icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xây dựng hệ sinh thái việc làm an toàn, bền vững

Vĩnh Tùng

Mỗi dịp hè đến, nhu cầu tìm việc làm thêm của sinh viên (SV) và người lao động (NLĐ) tăng mạnh.

Đây là khoảng thời gian lý tưởng để SV tích lũy kinh nghiệm, tăng thu nhập, còn NLĐ tranh thủ kiếm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, lợi dụng tâm lý cần việc, ít kinh nghiệm và thiếu thông tin, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng để lừa đảo, khiến không ít người rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Một trong những hình thức lừa đảo phổ biến là đăng tuyển dụng "việc nhẹ, lương cao" trên mạng xã hội, các nhóm tìm việc, hay dán tờ rơi ở khu vực gần trường học, khu dân cư. Những công việc này thường không yêu cầu trình độ, thời gian linh hoạt, thu nhập hấp dẫn. Khi người tìm việc liên hệ, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu đóng một khoản "phí giữ chỗ", "phí đồng phục" hoặc "phí đào tạo". Sau khi nhận tiền, chúng lập tức cắt đứt liên lạc hoặc đưa ra những công việc không đúng như quảng cáo. Nguyên nhân của thực trạng này trước hết là do sự thiếu kinh nghiệm, chủ quan và thiếu kiến thức của SV lẫn NLĐ. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội, các nền tảng tìm việc trực tuyến chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến các thông tin giả mạo dễ dàng lan truyền. Nguyên nhân khác đến từ sự thiếu hiệu quả trong công tác quản lý của cơ quan chức năng và thiếu sự chủ động cảnh báo từ phía nhà trường, địa phương, doanh nghiệp (DN).

Luật Việc làm (sửa đổi) 2025 vừa được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-1-2026) không đặt ra các chế tài xử phạt trực tiếp đối với hành vi lừa dối tuyển dụng lao động (ví dụ: quảng cáo sai sự thật về vị trí, yêu cầu đặt cọc tiền…). Tuy nhiên, một số nội dung trong luật này định hướng gián tiếp hỗ trợ giảm thiểu rủi ro lừa đảo tuyển dụng, cụ thể: Phát triển dịch vụ việc làm công miễn phí; số hóa thị trường lao động và minh bạch hóa dữ liệu; hỗ trợ vay vốn và đào tạo nghề. 

Theo các chuyên gia lao động - việc làm, để ngăn chặn hành vi lừa đảo việc làm, trước tiên, cần xây dựng một hệ sinh thái việc làm an toàn, bền vững dành cho SV và NLĐ, được vận hành bởi Nhà nước hoặc đơn vị uy tín, kết nối trực tiếp DN và NLĐ. Thay vì để SV, NLĐ "tự bơi" trên mạng xã hội hay các trang tuyển dụng rác, việc hình thành một nền tảng trung gian được kiểm duyệt sẽ giúp loại bỏ các cá nhân, tổ chức giả mạo, tạo môi trường tuyển dụng minh bạch và tin cậy. Thiết lập mối liên kết ba bên: trường học - DN - chính quyền địa phương để tạo ra nguồn cung việc làm thêm chất lượng cho SV và NLĐ.

Song song đó, cũng nên tính toán đến việc triển khai hệ thống cảnh báo cộng đồng (qua app, website, mạng xã hội) nơi SV và NLĐ có thể đánh giá, chia sẻ trải nghiệm và cảnh báo nhau về các công ty, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo. Tận dụng sức mạnh cộng đồng sẽ tạo ra "bộ lọc xã hội" tự vận hành, giúp người sau tránh được sai lầm của người trước. Tóm lại, giải pháp căn cơ không chỉ nằm ở xử phạt mạnh tay hay tuyên truyền, mà là đầu tư vào con người, hệ thống và chính sách dài hạn. Khi SV, NLĐ nâng cao ý thức cảnh giác, Nhà nước và nhà trường đóng vai trò điều tiết, hỗ trợ, đi cùng là nền tảng số minh bạch - đó mới là "vắc-xin bền vững" chống lại hành vi lừa đảo việc làm. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo