chưa có cơ sở xem xét việc tăng giá.
Bên cạnh đó sở cũng đã đề nghị Vietstar cần giải thích một số nội dung: nguyên nhân tăng giá, các chi phí đã đầu tư, chi phí vận hành... để có cơ sở tổ chức lấy ý kiến các sở ngành, trình UBND TP.
Bình luận (0)