Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức 467 USD/tấn - giảm 14 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 437 USD/tấn - giảm 17 USD/tấn so với thời điểm cuối năm 2024.
Nông dân lo lắng
Bộ Nông nghiệp Mỹ mới đây tăng dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ thêm 3 triệu tấn, lên 21 triệu tấn, trong khi hạ dự báo đối với nhiều quốc gia khác như Brazil, Pakistan, Thái Lan và Việt Nam. Lý giải, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng nguồn cung gạo toàn cầu đang tăng do các nước giữ sản lượng ổn định. Bên cạnh đó, nếu quyết định không nhập khẩu gạo của Indonesia được áp dụng trong cả năm 2025 thì chúng ta có thể mất đơn hàng sang thị trường vốn mỗi năm nhập 1-2 triệu tấn gạo Việt.
Giá gạo xuất khẩu giảm khiến giá lúa gạo trong nước cũng giảm theo. Ông Nguyễn Công Lý - thương lái thu mua lúa tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp - cho biết đang vào mùa thu hoạch vụ đông xuân nhưng giá lúa giảm liên tiếp khoảng 1 tuần qua, mức giảm 100-300 đồng/kg/ngày. Hiện giá lúa IR 50404 dao động 4.500-5.000 đồng/kg, các giống lúa OM ở mức trên dưới 7.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở vụ đông xuân cùng kỳ năm trước, giá lúa IR 50404 là 7.000-7.500 đồng/kg, lúa OM 7.200-8.000 đồng/kg. "Với giá lúa hiện nay, nông dân có đất trồng thì hòa vốn, còn ai thuê đất coi như lỗ" - ông Lý nói.
Đáng lo hơn, thương lái trước đó đã đặt cọc khoảng 300.000 đồng/công nhưng hiện nay giá lúa giảm nên nhiều thương lái bỏ cọc. Nhiều nhà máy cũng đóng cửa, không thu mua.
Tại tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Diện (ngụ huyện Thới Bình) phản ánh giá lúa ST 24 thời điểm này giảm 4.000 đồng/kg so với cách đây 20 ngày, còn 8.000-8.200 đồng/kg. Lúa OM 5451, CM1... có giá dao động 6.000-6.200 đồng/kg, giảm 1.200-1.800 đồng/kg so với 2 tuần trước. Giá lúa giảm mạnh, thương lái chậm thu mua khiến nhiều hộ nông dân đứng ngồi không yên, lo mất Tết. "Thời tiết năm nay không thuận lợi kéo theo chi phí sản xuất lúa tăng cao, giờ giá lại giảm nên nông dân không còn lợi nhuận hoặc nếu có thì cũng rất ít" - ông Diện than.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, việc Indonesia tuyên bố không nhập khẩu gạo, Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo và một số quốc gia đang chờ mức giá có lợi đã ít nhiều tác động đến giá thu mua lúa trong dân. "Trước mắt, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân không nên bán vội mà dự trữ lúa để chờ giá tốt hơn" - ông Vũ cho biết.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cảnh báo giá gạo đang xuống nhanh, các doanh nghiệp (DN)không nên quá lo lắng mà bán ra ồ ạt khiến giá giảm sâu hơn. "Diễn biến mới này cũng buộc ngành gạo phải nhìn nhận lại việc đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc. Hiện Philippines đang chiếm thị phần áp đảo nên việc quốc gia này thay đổi chính sách nhập khẩu gạo sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam" - ông Nam nhận định.
Còn nhiều cơ hội
Năm 2024, Philippines nhập khẩu gạo tăng đột biến với tổng cộng khoảng 4,5 triệu tấn, trong đó có hơn 3,5 triệu tấn từ Việt Nam - theo thống kê sơ bộ của Bộ Nông nghiệp nước này. Lý do là vì nhu cầu tiêu dùng của Philippines cao và thuế suất thuế nhập khẩu được cắt giảm từ 35% còn 15%. Bước sang năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng tình hình sẽ không còn khả quan như vậy.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại Việt Nam tại Philippines, đánh giá dù năm nay tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng về khối lượng. Trong đó, Philippines vẫn là đối tác nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam với nhu cầu dự báo khoảng 3,5-3,8 triệu tấn trong tổng nhu cầu 4,4-4,7 triệu tấn của nước này.
Về giá xuất khẩu gạo, ông Thành nhìn nhận sẽ có nhiều biến động, đòi hỏi các DN xuất khẩu chủ động nắm bắt thông tin và xu hướng thị trường, linh hoạt thích ứng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu - Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo năm 2024 đạt kỷ lục một phần nhờ đơn giá cao hơn những năm trước, đạt 627 USD/tấn. Thời điểm này, giá xuất khẩu giảm do Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, từ đó tạo sức ép lên thị trường thế giới. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần sản xuất gạo chất lượng cao, gắn với phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu ở thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, năm 2024 xuất khẩu gạo đạt kỷ lục song vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Chẳng hạn, mô hình nông nghiệp tuần hoàn trong ngành lúa gạo mới ở mức sơ khai là bán thô hạt gạo. Trong khi đó, trấu, rơm, cám gạo... - những nguyên liệu để trồng nấm, sản xuất viên nén, chế phẩm sinh học, mỹ phẩm... - đang bị bỏ quên, gây lãng phí.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý cần gia tăng giá trị sản phẩm lúa gạo bởi diện tích đất nông nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp. Song song đó, mở rộng thị trường, thậm chí có thể đầu tư phát triển trồng lúa ở ngay tại thị trường nhập khẩu như châu Phi. "Nếu có quốc gia khác đến châu Phi đầu tư trồng lúa thì Việt Nam sẽ mất thị trường. Tại sao mình không đi trước?" - ông Lê Minh Hoan gợi ý.
Chuẩn bị tinh thần cho vụ chính đông xuân
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), xác nhận từ nửa cuối tháng 12-2024 đến nay, xuất khẩu gạo rất chậm khi không có đơn hàng mới, các đơn hàng đã ký thì bị hoãn lịch nhận. "Tôi cũng nghĩ là giá gạo sẽ giảm nhưng không ngờ giảm sâu đến vậy. Nguyên nhân có phần do yếu tố tâm lý" - ông Thành phỏng đoán.
Theo ông Thành, gạo thu đông của Việt Nam không nhiều, quan trọng hơn là cần chuẩn bị tinh thần cho vụ chính đông xuân sắp tới vì nếu không sẽ rất khó khăn.
Xuất nhiều, nhập cũng không ít
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, năm 2024, Việt Nam đã chi hơn 1 tỉ USD để nhập khẩu gạo phục vụ chế biến bún, phở... "Đây là con số đáng lưu ý khi chúng ta xuất khẩu gạo được gần 6 tỉ USD. Liệu gạo nhập có giành thị phần với gạo Việt Nam ở thị trường trong nước hay không?" - ông Thủy đặt vấn đề.
Về giải pháp cho ngành lúa gạo thời gian tới, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết sở sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN khai thác có hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố, mở rộng thị trường và nâng cao sức cạnh tranh.
Bộ Công Thương đề nghị các ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi để DN mua gạo tích trữ; ngành tài chính đẩy mạnh hoàn thuế GTGT nhằm hỗ trợ DN có thêm nguồn lực...
Bình luận (0)