icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xử lý dự án tồn đọng: Chấp nhận "mất học phí"

Văn Duẩn - Minh Chiến

Nêu con số 2.200 dự án tồn đọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để giải quyết dứt điểm thì phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là "học phí"

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 23-5, QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Tin tưởng đạt mục tiêu tăng trưởng 8%

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhìn nhận mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 gặp nhiều thách thức, đặc biệt khi Mỹ công bố chính sách thuế quan. Đánh giá tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2025 là mục tiêu ngắn hạn, ông Cường cho rằng chúng ta không thể tìm các động lực mới mà vẫn phải dựa vào những động lực hiện hữu đang đóng góp vào tăng trưởng hiện nay. Do vậy, những giải pháp cấp bách để tăng trưởng những tháng còn lại phải hướng vào các giải pháp tức thời để làm thế nào để ngăn chặn giảm xuất khẩu, tăng đầu tư, tiêu dùng.

Theo ông Cường, trong bối cảnh xuất khẩu có thể ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ, cần giữ vững các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm, trong đó có thị trường Trung Quốc. Đối với tiêu dùng, cần tận dụng tối đa thị trường trong nước. Việc kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng lậu là một phần quan trọng để giữ vững "trận địa" này.

Đối với động lực đầu tư, ông Cường cho rằng để giải ngân 100% kế hoạch vốn năm nay là rất khó khăn, thậm chí là "thần kỳ". Khi đầu tư công khó khăn, ông Cường đề xuất khuyến khích đầu tư tư nhân, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án quan trọng, trọng điểm của nhà nước. Cùng với đó, tháo gỡ cho 2.200 dự án có tổng số vốn 5,9 triệu tỉ đồng đang gặp vướng mắc, để giải phóng nguồn lực.

Để có thể tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng hai con số ở những năm tới, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) thừa nhận đây là thách thức rất lớn nhưng khẳng định có niềm tin, khát vọng để đạt được mục tiêu này sớm đưa đất nước trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Sau khi phân tích những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, ông Ngân nêu ra những giải pháp, trong đó tập trung vào 3 đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng, nhân lực. Đối với 3 động lực tăng trường mới, ngoài khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ông Ngân cho rằng còn có việc sáp nhập các tỉnh, thành cũng sẽ tạo ra không gian phát triển mới. ĐB cũng đề nghị quan tâm hơn đến 3 thế mạnh Việt Nam đang có và cần phát huy để phát triển, tạo đột phá, đó là du lịch, văn hóa, nông nghiệp, để đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để phát triển kinh tế phải khuyến khích hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là giải pháp quan trọng để tăng trưởng trong thời gian ngắn hạn. Còn ĐB Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) mong muốn có cuộc cách mạng, đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, Chính phủ cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính.

Xử lý dự án tồn đọng: Chấp nhận "mất học phí" - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận tổ Ảnh: PHẠM THẮNG

"Đã có bệnh thì phải chữa"

Một trong những vấn đề quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập là chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khi thảo luận ở tổ về công tác này.

Theo Thủ tướng, nhiều dự án tồn đọng nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ do chính sách không phù hợp. Đơn cử, lĩnh vực điện gió và mặt trời, do chính sách trước đây đưa ra chưa phù hợp dẫn tới tiêu cực, lượng lớn dự án được ồ ạt xây dựng không đúng quy hoạch, thủ tục. Chính phủ đã phải ban hành nghị quyết để xử lý.

Thủ tướng cũng cho biết theo thống kê từ các địa phương, hiện có khoảng 2.200 dự án tồn đọng. Nếu xử lý được số dự án này sẽ giải phóng được khoảng 235 tỉ USD, tương đương 50% GDP. Trong giải quyết những bất cập trong việc tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng cho rằng không thể đòi hỏi thu về 100%, cần chấp nhận đây là "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, chữa thì phải đúng, chấp nhận mất mát, đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ và coi đó là bài học mới, kinh nghiệm để tránh lặp lại trong tương lai. Phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí để giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng.

Trong khi đó, ĐB Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề cập thực trạng nhà đất dôi dư sau sắp xếp. Dẫn thống kê của Chính phủ, tới cuối năm 2024, cả nước còn trên 65.000 cơ sở chưa được duyệt, sắp xếp, bố trí lại, ĐB Bình cho rằng việc này gây lãng phí tài nguyên đất đai. Vì thế, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định riêng về xử lý tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính và đặt ra thời hạn xử lý dứt điểm là 6 tháng sau sáp nhập. ĐB Bình cũng đề nghị tăng phân cấp cho chính quyền địa phương, đồng bộ dữ liệu chủ sở hữu nhà đất công... để tái sử dụng hiệu quả các cơ sở nhà đất này.

Trả lời các ĐB, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc sử dụng trụ sở làm việc dôi dư khi sắp xếp tổ chức bộ máy với tinh thần không để lãng phí. Nói thêm về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng cho rằng điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giảm thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin - cho để "không lãng phí thời gian, cơ hội" và tạo không gian phát triển, tạo điều kiện kết nối thuận lợi.

Theo Thủ tướng, chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép, cần chuyển sang hậu kiểm; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực. "Chúng ta cứ nói phân cấp, phân quyền nhưng không phân bổ nguồn lực thì làm sao làm được" - Thủ tướng chia sẻ. 

Bổ sung ngân sách chi thường xuyên hơn 4.327 tỉ đồng

Chiều cùng ngày, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên năm 2025 (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) với kinh phí 4.327,121 tỉ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương như tờ trình của Chính phủ.

Trong đó, Bộ Y tế dự kiến được bổ sung gần 4.081 tỉ đồng để quyết toán hàng viện trợ cho phòng chống dịch COVID-19.

Thông ở trên, tới xã lại... tắc

Hiện nay, chung ta đang tập trung thực hiện 4 nghị quyết quan trọng của Đảng: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, bộ 4 nghị quyết quan trọng của Đảng đã bao trùm tất cả các vấn đề kinh tế - xã hội, cần được thể chế hóa một cách toàn diện. Trong khi đó, thực tế vẫn còn có hiện tượng "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" khi đi vào quy định cụ thể. "Tinh thần của các nghị quyết là giảm thủ tục hành chính nhưng hàng ngàn giấy phép con, hàng ngàn thủ tục vẫn tiếp tục được "mọc" lên, được đặt ra. Bước vào một dự án, công việc làm ăn nào đó thì đụng ngay hàng loạt quy định. Kể cả trong đời sống người dân cũng vậy" - ĐB Nghĩa nói.

Do vậy, ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý sắp tới đây khi thực hiện "Bộ tứ trụ cột", tức 4 nghị quyết quan trọng của Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ là việc thực hiện phải xuyên suốt tới cấp xã; không thể để xảy ra tình trạng "thông trên trung ương, trên tỉnh nhưng tới xã lại tắc".

Đưa ra vì dụ người dân xin sửa chữa nhà, lên xã xin xác nhận "nhà không tranh chấp" nhưng đôi khi phải lo liệu "phong bì" mới được giải quyết, ĐB cho rằng việc thực hiện thể chế cũng quan trọng không kém gì việc chúng ta cải cách thể chế. "Tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh phải đi "vi hành" để xem cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đối xử với người dân, doanh nghiệp như thế nào" - ĐB Nghĩa nói.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo