Ngày 22-5, Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cho biết đang tạm giữ ông Hà Văn Hiếu (SN 1989, quê Đồng Tháp) để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Ông Hiếu là người lái xe ba gác tự chế chở tôn đi ngược chiều khiến một người tử vong.
Những cái chết oan uổng
Trước đó, trưa 20-5, ông Hiếu chạy xe máy không gắn biển số kéo thùng xe tự chế chở theo cuộn tôn dài lưu thông ngược chiều trên Quốc lộ 51 hướng từ huyện Long Thành về thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Khi qua xã Phước Thái (huyện Long Thành), xe chở tôn xảy ra va chạm với xe máy do anh L.M.S (SN 1999) chở theo chị Đ.T.N.L (SN 1986) đang lưu thông hướng từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về TP Biên Hòa. Cú va mạnh khiến anh S. bị cuộn tôn trên thùng xe cứa đứt lìa bàn tay phải, ngã xuống đường. Người dân đã đưa nạn nhân đi bệnh viện cấp cứu nhưng anh S. đã tử vong sau đó. Còn chị L. bị thương nhẹ.
Cuối năm 2023, một phụ nữ khoảng 60 tuổi chạy xe máy trên đường 3 Tháng 2, hướng từ quận 11 đi quận 3 (TP HCM) đã tử vong oan uổng khi đụng phải xe xích lô chở sắt. Theo đó, khi vừa qua giao lộ Sư Vạn Hạnh khoảng 100 m (thuộc phường 10, quận 10) thì xảy ra va chạm từ phía sau với xe xích lô đang chở các thanh sắt dài. Sau va chạm, người phụ nữ ngã xuống đường tử vong tại chỗ.
Đã có rất nhiều vụ tai nạn do xe chở tôn, chở sắt vi phạm luật giao thông khiến người đi đường tử vong. Vụ tai nạn giữa năm 2019 đã khiến ông N.Đ.T (SN 1958) tử vong khi ông chạy xe máy từ huyện Thống Nhất đi huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Trên đường đi, xe ông T. đã va chạm một xe ba gác chở đầy tôn, những tấm tôn cắt vào cổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Một vụ tai nạn khác khiến cháu T.M.H (SN 2007) ở quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) tử vong. Lời khai của ông Đ.N.T (SN 1964) thể hiện ông dùng xích lô chở tôn trên đường thì cháu H. chạy xe đạp tông trúng bị tấm tôn cắt vào cổ khiến cháu tử vong.
Chị Thu Cúc (SN 1983) sống trên đường Trần Văn Chẩm (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM) vẫn rùng mình khi nhớ lại vụ tai nạn thương tâm khiến một thiếu nữ thiệt mạng. Chị Cúc kể: "Hôm đó tôi đang mua đồ thì nghe một tiếng động mạnh. Nhìn ra thì thấy xe máy của thiếu nữ tông trúng chiếc xe ba gác chở đầy tôn, sắt thép. Vụ va chạm khiến thiếu nữ tử vong tại chỗ. Nhiều năm trôi qua mỗi khi đi ngang đoạn đường này tôi vẫn ớn lạnh".
Xử phạt nghiêm
Trưa 22-5, một người đàn ông chạy xe ba gác chở theo nhiều tấm tôn lưu thông trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP HCM), phía trước có cột một miếng vải đỏ để cảnh báo nguy hiểm. Dừng xe tại một đoạn đường vắng nghỉ trưa, người này nói: "Biết là chở như vậy nguy hiểm, có thể gây chết người và có thể đi tù bất cứ lúc nào nhưng vì cuộc sống nên làm liều". Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp luật, lý giải vì nghèo, vì mưu sinh mà xem thường mạng sống người khác và vi phạm pháp luật là ngụy biện.
Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ, cho biết điều 260 Bộ Luật Hình sự, "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định rất rõ cho hành vi gây tai nạn khi tham gia giao thông. Theo đó, nếu gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 61% trở lên, làm chết người, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng có thể lãnh án đến 5 năm tù. Theo khoản 3 điều 260 Bộ Luật Hình sự, nếu làm chết 3 người, gây tổn hại sức khỏe cho 3 người - mỗi người 61% trở lên... thì có thể lãnh án đến 15 năm tù.
"Mặc dù luật đã quy định rất rõ về xử phạt hành chính, xử lý hình sự nhưng dường như nhiều người không sợ. Họ bất chấp, cứ chở hàng cồng kềnh, chở những tấm tôn sắc lẻm lưu thông trên đường phố đông đúc. Rất cần sự xử lý ráo riết, triệt để đối với những người chở sắt thép, chở tôn nguy hiểm để hạn chế những vụ tai nạn thương tâm xảy ra" - luật sư Lưu Tấn Anh Toàn nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, nguyên Phó chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, ngao ngán: "Bây giờ ra đường rất sợ những xe ba gác chở tôn, chở những tấm sắt dài. Những người này nhìn thấy thì rất tội vì họ khắc khổ, vất vả để mưu sinh. Tuy nhiên, không vì mưu sinh mà bất chấp luật lệ và coi thường tính mạng của người khác. Bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể trở thành nạn nhân của những chiếc xe chở hàng cồng kềnh nhìn ớn lạnh. Chính vì vậy, rất cần một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng cho người dân hiểu, chấp hành đúng pháp luật rồi tiến tới phạt thật nặng những người chở những hàng hóa nguy hiểm. Bên cạnh đó, phương án tịch thu những chiếc xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không bảo đảm chuẩn lưu thông cũng cần được xem xét".
Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi, Đoàn Luật sư TP HCM, nhìn nhận thời gian qua lực lượng CSGT thuộc Công an TP HCM đã tăng cường ra quân tuyên truyền, xử phạt những người dùng xe tự chế chở hàng cồng kềnh, quá khổ. Tuy vậy, quan sát trên đường vẫn thấy người dân dùng xe tự chế chở hàng, xe công nghệ chở hàng quá khổ gây nguy hiểm, khuất tầm nhìn đối với người tham gia giao thông. Do đó, cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền. Đồng thời cần thiết phải phối hợp với các công ty vận chuyển hoặc các hãng xe để có biện pháp xử lý các xe của đơn vị mình có vi phạm khi tham gia giao thông ngoài việc xử phạt theo luật nhằm ngăn chặn việc vi phạm tiếp diễn.
Bình luận (0)