Đêm 30 Tết, chúng tôi ngồi lại bên nhau cùng chờ đợi khoảnh khắc giao thừa trên con tàu nhỏ bé so với biển nước mênh mông, liên tục lắc lư theo từng con sóng trên thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Gói bánh chưng giữa trùng khơi
29 tháng Chạp, trên boong tàu bày ra nhiều thứ. Những chiếc lá dong không còn xanh mượt do bao ngày lênh đênh trên biển, mâm gạo nếp trắng tươm phát từng tia sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, thịt heo được thái xếp thành từng hàng đều tỏa mùi hành, tiêu thơm lừng. Tất cả đang chờ bàn tay khéo léo của người lính biển để được gói gọn thành chiếc bánh chưng vuông vức - món ngon đã trở thành biểu tượng của Tết cổ truyền dân tộc.
"Toàn tàu tập trung boong mũi gói bánh" tiếng nói oang oang của Thuyền trưởng Chung vang lên liên tục trên bộ đàm. Sau hiệu lệnh, mọi người từ mọi ngóc ngách trên tàu đã có mặt đông đủ, quây quần cùng nhau trên boong. Người cắt lá dong, người đổ nếp, gắp thịt bỏ vào còn một số đồng chí thì đứng xem làm chân sai vặt. Những bàn tay quanh năm cầm súng nay vẫn thoăn thoắt lướt trên từng chiếc lá, buộc dây lạt trông cũng rất lành nghề.
Chiếc bánh đầu tiên được hoàn thành trong ánh mắt sáng ngời niềm vui của mọi người, tiếp thêm lửa để cho những đôi tay tăng nhanh tốc độ. Lâu lâu lại vang lên tiếng la oai oái của Oát (quê Hà Tĩnh) - kèm theo những cái huơ tay: "Hoàng sao bỏ nhiều nhân thế, phải chia đều ra chứ". Thỉnh thoảng chen vào giữa không khí rộn ràng, vui tươi đó là tiếng rầm rầm, bình bịch. Và tiếp theo "cô nàng" sóng đỏng đảnh không biết từ nơi nào chồm tới làm nước tung trắng xóa tràn lên cả boong.
Con tàu bắt đầu chao đảo, oằn mình lắc lư như muốn tạo thêm điểm nhấn để nhắc nhở các chiến sĩ, nơi đây là mênh mông biển trời. Liên tục tiếng chỉ huy vang lên đều đặn để ứng phó với sự cố bất ngờ từ biển cả mang lại. "Kéo… kéo… kéo chậu nếp kìa Thắng, nhanh lên, không nước biển vào". Vừa nói Oát vừa chồm tới nâng bỗng nồi thịt heo lên. "May thế, chút nữa là Tết này bánh chưng không nhân rồi" - Oát pha trò.
"Mọi người tranh thủ, mỗi người một tay gói nhanh lên, sóng lên là không gói được đâu" - vừa ôm bó lá dong lên bàn tôi vừa động viên anh em. Thuyền phó Tuấn nói chèn vào: "Anh Nam chằng, buộc lại nồi và cái bếp nhé, chứ sóng thế này thì dễ mất ăn lắm". "Thuyền phó yên tâm, bánh xong là luộc được luôn" - vừa nói anh Nam vừa chỉ về đống củi và cái bếp cải tiến phía đằng xa.
Cứ như vậy, việc gói bánh chưng vẫn cứ diễn ra trong khung cảnh đậm chất biển khơi. Những mẩu lá dong còn chưa kịp dọn bay tứ tung khắp nơi theo điệu múa thướt tha của gió, sóng mải miết đánh ầm ầm vào thân tàu tạo nên giai điệu hoang tàn và đàn hải âu cứ chao đảo ngả nghiêng cất lên những tiếng ca cao vút hòa vào câu chuyện của các chàng lính biển trong những ngày giáp Tết.
Lời thề quyết tâm
Khi tia nắng cuối cùng dần bị những làn sóng vô tình nuốt chửng, cũng là thời điểm tàu cá ngư dân nặng nề thu lưới để về bến đỗ. Giữa mênh mông sóng nước, trên con tàu 205 những người lính tuổi xanh vẫn đang mải miết chuẩn bị mọi thứ cho thời khắc giao thừa.
"Nhanh nhanh, vớt con gà lên", "xem nồi xôi trên bếp", "Thắng mang hộ đĩa gà lên bàn thờ" - tiếng Oát, Bếp trưởng dày dặn kinh nghiệm vẫn vang lên giúp mọi người chuẩn bị không thiếu sót thứ gì. Sau khi kiểm tra một lượt và quan sát trên màn hình ra đa, tôi thở phào nhẹ nhõm nói: "May mà mấy hôm nay sóng không to như mấy hôm trước, với lại "chúng nó" không mò sang rình trộm ngư dân mình, không thì giao thừa năm nay lại vất vả rồi".
Tuấn - Thuyền phó già dặn, khuôn mặt đã vương mùi thời gian cười xòa: "Chính trị viên khéo lo, có năm nào giao thừa biển nổi sóng đâu. Mẹ biển vẫn còn thương anh em tụi mình lắm, còn "chúng nó" cũng đang ăn Tết như anh em mình thôi". Nói xong hai anh em lại bước ra ngoài boong tàu để xem xét tình hình. Bởi trong tàu, mọi thứ hầu như đã hoàn thành nên ai có nhiệm vụ thì làm, còn không cùng nhau viết câu đối đỏ ngày Tết. Một số lính trẻ thì nhờ sĩ quan chuyên nghiệp chụp vội tấm ảnh qua màn đêm để làm kỷ niệm lần đầu tiên trong đời được trải nghiệm ăn Tết trên biển.
Gần giao thừa, tôi cầm bộ đàm và lần lượt chuyển tần số về các kênh thường xuyên liên lạc với nhóm tàu cá phát tín hiệu và nói: "Đây là tàu 205, kính mời các tàu chuyển máy về kênh A10 để nghe Hải quân chúc Tết". Sau khi đã nhận được các trả lời, tôi bắt đầu chúc Tết. Giữa biển trùng khơi, với lời chúc Tết bằng cả trái tim tuổi trẻ, nhiệt huyết của người lính biển cũng xa gia đình vào dịp đặc biệt này khiến mọi người đều thổn thức.
Chúc Tết xong, bước ra cửa thì gặp Xuyên (ở quận Tân Bình, TP HCM) - chiến sĩ mới về tàu lần đầu tiên ăn Tết xa gia đình, đang đứng một mình nhìn xa xăm về phía tia sáng yếu ớt lập lòe trên biển. Tôi đến bên cạnh, vừa tâm sự, hỏi han mới biết Xuyên nhớ mẹ. Đành nán lại ít phút để động viên người chiến sĩ trẻ, yên tâm thực hiện nhiệm vụ. Sau đó lại vội vã trở lại đài chỉ huy để chờ đợi giây phút giao thừa.
Một hồi còi ngân vang, sau đó pháo sáng được bắn lên bầu trời. Giây phút này tất cả mọi người có mặt trên tàu đều hướng về đất liền, thực hiện nghi thức chào trang trọng nhất để gửi đến lời chúc mừng năm mới, lời thề quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ bình yên cho thềm lục địa thiêng liêng, cho ngư dân yên tâm cầm chắc tay lưới, cho những giấc ngủ yên lành của hàng vạn người đất Việt.
Bình luận (0)