Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phối hợp triển khai dự án xây dựng KCN kiểu mẫu, KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành. Đây là dự án đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt, Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thời gian thực hiện từ năm 2023-2027. Đây cũng là định hướng phát triển các KCN của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong tương lai.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Với sự tích hợp các giải pháp năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý môi trường hiện đại và mô hình quản lý thông minh, KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng (thị xã Phú Mỹ) được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn là 2 KCN tiếp theo chuyển đổi sang mô hình kiểu mẫu, thông minh theo định hướng sinh thái.
Sau KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3, KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng, do Tổng Công ty IDICO làm chủ đầu tư, được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lựa chọn để thực hiện dự án với mong muốn xây dựng các KCN không chỉ hiện đại về hạ tầng mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, hướng tới hệ sinh thái bền vững. Mục tiêu mà tỉnh hướng đến là trở thành địa phương tăng trưởng xanh tiên tiến trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam qua việc đi đầu trong phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo "Hướng dẫn kỹ thuật và xây dựng KCN kiểu mẫu, KCN thông minh định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành KCN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu" mới đây, các nhà đầu tư thứ cấp đã được nhiều chuyên gia thông tin về những mô hình mới; chính sách ưu đãi (về thuế, đất đai, nhà ở công nhân), cũng như tiêu chí xây dựng KCN sinh thái... Họ cũng được nắm bắt về sự hỗ trợ kỹ thuật từ JICA để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh khi xây dựng KCN sinh thái trên địa bàn.
Theo đó, các chuyên gia Nhật Bản sẽ hỗ trợ chủ đầu tư và các doanh nghiệp (DN) thứ cấp trong KCN thiết lập công nghiệp cộng sinh; xây dựng hệ thống giám sát KCN sinh thái; thúc đẩy hệ thống quản lý năng lượng; xây dựng lộ trình trung hòa carbon. DN sẽ nhận được sự hỗ trợ cụ thể, như chuẩn bị hồ sơ đăng ký KCN sinh thái và DN sinh thái; đề xuất những ưu đãi cho KCN và DN sinh thái tại Bà Rịa - Vũng Tàu; giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước, khí nhà kính thông qua trực quan hóa hiệu suất môi trường của nhà máy bằng đồng hồ thông minh…
Ông Yuji Aoyagi, chuyên gia của JICA, đã giới thiệu về mô hình tại thị trấn sinh thái Kita, vùng Kyushu - Nhật Bản, nơi từng ô nhiễm nghiêm trọng, sau đó được chuyển đổi. Đến nay, đây là một mô hình toàn diện, nơi mọi hoạt động sản xuất diễn ra bình thường nhưng vẫn kiểm soát được mức độ ảnh hưởng đến môi trường. Mô hình này đã cắt giảm được 2.000 tấn CO2/năm và trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với hàng triệu lượt du khách tham quan.
Xu hướng tất yếu
Hiện nay, ngày càng có nhiều nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn toàn cầu, hướng đến mục tiêu xanh. Điều đó đang đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chí môi trường, công nghệ và hạ tầng xã hội trong quá trình đầu tư, phát triển. Các nhà đầu tư này lựa chọn KCN không chỉ với mục tiêu thuận lợi, vị trí địa lý hay quy mô mà còn phải có khả năng đáp ứng được tiêu chí xanh và thông minh, thể hiện qua việc sử dụng công nghệ, chuẩn mực bảo vệ môi trường cao, coi trọng người lao động.
Sở hữu vị trí chiến lược tại Bà Rịa - Vũng Tàu, gần cụm cảng nước sâu Thị Vải - Cái Mép, KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng có lợi thế lớn trong kết nối và logistics. Việc phát triển theo mô hình KCN thông minh định hướng sinh thái không chỉ giúp các DN tại đây đáp ứng những tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe mà còn tạo ra hệ sinh thái sản xuất bền vững, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải, hướng tới Net Zero của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cả nước.
Ông Mai Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc IDICO, cho biết công ty đang sở hữu và vận hành hệ thống 12 KCN với tổng diện tích gần 4.000 ha, trải dài từ Bắc vào Nam. Việc chuyển đổi KCN Phú Mỹ II và Phú Mỹ II mở rộng sang KCN kiểu mẫu, sinh thái không chỉ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng mà còn là nền móng cho định hướng phát triển các KCN thông minh kiểu mẫu của IDICO trong thời gian tới.
Theo ông Võ Thanh Phong, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyển đổi KCN sinh thái là quy luật tất yếu trên thế giới và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không ngoại lệ. Thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh, chống biến đổi khí hậu, Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai nhiều giải pháp và đây là dự án có vai trò quan trọng, mang nhiều ý nghĩa về kinh tế - xã hội.
Cụ thể, các DN tham gia dự án được tham gia sâu hơn chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc áp dụng những biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên, xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp, giảm thải các nguồn gây ô nhiễm, nâng cao phương án sản xuất thân thiện môi trường. Từ đó, DN có thể tiết kiệm chi phí; tối ưu hóa, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào; tối ưu hóa giá trị sản phẩm đầu ra; kiểm soát chất thải, bảo vệ môi trường bền vững...
Ưu tiên dự án thân thiện với môi trường
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030, địa phương này có 24 KCN với diện tích 16.052 ha. Đất KCN phân bổ chỉ tiêu sử dụng đến năm 2030 là 10.755 ha.
Ngoài 13 KCN đang hoạt động, tỉnh có 1 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (KCN Dầu khí Long Sơn); 2 KCN đang làm thủ tục đầu tư và 7 KCN vừa được thêm vào quy hoạch. Các KCN hiện có 606 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong tổng thể mục tiêu, Bà Rịa - Vũng Tàu đặc biệt ưu tiên thu hút các dự án thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận (0)