xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay

Bích Ngọc

(NLĐO) - Ngắm con trai chạy nhảy tung tăng trong tà áo ngũ thân màu đỏ, tôi tin rằng Tết cổ truyền vẫn sẽ còn vương trên những nếp nhà khang trang của miền quê đã thành phố thị.

Miền Bắc năm nay rét muộn. Xem dự báo thời tiết Hà Nội từ phương Nam nắng ấm, lòng tôi cũng run rẩy như cái lạnh của mưa phùn gió bấc đang thấm dần qua làn da tê tái. Càng lạnh, những người con tha hương càng nôn nao nhớ cái Tết nơi quê nhà. Vùng quê ngoại thành nơi tôi sinh ra và lớn lên giờ đã thành phố thị. Thế nhưng, hồn cốt Tết cổ truyền vẫn còn lẩn khuất, vương vấn trong từng ngóc ngách miền quê nhỏ mỗi năm tôi đưa con về.

Mấy chục năm nay, mẹ tôi vẫn giữ thói quen đi chợ phiên ngày Tết dù ngay gần nhà cũng có chợ cóc và cả siêu thị. Tôi nhớ ngày xưa mẹ bảo muốn đi chợ Tết phải đi từ lúc gà chưa gáy, đợi mặt trời lên thì chợ cũng tan rồi. Dù đã trưởng thành tôi vẫn thích theo mẹ đi chợ phiên cho có không khí ngày Tết. Chợ Tết bao giờ cũng đông vui, tấp nập hơn bình thường. Sáng sớm 27, trong tiết trời se sắt mù sương, tôi co ro vội chui ra khỏi giường khi nghe tiếng mẹ sột soạt giỏ làn đi chợ.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 1.

Chuẩn bị cơm cúng Tết

Ngồi sau xe ôm mẹ thật chặt, chẳng phải tôi muốn kiếm chút hơi ấm ngày đông mà là để tranh thủ hít hà mùi của mẹ. Vào mùa đông, người mẹ lúc nào cũng phảng phất mùi dầu gió xanh ngai ngái lẫn mùi thơm dịu nhẹ của kem bôi nẻ. Dọc con đường từ nhà đến chợ, nào cô Chuyên, thím Thư, bác Đoàn, bác Tọ… chẳng hẹn nhau mà rôm rả tiếng chào. Thấp thoáng trong dòng người hối hả là những chiếc làn nhựa đỏ đã phai màu thời gian.

Cuối năm bận rộn, người trẻ thường chọn đi siêu thị vừa nhanh vừa tiện trong khi tôi chưa già lại thích đi chợ hơn bởi nó đẫm cái tình ấm áp người ta trao nhau vào những ngày cận kề năm mới. Thứ tình ta chẳng thể nhìn thấy ở nơi người mua phải trả tiền qua hệ thống máy móc. Cái lạnh buốt những ngày cuối năm dường khéo đẩy tình làng xóm chợ xích lại gần nhau. 

Họp chợ phiên, người mua sẵn sàng bỏ tiền lựa đủ đồ cần thiết cho ba ngày Tết, người bán muốn sớm hết hàng để tranh thủ sắm sửa cho gia đình. Chẳng còn ai muốn kì kèo trả giá, người bán bớt vài đồng mừng tuổi các cháu, người mua lại nhặt thêm vài món cho tròn tiền. Cứ thế người đưa kẻ đẩy chúc nhau một năm mới an khang.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 2.

Gia đình đi chúc Tết

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 3.

Con cháu tung tăng đi chúc Tết

Sáng 26 Tết, cả làng cả xóm í ới hò nhau tập trung quét dọn cổng nhà, đường xá, nhổ cỏ phát quang bụi rậm. Không khí náo nhiệt, rộn ràng khắp nơi. Con đường làng quanh co chừng cũng hân hoan vì được khoác trên mình tấm áo mới. Dọc hai bên đường đầy những chậu hoa của mỗi nhà trang trí trước cổng, nào cúc nào đào nào quất đủ cả. 

Hai dãy cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong gió xuân nhẹ nhàng. Những dây cờ nhỏ hình tam giác đủ màu sắc cũng được giăng khắp các nẻo đường. Nhà nhà bắt đầu mở những bài nhạc Tết quen thuộc, hệ thống loa phát thanh của xã liên tục phát những chương trình văn nghệ chào xuân.

Từ 27, 28 tháng Chạp, các bà, các mẹ bắt đầu rục rịch ngâm gạo, đãi đỗ, rửa lá, ướp thịt gói bánh chưng. Nhu cầu ăn uống ngày Tết dù đã không còn như xưa nhưng ai cũng muốn tự gói bánh để lưu giữ không khí Tết cổ truyền. Thế là mấy nhà gom lại cùng luộc chung nồi bánh. Nhà ai có sân rộng thì kê mấy viên gạch, chất sẵn đống củi, nồi cỡ đại, chờ có bánh là thả vào. 

Buổi tối, đám con cháu từ thành phố về quê ăn Tết kéo nhau sang tụ tập quanh bếp lửa, hào hứng tự tay nướng mấy củ khoai tròn mẩy đã được ông bà cắm sẵn xiên. Làn khói củi nghi ngút bay lên theo gió lách qua từng nóc nhà cao tầng như kéo tôi về những cái Tết thời xưa khi chị em tôi cũng lăng xăng tíu tít bên ngọn lửa phập phồng.

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 4.

Gia đình đi lễ chùa đầu năm

"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 5.

Sáng 30, tụi nhỏ theo ông mang thẻ hương ra nghĩa trang mời hương hồn tổ tiên về nhà ăn Tết. Qua trưa, phụ nữ trong nhà chuẩn bị làm cơm cúng tất niên. Bếp liên tục đỏ lửa, một bên nồi luộc gà, bên kia là chõ đồ xôi. Gái lớn ngâm miến và mộc nhĩ, nấm hương; gái út băm thịt, thái rau củ làm nem. Bà thổi nồi cơm rồi bóc chiếc bánh chưng xanh. Giò lụa cắt sáu, bát thịt đông úp ra đĩa, tô canh măng nấu sườn, thêm đĩa rau xanh xào thịt nạc lần lượt bỏ vào mâm dâng lên các cụ. Ông thay đồ chỉnh tề thắp nén nhang chuẩn bị làm lễ. Cửa sổ, cửa chính mở rộng cánh cho khói hương tỏa khắp xung quanh. Cơm cúng xong, bà lại hì hục nấu nồi lá mùi già vừa xông thơm nhà vừa để đám con cháu tắm gội chiều 30.

Sáng mồng 1, cổng chùa làng tấp nập Phật tử khắp các thôn xóm đổ về lễ bái. Các bà các mẹ mặc áo tràng nâu, đám trẻ con xúng xính áo dài đủ màu sắc. Ai nấy đều tươi tắn, rạng rỡ. 

Đứng giữa không gian thanh tịnh nơi cửa Phật, tôi thấy mình an trú trong hiện tại, lo âu tạm bỏ lại, muộn phiền đã theo khói bay xa. Ngắm con trai chạy nhảy tung tăng trong tà áo ngũ thân màu đỏ, tôi tin rằng Tết cổ truyền vẫn sẽ còn vương trên những nếp nhà khang trang của miền quê đã thành phố thị.


"Xuân sum vầy - Tết sẻ chia": Vương vấn Tết xưa trong phố thị hôm nay- Ảnh 6.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo