Đức Tả quân Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), nguyên quán Quảng Ngãi, sinh ra tại làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong (Định Tường), nay là huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ông giữ chức Tổng trấn thành Gia Định xưa, được xem như bậc đại khai quốc công thần triều Nguyễn, có công lớn trong sự nghiệp mở mang, phát triển bờ cõi phía Nam của Tổ quốc.
Lăng Ông Bà Chiểu là nơi thờ Tả quân Lê Văn Duyệt và Chính thất Tả quân phu nhân Đỗ Thị Phẫn, di tích này tọa lạc ở địa chỉ số 1 đường Vũ Tùng, phường 3, quận Bình Thạnh (TP HCM).
Lăng được bao quanh bởi tường dài 500m, cao 1,2m. Đặc biệt, Lăng có đến 4 cổng hướng ra 4 con đường: Lê Văn Duyệt, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng.
Hàng năm, vào các ngày 30-7, 1-8 và 2-8 âm lịch là lễ giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Lễ giỗ được diễn ra theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Ngoài ra, vào dịp Tết Nguyên đán, Lăng Ông Bà Chiểu là nơi đông đảo người dân và du khách tìm đến chiêm bái, nguyện cầu.
Miếu thờ tại lăng Ông Bà Chiểu chia thành 3 phần: tiền điện, trung điện và chánh điện. Giữa các điện là một giếng trời ngăn cách.
Xúng xính đến Lăng trong bộ áo dài thật đẹp, chị Hạ Linh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết: "Lăng Ông Bà Chiểu là nơi chị và gia đình nhất định phải tìm đến mỗi dịp đầu năm mới. Trong không khí trang nghiêm và ngập tràn hương sắc xuân, mỗi người có cơ hội lắng lại để suy ngẫm, hướng đến một năm mới với tinh thần tích cực và niềm tin vào những điều tốt đẹp."
Không riêng gì chị Linh, đa số người dân và du khách đều chọn trang phục áo dài khi đến viếng Lăng Ông Bà Chiểu.
Ngoài việc gởi gắm những nguyện ước cao đẹp trong làn khói hương trầm nơi chốn linh thiêng thì nhiều người tìm đến Lăng còn để lưu giữ những khoảnh khắc mùa xuân tươi đẹp, đáng nhớ.
Bình luận (0)