Trong vòng 6 tháng, nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên Trần Ngô Minh Trí (nhóm trưởng), Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Văn Tòng - ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - đã chế tạo thành công robot xe đẩy thông minh.
Rảnh tay, tiết kiệm thời gian
Nhóm trưởng Minh Trí phụ trách phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo (AI), thị giác máy tính (Computer Vision) và hệ điều hành robot (Robot Operating System). Hoài Nam phụ trách thiết kế cơ khí, mô hình 3D cho robot, ứng dụng in 3D gia công robot, lập trình giao diện cho người dùng. Trong khi đó, Văn Tòng đảm nhận việc lập trình vi điều khiển, thiết kế thuật toán chuyển động cho robot, tính toán nguồn điện.
Xe đẩy do nhóm chế tạo có kích thước 0,4 x 0,5 m, sử dụng chất liệu chính là nhôm định hình, vận hành hoàn toàn bằng điện nên di chuyển rất nhẹ nhàng.
Theo nhóm trưởng Minh Trí, tất cả hình ảnh 2D và 3D ở phía trước xe sẽ được thu thập qua camera 3D, sau đó được đưa vào mô hình AI để nhận diện khách hàng. Bên cạnh đó, với mô hình bám theo vật thể đơn lẻ (Single Object Tracking), robot có thể bám sát khách hàng, hạn chế tối đa việc nhầm lẫn khách ở nơi đông người.
Hàng hóa khi bỏ vào giỏ xe sẽ được quét qua camera tích hợp công nghệ nhận diện ký tự quang học (Optical Character Recognition). Ngay lập tức, thông tin về sản phẩm như số lượng, giá tiền... sẽ hiển thị trên màn hình điều khiển.
"Người lớn tuổi, bà nội trợ thường có thói quen đọc thành phần dinh dưỡng ở bao bì sản phẩm và tham khảo, so sánh giá giữa các sản phẩm tương đồng. Nhờ tính năng đeo bám của AI, khách hàng sẽ rảnh tay mua sắm, không lo "lạc" mất hàng hóa" - Minh Trí thuyết minh về tính năng của xe đẩy.
Đáng chú ý, nhóm nghiên cứu còn ứng dụng thuật toán theo dõi vật thể nhằm nhận biết khách hàng đang bỏ sản phẩm vào hay lấy ra, thông báo chính xác số tiền phải thanh toán. Chỉ mất khoảng 0,2 giây để robot nhận diện, cộng/trừ tiền, sau đó thanh toán tự động thông qua mã QR nếu có liên kết với ví điện tử hoặc tài khoản ngân hàng của khách hàng.
"Tập đoàn Amazon (Mỹ) đã ứng dụng xe đẩy thanh toán tự động nhưng không có chức năng tự bám theo khách hàng như sản phẩm của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM" - Văn Tòng, thành viên nhóm, hào hứng khoe.
Một thành viên khác của nhóm - Hoài Nam - cho biết mặc dù đã cố gắng tìm vật liệu phổ biến và giá thành rẻ nhưng chi phí sản xuất xe đẩy này còn khá cao, khoảng 50 triệu đồng/chiếc. Một phần nguyên nhân là do máy tính nhúng chuyên dùng để xử lý AI có giá thành rất "chát".
Tính ứng dụng cao
Tại Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) năm 2023, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, chăm chú theo dõi phần trình diễn mua hàng và thanh toán tự động của robot xe đẩy. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao ý tưởng của nhóm nghiên cứu, đồng thời gợi ý nên nghiên cứu thêm một số hình thức thanh toán nhằm tăng tiện ích, trải nghiệm cho người dùng.
TS Bùi Hà Đức - Phó trưởng Môn Cơ điện tử, quản lý ngành Robot và AI, Khoa Cơ khí Chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM - đánh giá dự án có tính ứng dụng cao, phù hợp với định hướng phát triển thành phố thông minh của TP HCM.
"Tuy nhiên, kích thước xe đẩy hơi lớn, nếu tinh chỉnh để nhỏ gọn hơn thì sẽ phù hợp sử dụng ở nơi đông người. Ngoài ra, có thể sử dụng mạch xử lý tốc độ cao để vận hành nhanh và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, để thương mại hóa sản phẩm, cần thêm sự hỗ trợ từ phía doanh nghiệp" - TS Bùi Hà Đức góp ý.
Xe đẩy thông minh ứng dụng AI đoạt giải nhì lĩnh vực công nghệ thông tin tại cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học (Eureka) năm 2023 do Thành Đoàn phối hợp với ĐHQG TP HCM tổ chức.
Bình luận (0)