Theo phương án phát triển khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Bình Dương, đến năm 2030, địa phương sẽ có 43 KCN với tổng diện tích khoảng 18.600 ha. Trong đó, tiếp tục thực hiện 33 KCN theo quy hoạch trước đây với 27 KCN hiện hữu có tổng diện tích đã lấp đầy khoảng 10.283 ha và 6 KCN có trong quy hoạch quốc gia cùng với chuẩn bị đầu tư thực hiện 10 KCN đề xuất mới.
Dành hàng chục ngàn ha đất cho công nghiệp
Cụ thể, giai đoạn 2023-2025, Bình Dương dự kiến đầu tư 2 KCN, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.000 ha, gồm KCN chuyên ngành cơ khí diện tích khoảng 800 ha, để thu hút các ngành cơ khí ô tô nhằm tạo tiền đề phát triển công nghiệp của tỉnh theo hướng công nghệ cao, tự động hóa ít thâm dụng lao động và KCN Tân Lập I với diện tích 200 ha để thu hút ngành nghề gỗ.
Giai đoạn 2026-2030, triển khai 8 KCN tiếp theo ở các huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo với diện tích quy hoạch mới trên 6.000 ha. Hiện KCN VSIP III (giai đoạn 2) đang tiến hành hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sẵn sàng mặt bằng sạch để đón thêm dòng vốn mới.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết việc địa phương sẽ làm ngay sau khi công bố quy hoạch tỉnh là triển khai KCN công nghệ thông tin và KCN Cây Trường để tiếp tục thu hút vốn đầu tư các doanh nghiệp công nghiệp thế hệ mới. Tỉnh đang dành 20.000 ha phát triển đô thị và 25.000 ha đất để phát triển công nghiệp.
Với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh. Đặc biệt, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ thành lập KCN công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Ông Mai Hùng Dũng cho rằng việc xây dựng các KCN thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phát triển KCN xanh cũng giúp địa phương tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng đến thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2050.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho hay để đón làn sóng KCN phía Nam di dời lên phía Bắc của tỉnh, trong đó có huyện Phú Giáo, địa phương đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, huyện Phú Giáo có 18 cụm công nghiệp và 4 KCN, với diện tích hơn 3.000 ha, tất cả các KCN đều nằm trên tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng nên kết nối giao thông liên vùng rất thuận tiện.
Theo ông Đồng, dự kiến cuối năm 2024, Phú Giáo sẽ động thổ Cụm công nghiệp Tân Lập 2, với quy mô 50 ha để đón những doanh nghiệp đầu tiên di dời từ phía Nam lên, sau đó huyện sẽ tiếp tục triển khai các khu, cụm công nghiệp khác. "Các doanh nghiệp di dời về đây yêu cầu phải thay đổi thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ để làm sao giảm lực lượng lao động, phát triển công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, công nghệ cao… tạo động lực phát triển mới" - ông Đồng nói.
Sẵn sàng chào đón "đại bàng"
Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai là trọng điểm trong phát triển công nghiệp. Tỉnh hiện có 33 KCN đã được thành lập với tổng diện tích đất 10.500 ha; trong đó, có 31 KCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 1.600 dự án với trên 34,8 tỉ USD vốn FDI đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ có 48 KCN và 31 cụm công nghiệp. Trong 5 đột phá chiến lược, tỉnh xác định xây dựng các KCN xanh, giảm phát thải carbon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao…
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nền tảng cho ngành công nghiệp bứt phá trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là ứng dụng khoa học kỹ thuật. Trong giai đoạn 2021-2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Giai đoạn 2026-2030, Đồng Nai phấn đấu là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ cho rằng tỉnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao với những cấu phần chính gồm các KCN chuyên ngành, công nghệ cao, sinh thái; dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trung tâm nghiên cứu phát triển, công viên khoa học; trung tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Định hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Trong cơ cấu ngành nghề, chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: Công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố, tỉnh hoạch định, phân bổ lại không gian, dành đất cho phát triển bền vững, không thu hút ồ ạt mà chọn lọc các dự án phát triển bền vững.
Đồng thời, đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để mở rộng các KCN đã được phê duyệt, khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt để thành lập các KCN mới nhằm kịp thời bổ sung quỹ đất sạch, sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư lớn.
Tín hiệu vui
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai mới đây, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỉ đồng (6,2 tỉ USD).
Trong đó, lĩnh vực phát triển KCN, tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp tại huyện Long Thành do Công ty CP Bàu Cạn Tân Hiệp làm chủ đầu tư với diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 9.252 tỉ đồng; dự án KCN Long Đức 3 (huyện Long Thành), diện tích 244,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.800 tỉ đồng.
Bình luận (0)