Có nhiều vấn đề lớn về xây dựng nền văn hóa dân tộc cần phải tiếp tục bàn thảo để đưa ra các giải pháp căn cơ, lâu dài và thực chất hơn. Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết này, tôi chỉ đề cập những hành vi, cách cư xử trong mối quan hệ công tác, giao dịch, trao đổi phối hợp công việc, tiếp xúc với người dân, tổ chức của các cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, việc này tuy nhỏ nhưng góp phần thay đổi nhận thức cũng như xây dựng văn hóa.
Thông thường chỉ cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng mới thực hiện quyền triệu tập theo mẫu quy định. Thế nhưng hiện nay, một số cơ quan nhà nước khi mời người dân, tổ chức đến làm việc hoặc giải quyết vụ việc nào đó, kể cả về dân sự, hành chính đều theo kiểu mệnh lệnh, phát hành giấy triệu tập thay vì phát hành giấy mời.
Trong các vụ án hình sự, đối với một số người liên quan như giám định viên, người phiên dịch, nhân chứng... cũng phát hành giấy triệu tập. Ngoài ra, nhiều cơ quan cấp trên khi mời cán bộ, công chức cấp dưới làm việc hoặc tham gia hội nghị, hội thảo vẫn lạm dụng phát hành giấy triệu tập!
Về bản chất tuy cũng là mời người dân đến làm việc nhưng nếu theo hình thức giấy triệu tập thì đem lại cảm giác nặng nề bởi sự quan liêu, mệnh lệnh hành chính một cách không cần thiết. Thậm chí, gây ức chế tâm lý, phản ứng tiêu cực cho người được mời làm việc, tham dự hội nghị.
Việc xây dựng văn hóa còn phải thực hiện nhiều giải pháp, lâu dài, tuy vậy cũng cần bắt đầu từ những cư xử nhỏ từ cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện văn hóa công vụ, sự gần gũi, phép lịch sự của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với người dân, tổ chức. Mặt khác, thể hiện thiện chí, gây thiện cảm tốt với người dân khi phải đến cơ quan nhà nước làm việc. Từ đó tạo ra hiệu ứng tốt, hiệu quả trong giải quyết công việc.
Bình luận (0)