Việt Nam bước vào năm 2025 với nhiều mục tiêu đầy khát vọng mới về công nghệ - một trong những nền tảng để phát triển đất nước vươn tầm thế giới. Và công nghệ không thể phát triển nếu không được nghiên cứu và phát triển (R&D) liên tục.
Đầu tư còn dàn trải
Với mục tiêu sớm trở thành một trung tâm kỹ thuật số, trung tâm công nghệ cao hàng đầu khu vực và vươn tầm toàn cầu, hoạt động R&D Việt Nam cần làm ra và sở hữu được những công nghệ tiên tiến, không thể để bị "mắc kẹt" với hoạt động lắp ráp, gia công.
Cho đến nay, do nhiều lý do, mức đầu tư R&D của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Theo số liệu của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng chi quốc gia cho R&D của Việt Nam năm 2021 là 36.066 tỉ đồng (bằng 0,42% GDP), trong đó ngân sách nhà nước là 11.137,9 tỉ (chiếm hơn 30%), nguồn lực xã hội chiếm gần 70%. Có nguồn cho biết vào năm 2023, tỉ lệ chi quốc gia cho R&D của Việt Nam xếp hạng 66 thế giới và đầu tư còn quá dàn trải, phân tán, thiếu hiệu quả...
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những động thái theo hướng đẩy mạnh lĩnh vực R&D. Vào cuối tháng 10-2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) đã được khánh thành, đóng vai trò nền tảng trung tâm cho các hoạt động R&D ở cấp quốc gia. Nhiều "ông lớn công nghệ" quốc tế như Intel, Samsung, Qualcomm… và mới nhất là NVIDIA đã đặt hoạt động R&D của mình tại Việt Nam. Cuối tháng 9, nhân chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Apple, Meta, Supermicro… và khuyến khích họ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất. Cụ thể, đề nghị Apple nghiên cứu thành lập R&D tại Trung tâm NIC. Tháng 12-2022, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D Hà Nội với quy mô đầu tư 220 triệu USD, Trung tâm R&D này không chỉ là trung tâm hàng đầu ở Đông Nam Á, mà còn là một trong những trung tâm R&D lớn nhất thế giới.
Mới nhất là sự kiện Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp bán dẫn NVIDIA ngày 5-12-2024 đã ký kết thành lập Trung tâm R&D AI tại Việt Nam (VRDC) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước. VRDC là một trong 3 trung tâm R&D của NVIDIA trên toàn cầu và dự kiến có khoảng 130 nhân sự. NVIDIA hiện làm việc với 65 trường đại học và hơn 100 công ty khởi nghiệp AI tại Việt Nam thông qua NVIDIA Inception - một chương trình toàn cầu được thiết kế để giúp các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh hơn.
TP HCM xác định vai trò của công nghệ trong hành trình phát triển thành phố trở thành một trung tâm công nghệ. Tháng 9-2024, TP HCM đã khánh thành Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (HCMC C4IR) để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tiên tiến. Đây là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á, sau Malaysia và là một phần của mạng lưới các trung tâm C4IR toàn cầu của WEF. Được xây dựng trên mô hình đầu tư hợp tác công - tư, với những thành viên sáng lập là UBND TP HCM cùng những đơn vị và doanh nghiệp lớn như Đại học Quốc gia TP HCM, Viettel, CMC, Sovico, HDBank, Techcombank…, C4IR xác định triển khai 5 lĩnh vực trọng tâm, bao gồm: AI và hệ sinh thái AI; bán dẫn và hệ sinh thái bán dẫn; sản xuất thông minh/tiên tiến - chuyển đổi số/số hóa; tăng trưởng xanh, bền vững; lĩnh vực tài chính dự án, tài chính xanh.
Góp gạo nấu cơm chung
Với năng lực và điểm xuất phát của mình, Việt Nam không thể tự mình làm R&D quy mô toàn cầu. Bằng cách làm "góp gạo nấu cơm chung", việc hợp tác R&D cùng các "ông lớn công nghệ" của thế giới, Việt Nam có thể khai thác kinh nghiệm, nền tảng và thiết bị của đối tác quốc tế để kết hợp với nguồn nội lực của mình là nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Đây cũng là những chiếc nôi đào tạo nhân lực R&D, phát triển nhân tài R&D cho Việt Nam. Yếu tố then chốt là các chính sách phù hợp, có tính thu hút cao. Có một lợi thế không thể phủ nhận là với hình thức hợp tác, Việt Nam có thể khai thác quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của đối tác để đưa chất xám của mình ra thế giới, có thể ứng dụng các thành quả R&D trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, để tránh việc hợp tác chỉ phục vụ cho nội bộ hoạt động của đối tác, nhà nước cần có chiến lược và các chính sách thu hút chất xám từ nước ngoài và khai thác tối đa nguồn lực chất xám của Việt Nam. Các công ty công nghệ, đặc biệt là các công ty lớn, phải xây dựng lực lượng R&D của mình đủ mạnh để sở hữu những thành quả công nghệ tiên tiến "Made in Vietnam" có đủ chất lượng để vừa sử dụng cho nội địa vừa có giá trị ứng dụng trên trường quốc tế. Cái này rõ ràng cần có định hướng và các chính sách phù hợp.
Điều đáng mừng là trong những năm qua, xuất phát từ nhu cầu phát triển của bản thân, các "ông lớn công nghệ" của Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, CMC, Vingroup… đều đầu tư mạnh cho R&D và đã thu được nhiều hoa thơm trái ngọt cả trong nước lẫn quốc tế. Nhưng bên cạnh đó, chủ đạo và bền vững vẫn là phát triển những trung tâm R&D của nhà nước mang tầm cỡ quốc gia chuyên ngành và đa ngành. Đó chính là nơi có nhiệm vụ tạo ra những dấu ấn công nghệ Việt Nam.
Sinh viên tiếp cận công nghệ 5G/6G
Ngày 27-12, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) khai trương phòng thí nghiệm nghiên cứu 5G/6G. Phòng thí nghiệm này được Viettel hỗ trợ nhằm phục vụ nghiên cứu các công nghệ nền tảng cho mạng 5G, hướng tới 6G. Phòng thí nghiệm gồm một hệ thống mạng viễn thông 5G Stand-alone (kiến trúc mạng 5G sử dụng đầy đủ các công nghệ lõi, không phụ thuộc 4G) hoàn chỉnh do Viettel nghiên cứu phát triển từ mạng lõi (xử lý dữ liệu) đến vô tuyến (kết nối với thiết bị đầu cuối).
Các nhóm nghiên cứu HUST sẽ sử dụng phòng thí nghiệm để phục vụ nghiên cứu các công nghệ lõi của kết nối không dây thế hệ mới như định hướng tín hiệu vô tuyến, giúp cải thiện hiệu suất truyền dẫn với thiết bị đầu cuối... Đây là các công nghệ phục vụ các ứng dụng của 5G như công nghiệp tự động hóa, điều khiển tự động, xe tự lái, phẫu thuật y tế từ xa.
T.Phượng
Bình luận (0)