Tại quận Phú Nhuận, TP HCM, đường Phan Xích Long chạy qua phường 1, 2 và 7 dài khoảng 2 km, việc ghi số nhà rất rắc rối.
Công nghệ cũng chào thua
Phóng viên rơi vào tình cảnh lúng túng khi nhiều ngôi nhà trên đường này mang ít nhất 2 số; 2 nhà cạnh nhau nhưng chênh nhau nhiều số hoặc 2 địa chỉ giống hệt nhau, chỉ khác phường. Ngoài ra, số chẵn, số lẻ nằm chung 1 mé đường… Hiện trạng ấy khiến bất cứ ai từ xa tới dễ hoa mắt như rơi vào mê cung.
Bà Mỹ Loan (58 tuổi), bán hàng giải khát gần 20 năm trên vỉa hè đường Phan Xích Long, cho hay mỗi ngày có trên dưới 10 người cả đi xe máy lẫn ô tô dừng lại hỏi địa chỉ nhà. "Đến đường Phan Xích Long phải nắm kỹ địa chỉ nằm ở đâu, phường nào. Chứ tin vào Google Maps (bản đồ) tìm nửa buổi cũng chẳng ra" - bà Hoa nói.
Ở thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè, trưa 16-5, chị Anh Thơ đi bộ hơn 400 m ra đầu hẻm 1806/127 Huỳnh Tấn Phát để chờ nhận hàng đặt qua mạng. Con hẻm này rộng khoảng 4 m với nhiều ngõ ngách, càng vào sâu bên trong càng thu hẹp, địa chỉ nhà thì tăng thêm ký tự từ 2 đến 7 xuyệt và nhà chị Anh Thơ là 1806/127/2/6/15/27/5 đường Huỳnh Tấn Phát.
Chị Anh Thơ kể để chỉ đường cho shipper có khi phải mất cả buổi bởi lối vào nhà như mê cung, shipper với app chỉ đường tiên tiến nhất cũng không tìm ra. Do vậy, phải chịu khó cuốc bộ ra nhận hàng vì chỉ đường vừa tốn tiền điện thoại còn bị tài xế phàn nàn.
Cách đó không xa, ông Hoàng (54 tuổi) cũng chịu nhiều bất tiện vì số nhà rối rắm. Ông Hoàng cho hay người dân trong khu vực khi gọi xe cấp cứu hoặc cứu hỏa rất khó định vị phương hướng. Có việc họ đều đứng sẵn ở hẻm để chờ. "Mệt nhất là lúc làm hồ sơ, giấy tờ vì nhà tôi có tận 6 xuyệt. Chưa hết, bạn bè đến chơi ai cũng nói thẳng địa chỉ nhà dài hơn số điện thoại nên tôi cũng buồn, ngại lắm" - ông Hoàng than.
Theo ghi nhận, các đường Nguyễn Văn Bá (TP Thủ Đức), Nguyễn Văn Thủ (quận 1), Võ Văn Vân (huyện Bình Chánh)... số nhà cũng xếp lộn xộn. Có nhà mặt tiền đường nhưng ngôi nhà này là một số, căn nhà bên cạnh lại có xuyệt hoặc đang số hàng chục bỗng nhảy tới hàng trăm. Cá biệt, trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức), 5 căn nhà cùng số 148.
Không còn phù hợp
Theo tìm hiểu, việc cấp biển số nhà được quy định tại Quy chế đánh số và gắn biển số nhà do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 05/2006 (gọi tắt là Quy chế 05). Sau gần 18 năm thực hiện, những quy định này không còn phù hợp.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan và người dân đối với dự thảo thông tư quy định đánh số và gắn biển số nhà để thay thế. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 10-5 đến 10-7-2024. Dự kiến thông tư sẽ ban hành và có hiệu lực trong tháng 8-2024.
Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (đơn vị chủ trì soạn dự thảo thông tư), nội dung dự thảo đưa ra các nguyên tắc thống nhất trong việc đánh số và gắn biển số nhà để khắc phục tình trạng loạn biển số nhà, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM trong thời gian qua, góp phần thuận lợi cho người dân cũng như công tác quản lý của địa phương.
"Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc tổng kết, đánh giá thực hiện Quy chế 05, trên cơ sở đó sửa đổi, bố sung các quy định để bảo đảm thông tư này được ban hành có hiệu lực, đồng thời với thời điểm nghị định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản có hiệu lực thi hành đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra" - lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, cho hay.
Cần thiết nhưng nên tính kỹ
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng tình trạng lộn xộn trong việc đánh số nhà tồn tại từ lâu.
Để giải quyết, các cơ quan chức năng cần thống nhất về vấn đề này. Bên cạnh đó, các địa phương nên thực hiện đồng bộ mới tạo được sự văn minh cũng như tính hiệu quả.
"Thông tư thay thế Quy chế đánh số và gắn biển số nhà có giá trị pháp lý cao hơn và được kỳ vọng chấm dứt tình trạng loạn số nhà ở nhiều nơi.
Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM), cho rằng việc đánh lại số nhà cho khoa học hơn là cần thiết nhưng phải được tính toán cẩn trọng, bởi thay đổi có thể sẽ dẫn đến xáo trộn lớn cho cuộc sống người dân trong việc xác nhận cư trú hoặc chuyển nhượng nhà ở. Vì vậy, phải được hướng dẫn của Sở Xây dựng và các cơ quan cấp trên.
"Việc sửa đổi, cập nhật nên đi trước một bước trên hệ thống dữ liệu của sở, ban, ngành, quận, huyện để khi triển khai đặt số nhà hay rộng hơn là đổi tên đường thì tổ chức, người dân thuận lợi trong quá trình khai báo cũng như thực hiện các đăng ký kinh doanh, giao dịch, chuyển nhượng mua bán…" - luật sư Hùng nói.
Giải quyết bất cập
Tại TP Hà Nội, "mê hồn trận" số nhà tồn tại trên rất nhiều tuyến phố khiến ngay cả những người dân sinh sống nhiều năm đôi khi cũng vất vả tìm. Khảo sát tại hàng loạt khu vực trên địa bàn, dễ dàng nhận thấy tình trạng bảng số nhà lộn xộn, nhảy cóc, chẵn lẻ nằm xen kẽ, thậm chí một căn nhà gắn tới 2 bảng.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phân cấp UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn số nhà theo địa bàn quản lý. Sở ngành liên quan có nhiệm vụ hướng dẫn các địa phương giải quyết bất cập, tạo thuận lợi cho người dân...
Bình luận (0)