Ngày 26-3, tại trụ sở Công an quận 10, Chi đoàn CSGT - Trật tự Công an quận 10 phối hợp với Chi đoàn CSGT Bàn Cờ (Phòng CSGT Công an TP HCM) tổ chức tuyên truyền công tác tổ chức, quản lý, sử dụng đèn, còi ưu tiên của xe cứu thương đến với đội ngũ nhân viên cùng 20 tài xế xe cấp cứu thuộc Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện, Bệnh viện Trưng Vương và Phòng khám Hòa Hảo.
Theo đó, các tài xế được phổ biến kiến thức pháp luật liên quan theo Nghị định 109/2009 (quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên); Thông tư 27/2017 của Bộ Y tế (quy định tiêu chuẩn và sử dụng xe cứu thương), Thông tư Liên tịch 04/2012 của Bộ Công an, Bộ Công thương (quy định về thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên)…
Các tài xế xe cấp cứu đã trao đổi và được CSGT hướng dẫn xử lý một số tình huống giao thông gặp phải để bảo đảm an toàn, đúng pháp luật.
Điển hình, một tài xế của Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh hỏi trường hợp xe cứu thương vận chuyển máu đến điểm giao rồi chạy về bệnh viện của mình (đã giao y lệnh, giấy tờ liên quan để nhận máu), trên đường về bật đèn ưu tiên thì có bị CSGT kiểm tra, xử phạt không?
Một tài xế khác thuộc Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện hỏi xe cứu thương đang đi trên đường thì bị điều động gấp đi làm nhiệm vụ cấp cứu, tài xế có được phát tín hiệu ưu tiên để lưu thông trên đường không?
CSGT giải thích việc bật đèn và còi tín hiệu ưu tiên trên xe cứu thương phải thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Khi CSGT nghi vấn phương tiện phát tín hiệu sai quy định thì tài xế phải chấp hành yêu cầu kiểm tra của CSGT.
Theo đó, tài xế xe cấp cứu khi đi làm nhiệm vụ phải cung cấp được giấy tờ liên quan như giấy xác nhận của bệnh viện, hồ sơ về bệnh án của bệnh nhân, y lệnh... Trong trường hợp tài xế không cầm bản chính y lệnh, bệnh án, hồ sơ liên quan thì tài xế phải lưu giữ bản sao, ảnh chụp, chỉ định của bác sĩ… Khi CSGT kiểm tra, tài xế phải xuất trình được những giấy tờ này để không ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung.
Trung tá Nguyễn Ngọc Quí, Phó Đội trưởng Đội CSGT- TT Công an quận 10 nhấn mạnh trong mọi trường hợp, dù là xe ưu tiên nhưng tài xế xe cấp cứu phải luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Trung tá Quí cho biết thực tế đã xảy ra một số trường hợp xe cấp cứu va chạm với các phương tiện khác gây ảnh hưởng tới an toàn của bệnh nhân, tài xế lẫn người lưu thông khác.
Về việc bảo đảm an toàn giao thông liên quan xe cứu thương, thiếu tá Nguyễn Hoài Nam, Phó Đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn, bày tỏ bức xúc về tình trạng một số cá nhân thành lập các đội, nhóm tự phát đi "dẫn đường" cho xe cấp cứu đang làm nhiệm vụ.
Đại diện Đội CSGT Chợ Lớn nhìn nhận hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi hầu hết các cá nhân trên không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù "dẫn đường". Trong khi đó, tài xế xe cấp cứu được giao nhiệm vụ là những người được đào tạo bài bản.
Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam cho biết trong trường hợp khẩn cấp như cần vận chuyển một số bộ phận cơ thể để kịp "giờ vàng" điều trị, bệnh viện hoặc người có trách nhiệm có thể liên hệ với CSGT trên địa bàn để được hỗ trợ.
Chia sẻ thêm về nỗi bức xúc trên đường, các tài xế cho biết đã xuất hiện không ít trường hợp xe cấp cứu "dỏm" dán mác "từ thiện" nhưng lợi dụng cảnh khó của người bệnh và gia đình, ép họ trả tiền dịch vụ giá cao.
Theo đó, sau khi được bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tin tưởng lên xe, xe chạy được một đoạn thì các đối tượng sẽ buộc họ trả tiền rồi mới di chuyển tiếp.
Thượng úy Trương Huỳnh Tuấn Anh, cán bộ tuyên truyền Đội CSGT-TT Công an quận 10, lưu ý một số lỗi vi phạm mà tài xế xe cứu thương dễ mắc phải như: xe cứu thương phải lắp đèn tín hiệu là đèn đỏ, không được sử dụng đèn xanh đỏ; tần số còi và âm lượng chưa thực hiện đúng theo nghị định; xe quá hạn đăng kiểm; sai phạm các quy định về logo...
Bình luận (0)