xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Ấm áp tình thân ngày Tết

Hoàng Nguyễn

(NLĐO) - Sáng mồng 1 Tết, những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, mừng tuổi ông bà nội, ngoại, các cô, dì, chú, bác…

Qua vùng ký ức

Đường từ bên ngoại sang bên nội, hai xã cận kề cùng huyện Thủ Đức (nay là TP Thủ Đức, TP HCM) ngày xưa trải đất đỏ và cũng không xa mấy. Lộ trình ấy, sáng mồng Một Tết nào, mấy anh em tôi cùng ba má cũng đi qua.

Xuất hành từ nhà tôi, bầu đoàn thê tử, già trẻ, gái trai, lớn bé đi qua nhà ông cố. Cây mai cổ thụ trước nhà ông nở bung bông vàng rực cả một góc sân. Đám trẻ tụi tôi xúng xính trong bộ quần áo mới; miệng nhai nhóp nhép mấy miếng mứt gừng, mứt bí, mứt dừa; ngồi chờ ông Ba, bà Ba (em của ông ngoại) và mấy cậu, dì tặng tiền lì xì sau khi bập bẹ gắng nói cho tròn lời mừng tuổi.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Ấm áp tình thân ngày Tết- Ảnh 1.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Ấm áp tình thân ngày Tết- Ảnh 2.

Mồng 1 Tết, con cháu chúc Tết người lớn, rồi người lớn lì xì cho con cháu trong gia đình - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Tụi tôi chạy loanh quanh ra cái ao kế bên nhà có mấy cây nhàu đang cho trái, mấy bụi dành dành. Trái nhàu chín để người lớn ngâm rượu; lá thì xào lươn, rắn, ếch, chuột... Tôi thích nhất là ra khu vườn có trồng mấy cây dâu, mấy dãy cau, trầu, có thêm mấy cây cà phê nở bông thơm phưng phức. Và, sẽ thiếu nếu không nhắc đến mùi đinh lăng ngan ngát thơm từ hàng rào kéo dài phía trước nhà ông cố và tiếng gù của mấy con cu cậu Tám nuôi.

Ngày Tết kiêng kỵ việc bẻ cành, hái trái - bởi theo quan niệm xưa là để cây trái cũng được ăn Tết - nhưng tụi tôi cứ lén hái. Không khí Tết ở vùng nửa quê nửa tỉnh này đã thấm đẫm trong tâm hồn đám trẻ chúng tôi.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Ấm áp tình thân ngày Tết- Ảnh 3.

Canh nồi bánh chưng ngày Tết - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Lòng vòng một hồi, cả đại gia đình lên chiếc xe lam của cậu Tư ra nhà ông Năm. Tôi nhớ ngay góc cua có mấy anh đang lắc bầu cua cá cọp. Tiếng rao chào mời khiến mấy anh em tôi cầm lòng chẳng đặng. Đặt bầu ra cua, đặt tôm ra nai... Thua sặc gạch mà vui!

Vô tới căn nhà mái lá đơn sơ, cũng nằm trong vườn cau chuối rộng rãi, bà Năm kêu mấy dì làm con vịt xiêm, trộn gỏi chuối hột xắt mỏng, ăn cháo.

Sau này, thời gian cách xa, nhà cửa đổi khác, tôi hầu như không còn nhớ, không còn hình dung ra cảnh nhà cũ khi tất cả đã qua vùng ký ức.

Nhiệm vụ dở dang

Tết năm nọ, ông Bảy kêu qua nhà. Ông mới gá nghĩa với bà cô Bảy mấy năm sau này. Hai người không có con chung. Ông thì có con cháu riêng nhưng người vô rừng, người đi tập kết nên ở tuổi 60 - 70, ông sống một mình với nghề viết lách.

Ông có kinh nghiệm viết tiểu thuyết cho mấy nhật báo trước 1975, cứ mỗi ngày cho ra khoảng 400 chữ rồi giao cho tờ báo. Ở tuổi gần đất xa trời, ông chỉ giữ lại cho mình một công trình tâm huyết, là kết tinh lao động cả một đời người. Đó là một bộ từ điển tiếng Việt do ông dồn tâm trí biên soạn.

- Con phục ông quá!

- Ông sẽ truyền lại cho con tinh thần, tư liệu để chỉnh sửa, hoàn thiện bộ từ điển này.

Thế nhưng, sau đám tang của ông Bảy, tôi đi nhiều nơi, làm nhiệm vụ viết lách cho đại chúng nhưng nhiệm vụ của một nhà ngôn ngữ học, từ điển học "kế nhiệm" đã không thể hoàn thành.

Dù vậy, tôi vẫn giữ trong đầu hình ảnh về vườn mai giảo, căn nhà nho nhỏ của ông bà Bảy và nhất là nụ cười hiền từ, phúc hậu của ông Bảy với râu tóc bạc phơ. Đến giờ, tôi vẫn còn giữ nguyên cả chục cái phong bao tiền lì xì của ông bà Bảy.

Thời bao cấp

Ngày ấy, Tết thời bao cấp.

Cầm sổ mua bán của nhà lên hợp tác xã tiêu thụ mua được một túi mứt tổng hợp theo tiêu chuẩn, trong đó có đủ thứ nhưng không có cái nào ra hình ra dáng, ra vị, ra hương của mứt Tết.

Buổi trưa, chạy ngược chạy xuôi, mua ít thịt của cửa hàng thương nghiệp huyện theo tiêu chuẩn gia đình liệt sĩ.

- Cô cho tôi mua ít mỡ!. (Mỡ đem về thắng ra để dành, xài lâu dài hơn là đem thịt, xương về nấu ăn một, hai ngày thì hết).

- Hết rồi!

Vậy thì chịu. Chỉ trông mong vào anh Tư bên xóm, trưa 30 mổ con heo xong chia cho một ít.

Trong xóm, hình thành cái lệ, cứ tháng 8, 9, mấy nhà có điều kiện mua một con heo con, lông đen xám, về thả rông, nuôi cám, nuôi bèo. Đến tháng chạp, bụng nó vừa đụng đất là chờ đêm 29, 30 Tết sẽ "hóa kiếp" cho nó. Anh em có được nồi cháo lòng với món lòng luộc lai rai để rồi còn phụ mấy dì, mấy chị đào lò, bắc lò nấu bánh tét, hấp bánh ít cúng ông bà 3 ngày Tết.

***

Hai, ba giờ sáng. Máy bay bay qua bầu trời ngang nhà. Cái nhà ngày xưa mái ngói đã cũ, lên rêu, vách ván đã mục một số nơi. Cái nhà cưu mang, trú nắng trú mưa cho cả gia đình trong nghèo khó, đi qua những cái Tết buồn vui lẫn lộn.

Con gái nè, ở bên đó có Tết không? Con có nhớ Tết của quê nhà với bánh tét, củ cải ngâm nước mắm. Bà nội thường gói riêng cho con mấy cái bánh ú, bánh ít. Rồi lại thêm những thứ mứt nhà làm, mứt gừng, mứt dừa, mứt mãng cầu...

Và, sáng mồng 1, những đứa trẻ xúng xính trong bộ quần áo mới, mừng tuổi ông bà nội, ngoại, các cô, dì, chú, bác…

Sau đó là lắc bầu cua, ngồi trong nhà đánh bài cào, xì dách… Mỗi ván ăn thua 5, 10 đồng cho vui ấy mà.

Ngoại thì ngồi sòng tứ sắc với mấy bà hàng xóm. Nhiều bữa thức phụ ngoại chia bài, ngáp ngắn ngáp dài… chỉ để được ngoại cho dăm ba đồng lẻ mua kẹo bòn bon hay hạt dưa nhai nhóc nhách.

Con về đi. Tết này cả nhà mừng đón con.

Tháng Chạp, Quý Mão.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Ấm áp tình thân ngày Tết- Ảnh 4.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo