Không chỉ trong giai đoạn khó khăn gần đây mà cả chặng đường 20 năm qua, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã rất kiên cường, nỗ lực đồng hành với Chính phủ để duy trì hoạt động, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trách nhiệm then chốt
Luật DN ra đời năm 1999, có hiệu lực từ năm 2000 và được sửa đổi vào các năm 2005, 2014 có thể coi là dấu mốc đặc biệt quan trọng, mở ra con đường cho DN được "tự do kinh doanh theo pháp luật". Cùng với đó, hệ thống pháp luật liên quan được điều chỉnh phù hợp cũng góp phần khơi thông điểm nghẽn, nâng cao vai trò của doanh nhân, kích thích tinh thần kinh doanh và tạo đà cho sự phát triển kinh tế đất nước thời kỳ sau đổi mới.
Dấu mốc tiếp theo gắn với sự phát triển nhanh của cộng đồng DN là những năm 2014-2018, khi Chính phủ mạnh tay cắt giảm thủ tục, điều kiện kinh doanh với thông điệp quyết tâm kiến tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi. Nhờ đó đã góp phần hình thành lực lượng DN đông đảo trên thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng; có mặt ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trong 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), số DN thành lập mới đã đạt hơn 1,88 triệu; số DN thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng đội ngũ doanh nhân - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình. "Cổ nhân có câu "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước không thể thịnh vượng" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sứ mệnh tiên phong
Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và DN, trong đó tiêu biểu là Luật Đầu tư năm 2005, được ban hành đã tháo gỡ, khơi thông nhiều điểm nghẽn. Nếu như trước đây, với cơ chế "chọn cho", DN chỉ được phép kinh doanh những gì nhà nước cho phép thì với Luật Đầu tư năm 2005, danh mục "chọn bỏ" cho phép DN được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm. Luật này cùng với Luật DN năm 2005 đã tạo ra hệ thống pháp luật đầu tư chung áp dụng thống nhất cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội cho DN phát triển, vươn mình trở thành DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và vươn ra toàn cầu.
Xác định DN lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ "khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế".
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) hoàn thiện Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển DN dân tộc nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ". Mục tiêu là hình thành lực lượng DN dân tộc có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu...
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ DN và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Song song đó là đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến, chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, kinh tế số, kinh tế xanh. Từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, các sản phẩm được phát triển bởi con người Việt Nam, được làm bởi DN Việt Nam và tại Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, để hình thành, phát triển thế hệ DN lớn, DN dân tộc, cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù tương tự cơ chế, chính sách đặc thù được áp dụng thí điểm cho một số địa phương. Bên cạnh đó là lưu ý xây dựng tiêu chí cụ thể về DN lớn, DN dân tộc, DN dẫn dắt dựa theo đóng góp cho nền kinh tế, ngân sách và xã hội, tránh đánh đồng hoặc thiếu công bằng.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Khu vực DN nhỏ và vừa những năm qua đã tăng mạnh về số lượng song vẫn cần thêm trợ lực để duy trì hoạt động và phát triển bền vững. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã có nhưng điều kiện để DN tiếp cận còn ngặt nghèo, chính sách có phần chưa cụ thể. Do đó, cần tiếp tục tháo gỡ để bảo đảm chính sách thân thiện với DN, thực thi chính sách khả thi, đồng thời tăng cường giám sát việc thực thi, tuân thủ pháp luật.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN nhưng hàng loạt vấn đề cần đặt ra: Quỹ hoạt động có hiệu quả không, có giải ngân được không? Tiêu chí để DN tiếp cận ra sao? DN có tiếp cận được không, nếu không thì vấn đề nằm ở đâu?...
Cộng đồng DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng kỳ vọng được tiếp cận những dịch vụ hỗ trợ hiệu quả như đào tạo nguồn nhân lực, cập nhật hệ thống pháp lý, thủ tục hành chính... bên cạnh chính sách nhà nước về đất đai, vốn.
Theo Bộ KH-ĐT, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng hành với DN theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện...". Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng, hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với DN; đẩy lùi hiện tượng tiêu cực, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho DN...
Đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến nay cả nước có hơn 930.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 HTX và hơn 9 triệu hộ kinh doanh.
Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng DN, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dự báo cả năm nay, số DN thành lập mới có thể vượt con số 159.000 của năm 2023 và là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục. "Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các chính sách, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đang dần phát huy hiệu quả, củng cố niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng DN" - VCCI nhìn nhận.
Ý KIẾN:
. Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT:
Niềm tin của doanh nghiệp được củng cố
Theo một khảo sát nhanh gần đây, tình hình doanh nghiệp (DN) đã lạc quan hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Theo đó, tỉ lệ DN đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, DN còn một số hạn chế, tồn tại; tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Phần lớn DN có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược. Số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít.
Chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn, sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư. Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững; không chỉ phát triển các ngành kinh doanh truyền thống mà còn thu hút đầu tư và tạo bứt phá cho các ngành công nghiệp tiên phong; không chỉ tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên mà phải dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo...
. Bà NGUYỄN THỊ HỒNG, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Doanh nghiệp là bạn đồng hành của ngân hàng
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường kinh doanh đối với DN, Ngân hàng Nhà nước luôn kiên định vượt qua mọi khó khăn để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối song song với chú trọng cải cách hành chính...
Chúng tôi xác định DN là bạn đồng hành bởi DN vừa là người gửi tiền vừa là người đi vay trong hệ thống. Các giải pháp, chính sách của chúng tôi đều hướng đến DN và người dân theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Mỗi khi nền kinh tế khó khăn, người dân và DN gặp khó, hệ thống ngân hàng đều quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ. Chẳng hạn, trong đại dịch COVID-19 hay giai đoạn nhiều biến động vừa qua, chúng tôi đã cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho DN...
Ngân hàng cũng chính là DN nhưng vẫn hết sức chia sẻ với khách hàng, dù các tổ chức tín dụng không được hưởng chính sách hỗ trợ tài chính nào. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng là trung gian tài chính, huy động tiền để cho vay nên vẫn phải thực hiện các nguyên tắc, kỷ luật tài chính. Việc thực hiện khoanh vùng an toàn của các tổ chức tín dụng cũng chính là để giữ môi trường kinh doanh ổn định cho DN và người dân.
. Ông NGUYỄN VĂN THÂN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam:
Gia tăng số lượng "đàn sếu"
Hiệu quả của các dự án đầu tư công được khẳng định rất rõ, đó là đem lại cơ hội thu hút đầu tư và việc làm cho DN và người lao động. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét có một đề án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong người dân để phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất hấp dẫn.
Bên cạnh đó, DN Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực triển khai và kiểm soát các dự án lớn. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các DN tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua công nghệ, thuê chuyên gia... Điều này một mặt giúp giảm chi phí, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu.
Số lượng DN lớn hiện chỉ chiếm 3%, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù để tập trung phát triển một lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn. Mặt khác, tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho DN vừa để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo DN nhỏ, siêu nhỏ đi lên. Với 5 triệu hộ kinh doanh - đông gấp 6 lần lực lượng DN, chúng tôi kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng luật riêng, trong đó có tiêu chí chuyển đổi thành DN.
. Bà LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA):
Bản lĩnh vượt khó, chủ động hòa nhập
Các DN sản xuất lương thực - thực phẩm TP HCM đã đóng góp 15% tổng sản lượng cả nước; xuất khẩu sang 100 quốc gia, vùng lãnh thổ; tốc độ phát triển bình quân 7%/năm. Nhiều nhà máy đã được đầu tư máy móc ngang tầm khu vực Đông Nam Á.
Tín hiệu vui năm nay là đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu của các DN đều phục hồi. Trong đó, mảng xuất khẩu có thêm nhiều đơn hàng mới, bảo đảm cho DN sản xuất đến năm 2025.
DN, doanh nhân Việt Nam những năm gần đây trải qua nhiều thăng trầm do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, song họ vẫn đủ bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng công nhận lực lượng doanh nhân, DN có đóng góp quan trọng vào kinh tế đất nước và các chính sách, đãi ngộ đã tạo cú hích cho DN phát triển.
Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh. Các DN hội viên FFA đang chủ động thích ứng, chuyển đổi để hòa nhập nếu không muốn mình bị giới hạn.
. Ông NGUYỄN VĂN TRÍ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Lập Phúc:
Cần công bằng cho doanh nghiệp Việt
Tôi cho rằng việc phát triển DN, phát triển kinh tế cũng giống như trồng cây. Để cây phát triển tốt thì quan trọng nhất là phải có đất và môi trường phù hợp. Tương tự, đất nước muốn phát triển thì Chính phủ phải có chính sách thu hút DN đầu tư; tạo điều kiện cho DN làm ăn để tạo ra của cải và thặng dư xã hội. Mỹ, Nhật, Trung Quốc... đang làm rất tốt vai trò "bà đỡ" hỗ trợ DN gia tăng nội lực, mở rộng làm ăn trong nước và vươn ra nước ngoài.
DN Việt có đủ trình độ, đủ năng lực tham gia các chuỗi cung ứng cao cấp, hiện đại nhất thế giới. Để có thêm nhiều DN, thương hiệu Việt trở thành thương hiệu mạnh trên toàn cầu, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, trong đó bao gồm hỗ trợ chính sách thu hút đầu tư. Thực tế, các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đã kéo theo cả hệ sinh thái khép kín về công nghiệp hỗ trợ, cung ứng sản phẩm, linh kiện; rất ít DN Việt có thể chen chân vào. Cuộc cạnh tranh vì vậy không công bằng cho DN Việt.
. TS NGUYỄN QUỐC VIỆT, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
Tăng tốc để tăng trưởng xanh
Việt Nam đã cam kết đạt mức khí thải 0% vào năm 2050 và để đạt được điều này, cần nhanh chóng chuyển đổi xanh. Các DN xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu đang chịu áp lực khi hàng loạt tiêu chuẩn xanh tạo rào cản đối với hàng Việt. DN sản xuất sản phẩm thải nhiều carbon ra môi trường nếu không có kế hoạch giảm lượng khí thải sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị trường. Người tiêu dùng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.
DN trong các khu công nghiệp cũng cần giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng và sở hữu "chứng chỉ xanh" chứng minh cho lộ trình giảm phát thải, bên cạnh việc thực hành đầy đủ các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị). Đồng thời, chủ động tìm hiểu về chính sách chuyển đổi xanh, thường xuyên cập nhật các chính sách xanh liên quan sản phẩm và dịch vụ.
. TS ĐỖ THIÊN ANH TUẤN, giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý ĐH Fulbright Việt Nam:
Xốc lại tinh thần doanh nhân
Tinh thần doanh nhân gần đây bị ảnh hưởng, một số doanh nhân đang "co lại", chưa dám mạnh dạn bứt phá. Để xốc lại tinh thần doanh nhân, nhà nước cần có những thông điệp rõ ràng để động viên họ; sau đó là cụ thể hóa bằng hành động, cam kết cụ thể nhằm lấy lại niềm tin.
Về chính sách hỗ trợ DN, cần thay đổi cách làm để DN có thể tiếp cận được, thay vì chính sách như một "ma trận" hay có chính sách nhưng lại quá chặt. Chính sách hỗ trợ của chúng ta không chấp nhận dù chỉ 1% sai sót trong thực thi, trong khi nếu chấp nhận 10%-20% sai sót thì vẫn đúng 80% và DN thụ hưởng được.
Để tiếp sức, hỗ trợ DN, cần có sự thay đổi về tư duy, chấp nhận một tỉ lệ sai sót, đổi lại là tăng cường năng lực giám sát và cạnh tranh; công khai, minh bạch quy trình hỗ trợ DN để cùng nhau giám sát chéo, giảm trục lợi.
Nhóm phóng viên ghi
Bình luận (0)