Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM vừa tổ chức hội nghị khoa học về kinh tế, xã hội và công nghệ 2024.
Với chủ đề: "Sự hội tụ của khoa học kỹ thuật và đời sống trong kỷ nguyên số", hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết đổi mới mang tính hệ thống liên ngành trong bối cảnh công nghệ số phát triển vượt bậc.
Kỷ nguyên số - đổi mới sáng tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, không chỉ cải thiện giáo dục và nghiên cứu; mà còn kết nối sâu rộng các lĩnh vực kinh tế, xã hội và công nghệ; tạo ra mạng lưới liên ngành hướng đến các giải pháp mang tính đột phá, thiết thực và toàn diện.
Trong đó, giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Toán học) giúp sinh viên phát triển tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng nhận diện và giải quyết vấn đề phức tạp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chia sẻ về những xu hướng mới trong giáo dục STEAM, TS Nguyễn Thành Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Chương trình Giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri (Mỹ) - Viện trưởng Viện STEAM, Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TP HCM, cho biết thực tế hiện nay, sự kết nối liên ngành đang là chủ đề được quan tâm trong các dự án có tính chất phức tạp của thế giới hiện đại, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Theo đó, STEAM là một phương pháp giáo dục mới có thể đáp ứng nhu cầu thực tế này của xã hội, mang đến cách tiếp cận toàn diện, căn bản, thúc đẩy sáng tạo, tư duy phản biện đa chiều và sự hợp tác liên ngành sâu rộng.
Phân tích 37 nghiên cứu mới được chọn lọc từ năm 2020 - 2024, TS Nguyễn Thành Hải đã phác thảo những xu thế mới gần đây của giáo dục STEAM trong kỷ nguyên số. Các vấn đề đạo đức và văn hóa xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số, nhấn mạnh vai trò của giáo dục STEAM trong việc chuẩn bị cho người học có đủ phẩm chất, năng lực trở thành những công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc riêng.
Hội nghị cũng có sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học về: Ảnh hưởng của khoa học và công nghệ đến phát triển kinh tế; Bản đồ công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam; Công nghệ tri thức và các hệ thống trí tuệ nhân tạo ứng dụng thực tế …
Bình luận (0)