Thống kê của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho thấy tính đến đầu tháng 4-2024, thành phố có 87 điểm ô tô đón trả khách không đúng quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10-2023.
Ngang nhiên hoạt động
Trong 87 điểm xe dù, bến cóc nêu trên thì TP Thủ Đức đứng đầu với 26 điểm, kế đến là quận 5 với 20 điểm, quận 10 có 10 điểm, quận 1 có 8 điểm, quận Tân Bình 7 điểm; còn lại rải rác ở các quận 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Để ghi nhận thực trạng, ngày 9-4, chúng tôi có mặt tại số 152 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh. Nơi đây, nhiều xe giường nằm của nhà xe Long Vân thường đậu đón trả khách.
Bên trong căn nhà 152 Chu Văn An có phòng mua bán vé, nhiều hàng ghế chờ, nhà vệ sinh... Lúc 18 giờ 30 phút, một xe giường nằm của nhà xe này chở đầy hành khách dừng lại. Nhân viên nhanh chóng mở cửa, hơn 20 người bước xuống đợi lấy hành lý. Khi xe này rời đi, phương tiện khác tiến tới và lặp lại quá trình trên.
Anh N.H (ngụ TP HCM) tay mang hành lý chờ xe ôm công nghệ đến đón cho hay vừa trở về TP HCM sau chuyến đi Đà Lạt. Theo anh, "bến xe" này tồn tại khoảng 1 năm, giá vé 450.000 đồng/chuyến cho tuyến TP HCM đi Đà Lạt và ngược lại.
"Tôi thấy gần nhà thì đặt cho tiện việc đi lại chứ không nắm rõ nơi này vi phạm hay không. Tuy nhiên, tôi từng nghe nhiều người phàn nàn về địa điểm này" - anh H. cho hay.
Cách đó khoảng 2 km, ở cây xăng Lan Anh (số 220 - 222 Quốc lộ 13, phường 26, quận Bình Thạnh), hoạt động đón trả khách diễn ra nhộn nhịp. Tại nơi chỉ cách Công an phường 26 và Bến xe Miền Đông cũ 100 m này, hai nhà xe Thành Công (tuyến TP HCM - Bình Phước), Hoàng Yến (tuyến Bình Phước - TP HCM) hoạt động như bến thực thụ với bàn ghế, nhà vệ sinh phục vụ người đi, đến…
Tiềm ẩn nguy hiểm
Cũng trên Quốc lộ 13, tối nào cũng xuất hiện hành khách đợi nhà xe Kính Diên Hồng (tuyến TP HCM - Gia Lai) và nhà xe Hiếu Hà (tuyến TP HCM - Đắk Lắk) ở số 39C (cây xăng 47, phường Hiệp Bình Phước). Ở đây, shipper liên tục ra vào, người thì đứng ngồi nhốn nháo.
Quốc lộ 13 có lượng phương tiện lưu thông lớn, quá trình xe khách đột ngột ra vào "bến" tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. "Mỗi lần như thế, chúng chiếm hết lối, phương tiện khác phải nhường, lách hoặc né. Không hiểu sao đến giờ, chính quyền địa phương không biết hoặc biết nhưng không xử lý dứt khoát, dẫn tới sự lộng hành như vậy" - cô T., người dân địa phương, đặt vấn đề.
Dọc Quốc lộ 1 thuộc địa phận TP Thủ Đức, ở số 140 (cây xăng Tam Bình), số 180 (cây xăng Quốc Phong)…, phóng viên ghi nhận xe của hãng Cúc Tùng (tuyến TP HCM - Nha Trang), Minh Chánh (tuyến TP HCM - Bình Định)... thay nhau đón, trả khách, bất chấp những quy định lẽ ra phải tuân thủ nghiêm về vận tải, bến bãi.
Siết chặt kiểm tra, tìm thêm giải pháp
Thừa nhận tình trạng xe dù, bến cóc, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, nêu ra một số khó khăn khiến công tác xử lý chưa triệt để. Cụ thể, thiếu biện pháp chế tài mạnh như thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô; thẩm quyền, mức xử phạt, tạm giữ phương tiện, tịch thu tang vật vi phạm... chưa phù hợp với loại hình đô thị đặc biệt như TP HCM nên chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, việc xử lý vi phạm thông qua hình ảnh (phạt nguội) còn thủ công, chưa có quy trình tự động hoàn toàn nên chưa phát huy hiệu quả. Thêm nữa, Thanh tra Sở GTVT đang gặp khó khăn trong nhiệm vụ kiểm tra do Luật Thanh tra năm 2022 có thay đổi về hình thức thanh tra nhưng chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể.
Ông Võ Khánh Hưng cho biết từ sự việc của nhà xe Thành Bưởi vừa qua, TP HCM kiểm tra kỹ lưỡng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, đồng thời tiếp tục kết hợp với các tỉnh lân cận để xử lý nạn xe dù, bến cóc.
"Với khoảng 5.000 doanh nghiệp vận tải, muốn kiểm tra toàn diện, đưa hoạt động kinh doanh vận tải vào nền nếp phải làm lần lượt và có thời gian. Trước mắt, trong năm 2024, chúng tôi sẽ thanh tra 13 đơn vị vận tải và kiểm tra 4 đơn vị vận tải" - ông Hưng khẳng định.
Nói về tình trạng xe dù, bến cóc, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, phân tích thành phố là đô thị lớn với dân số đông, nhu cầu đi lại của người dân qua lại các tỉnh, thành mỗi ngày rất lớn. Trong khi đó, hạ tầng bến bãi không phát triển kịp, tạo ra tình trạng cung không đáp ứng được cầu nên không khó hiểu khi xe dù, bến cóc xuất hiện như trêu ngươi.
Theo TS Phạm Viết Thuận, cần nhìn nhận nhu cầu bến bãi thực tế của TP HCM lớn hơn so với quy hoạch. Điều nên làm là các cơ quan chức năng rà soát lại quy hoạch bến bãi xem đã thực hiện đến đâu, bổ sung vị trí nào cho hợp lý. Ông Thuận cho rằng nên bố trí bến bãi theo 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, mỗi hướng có bến lớn và bến phụ để người dân dễ tiếp cận.
"Song song đó, cần khảo sát những bến tạm do tư nhân lập ra, nếu hợp lý thì hợp thức hóa theo các quy chuẩn bến bãi để quản lý bài bản; tránh tình trạng xử lý xong đâu lại vào đấy như hiện nay" - TS Thuận đề xuất.
Phạt hơn nửa tỉ đồng
Theo thống kê của Phòng CSGT TP HCM, trong năm 2023, đơn vị phối hợp với công an các địa phương tuần tra, kiểm soát, xử lý trên 15.000 trường hợp vi phạm liên quan hành vi đỗ, đón trả khách không đúng quy định của xe khách. CSGT đồng thời phối hợp với Sở GTVT, các địa phương thực hiện những biện pháp chấn chỉnh vi phạm trên địa bàn.
Sở GTVT TP HCM cho biết quý I/2024, thông qua hàng loạt biện pháp, thanh tra sở đã lập biên bản 294 trường hợp với số tiền xử phạt 527 triệu đồng. Trong đó, xử phạt trực tiếp 29 trường hợp với số tiền 200 triệu đồng; qua dữ liệu hình ảnh từ hệ thống camera giám sát giao thông lập 265 biên bản, xử phạt 326,7 triệu đồng...
Cũng trong khoảng thời gian này, Sở GTVTTP HCM đã ban hành quyết định thu hồi 10.032 phù hiệu (biển hiệu) của phương tiện vi phạm tốc độ khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
Bình luận (0)