Ngày 3-7, trong khuôn khổ hội nghị sơ kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng 6 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2024, Khối Thi đua 5 thuộc UBND TP HCM đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Cơ quan báo, đài, tạp chí triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm".
Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến sát sườn, thẳng thắn từ các đơn vị thuộc Khối Thi đua 5.
Khó có công thức chung
Ông Nguyễn Văn Huyên, Trưởng Phòng Tổ chức - Hành chính, Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết khi xây dựng đề án sẽ giúp thủ trưởng đơn vị rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, sắp xếp nhân sự trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời có cái nhìn toàn diện về số lượng vị trí việc làm dự kiến và số lượng vị trí việc làm hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng biên chế hiện có tại cơ quan phải phân công kiêm nhiệm nhiều việc là phổ biến, trong khi đó việc kiêm nhiệm rất cần thiết và chiếm nhiều thời gian nên khi xác định vị trí việc làm còn gặp nhiều lúng túng.
Ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhìn nhận nếu xây dựng được Đề án vị trí việc làm sẽ tạo nên cuộc cách mạng về hiệu quả công việc, cũng như trả lương cho từng vị trí xứng đáng, qua đó tạo động lực, kích thích, hiệu quả và sự cống hiến trong công việc.
"Hiện nay chúng ta "vừa ném đá vừa dò đường" nhưng xây dựng Đề án vị trí việc làm là việc bắt buộc, trước sau gì chúng ta cũng phải làm"- ông Phạm Văn Trường nêu quan điểm.
Do đó, ông Phạm Văn Trường cho rằng trước mắt vận dụng, dựa trên quy định hiện có và thực tiễn, học hỏi cách làm của khối tư nhân để xây dựng. Song song đó, chỉ ra những vấn đề còn bất cập, phát sinh, đề xuất, kiến nghị lên cơ quan chức năng để có chủ trương phù hợp, tương thích, mở đường cho những giải pháp mang tính hiệu quả, thiết thực. Có như vậy mới có thể thực hiện thành công Đề án vị trí việc làm.
Theo ông Phạm Văn Trường, việc các cơ quan báo chí cần làm hiện nay là cải tiến, làm sao để trong điều kiện thực tế hiện nay, vận dụng chủ trương, quy định có sẵn để nâng cao hiệu quả công việc.
"Làm sao ở từng vị trí chúng ta có những tiêu chuẩn toàn diện, đầy đủ, sát thực hơn để người ở vị trí đó làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Thông qua đó, chúng ta cũng có sơ sở để giám sát tốt hơn, có đánh giá, điều chỉnh trong việc trả lương, thúc đẩy hiệu quả làm việc"- ông Phạm Văn Trường chia sẻ.
Trong khi đó, ông Cao Anh Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM, Khối phó Khối Thi đua 5 cho rằng việc xây dựng Đề án vị trí việc làm đang gặp nhiều thách thức.
Theo ông Cao Anh Minh, mục tiêu của Đề án vị trí việc làm là chuyển hóa các vị trí việc làm, tinh giản biên chế, tiến tới thực hiện đề án cải cách tiền lương, không chỉ trả lương theo ngạch bậc mà theo vị trí việc làm.
"Đây là những mục tiêu khó và cũng khó có công thức chung cho các đơn vị vì khác nhau về tôn chỉ mục đích, tổ chức bộ máy, hình thức báo chí, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số"- ông Cao Anh Minh nhìn nhận và cho rằng các cơ quan báo chí cùng tham mưu, đề xuất để tạo sự đồng thuận trong vấn đề này.
Gợi mở nhiều giải pháp
Để nâng cao hiệu quả triển khai Đề án vị trí việc làm tại cơ quan báo chí, ông Vương Quyền, Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói nhân dân TP HCM đã gợi mở nhiều cách làm tại đơn vị mình.
Trước hết là cần phân tích và xác định nhu cầu. Thực hiện khảo sát nội bộ để hiểu rõ nhu cầu của các đơn vị trực thuộc đài và phân tích công việc chi tiết. Việc đánh giá nhiệm vụ, trách nhiệm và yêu cầu của từng vị trí giúp mô tả công việc rõ ràng, giúp lãnh đạo đơn vị phân công nhiệm vụ hợp lý và tránh chồng chéo.
Song song đó là đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực tại đài; ứng dụng công nghệ thông tin; chính sách khen thưởng và động viên, xây dựng quy định chế độ khen thưởng cần minh bạch và công bằng để khích lệ tinh thần làm việc của viên chức, cần xây dựng môi trường làm việc thân thiện, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của viên chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo ông Vương Quyền, lãnh đạo đơn vị cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát theo quý, năm và theo chuyên đề nhằm kịp thời phát hiện những sai sót hoặc chưa đúng trong quá trình thực hiện để điều chỉnh.
Ngoài ra, lãnh đạo đơn vị cần phải có sự linh hoạt điều chỉnh chiến lược phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng, rà soát, định kỳ đánh giá lại hiệu quả, từ đó cải tiến Đề án vị trí việc làm của đơn vị. "Người lãnh đạo, quản lý có vai trò rất lớn trong thực hiện và giám sát đề án"- ông Vương Quyền nhìn nhận.
Hội thảo cũng ghi nhận ý kiến trao đổi của nhiều đơn vị trong khối.
Kết luận hội thảo, TS - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, Khối trưởng Khối thi đua 5 cho biết việc xây dựng Đề án vị trí việc làm gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, trong quá trình thực hiện, vướng mắc tới đâu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ đến đó.
Bà Thạch Mai Hương, Chánh Văn phòng Báo Pháp Luật TP HCM cho hay đơn vị rất quan tâm xét thăng hạng viên chức cho cán bộ, công nhân viên, phóng viên.
Theo bà Thạch Mai Hương, việc này có thuận lợi khi Nghị định 115/2020 có quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các thông tư do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành được quy định rõ ràng, cụ thể các tiêu chuẩn về nhiệm vụ; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ... tạo điều kiện cho viên chức, người lao động soi chiếu để hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn còn thiếu, tạo điều kiện thuận lợi khi đủ điều kiện xét thăng hạng viên chức.
Tuy nhiên, việc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cũng gặp khó khăn khi Thông tư 13/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức… mà không phân biệt hạng.
"Phóng viên, biên tập viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên hạng III của Báo Pháp Luật TP HCM và các cơ quan báo chí khác có được sử dụng chứng chỉ hạng III khi dự xét thăng hạng viên chức các hạng II và I không, hay phải tham dự khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo khung chương trình mới của Bộ Thông tin và Truyền thông mới được tham dự xét nâng hạng viên chức cao hơn"- bà Thạch Mai Hương đặt vấn đề.
Từ đó, bà Thạch Mai Hương kiến nghị các cơ quan có liên quan cần có văn bản hướng dẫn về việc chứng chỉ bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên hạng III có được sử dụng để phục vụ cho việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn (hạng II, I).
Bình luận (0)