Tính tới tháng 12-2023, trong 60 quốc gia được có khảo sát, có 32 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Thông tin trên được ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết tại Phiên đối thoại góp ý xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, do VBA tổ chức ngày 24-4.
Theo ông Trung, ngày 23-2, tại Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF), đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý để cấm hoặc quản lý tài sản ảo trước thời điểm tháng 5-2025.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế cho biết nhiều quốc gia hiện nay chưa có nhận diện đầy đủ về vấn đề tài sản ảo, chưa xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, tiệm cận với xu hướng của thế giới.
Tại Việt Nam, ông Cường cho biết Chính phủ cũng đã giao các bộ ngành rà soát, nghiên cứu. Qua đó, các bộ ngành cũng đã có những trao đổi về vấn đề tài sản ảo, tiền ảo và từng bước nghiên cứu để xây dựng khung pháp lý.
Luật sư Trần Quốc Bảo, Điều hành hãng luật Pantheon cũng nhìn nhận theo yêu cầu tại Quyết định 194 nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta chỉ còn một năm để chuẩn bị cho sự ra đời của Khung pháp lý quản lý tài sản ảo.
"Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc chính phủ sẽ có những quy định phù hợp thông lệ quốc tế là quản lý tài sản ảo và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo chặt chẽ nhằm tối ưu nguồn thu thuế, bảo vệ người dùng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Nếu cấm tài sản ảo, chúng ta sẽ hoàn toàn bỏ lỡ một thế hệ nhà đầu tư mới đang rất quan tâm tới Việt Nam, nơi có 20% dân số sở hữu tài sản mã hoá"- ông Bảo nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch Thường trực VBA Phan Đức Trung nêu rõ, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo, nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
"Hiện tại kế hoạch hành động quốc gia ban hành theo Quyết định 194/QĐ-TTg đang tập trung vào 2 ưu tiên là chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố và tiêu chuẩn nhà dịch vụ cùng cấp tài sản ảo. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là thuế tài sản mã hóa và bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng"- ông Trung nhìn nhận.
Trước đó vào ngày 13-4, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo, ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và khảo sát kinh nghiệm quốc tế.
Về khung khổ pháp lý, ông Vinh cho biết các quốc gia có hướng tiếp cận khác nhau trong việc chỉnh điều pháp luật đối với tài sản mã hoá. Một số quốc gia hiện nay như Mỹ, đang áp dụng pháp luật hiện hành để quản lý, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, song song với đó là nghiên cứu khung pháp lý mới. "Các quốc gia đang tập trung quản lý sự lưu thông, giao dịch của tài sản mã hoá"- ông Cao Đăng Vinh nêu rõ.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc trong các báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp thể hiện quan điểm cấm hay xây dựng khung pháp lý điều chỉnh đối với tài sản ảo, tiền ảo, ông Cao Đăng Vinh cho biết Bộ đã nêu rõ kết quả rà soát, cảnh báo các nguy cơ và thể hiện quan điểm không cấm, mà cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, điều chỉnh đối với loại tài sản này.
Bình luận (0)